Tôm Việt được giải oan ở Mỹ
Ngành tôm Việt Nam đón nhận tin tốt nhất sau 13 năm ứng phó với rào cản thuế chống bán phá giá của Mỹ
Thuận lợi cho xuất khẩu
DOC kết luận sơ bộ rằng các sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của 2 bị đơn bắt buộc là Công ty CP Thực phẩm Sao Ta và Công ty CP Hải sản Nha Trang không bán phá giá vào Mỹ trong giai đoạn trên nên DOC thông báo thuế sơ bộ đối với 2 công ty này là 0%. DOC cũng áp mức thuế suất 0% cho 29 công ty khác của Việt Nam có nộp đơn xin xác định mức thuế khác biệt hoặc cam kết không có lô hàng nào xuất vào Mỹ trong khoảng thời gian nêu trên.
Sản phẩm tôm sẽ thuận lợi hơn ở thị trường Mỹ khi không còn bị áp thuế chống bán phá giá. Ảnh: Phúc Nguyên
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, nhận định mức thuế sơ bộ mà DOC vừa công bố chứng tỏ các DN xuất khẩu tôm tham gia vụ kiện đã cung cấp đầy đủ thông tin dữ liệu mà DOC yêu cầu. “Mức thuế 0% mà DOC công bố cho 2 DN bị đơn bắt buộc và các bị đơn tự nguyện còn lại cũng chứng tỏ DN tôm Việt Nam không bán phá giá sang thị trường Mỹ. Nếu mức thuế này giữ nguyên ở kết quả phán xét cuối cùng cho giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 13 – POR13 sẽ là động viên lớn cho DN, tạo đà thuận lợi xuất khẩu tôm sang Mỹ” – ông Hòe đánh giá.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (1 trong 2 DN bị đơn bắt buộc), cho rằng đây là mức thuế CBPG sơ bộ tốt nhất trong 13 lần xem xét hành chính của DOC đối với tôm xuất khẩu từ Việt Nam. “13 năm qua, chưa bao giờ các DN bị đơn bắt buộc được áp mức thuế CBPG 0% và những DN bị đơn tự nguyện còn lại cũng được hưởng thuế suất 0%. Điều này chứng tỏ các DN Việt Nam đã cung cấp số liệu thỏa đáng cho DOC. Mức thuế sơ bộ này kỳ vọng được giữ nguyên trong phán quyết cuối cùng của DOC trong tháng 9 tới, giúp xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ khả quan trong thời gian tới” – ông Lực nói.
Ở đợt xem xét hành chính lần thứ 12 (từ ngày 1-2-2016 đến 31-1-2017), Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cũng là bị đơn bắt buộc và bị áp thuế suất đến 4,58% nên rõ ràng đây là tin vui cho công ty này nói riêng và ngành tôm Việt Nam nói chung.
Tạo niềm tin cho người mua
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, giải thích về nguyên tắc, mức thuế sơ bộ chưa phải là cơ sở để DN được thối lại tiền cọc trước đó và chưa áp dụng là mức tiền cọc cho các lô hàng xuất khẩu tiếp theo. “Tuy nhiên, mức thuế sơ bộ 0% mà DOC vừa công bố sẽ tạo niềm tin lớn cho khách hàng Mỹ trong việc mua tôm của Việt Nam, kích thích hoạt động thương mại giữa 2 nước. Tháng 3 năm ngoái, khi DOC đưa ra mức thuế CBPG sơ bộ hơn 25% cho đợt xem xét hành chính lần thứ 12 khiến hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam bị đình trệ. Đến tháng 9-2018, DOC đưa ra mức thuế chính thức cho đợt xem xét này là 4,58%, xuất khẩu mới tăng trở lại nhưng không bù đắp được các tháng trước đó, khiến ngành tôm tăng trưởng âm trong năm 2018” – ông Lĩnh phân tích.
Là một đơn vị cung cấp nguyên liệu tôm cho các nhà máy, ông Quách Hoàng Phong, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Vĩnh Thuận, phấn khởi trước thông tin Mỹ dự kiến giảm thuế CBPG cho tôm, hy vọng người nuôi tôm, nhà chế biến cùng hưởng lợi. Ông Phong cho hay rút kinh nghiệm năm 2018, năm nay người nuôi tôm đã liên kết chặt chẽ với nhà máy trong tổ chức thả nuôi để tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ. Hiện giá thu mua tôm đang từ 120.000 – 125.000 đồng/kg (loại 50 con/kg), cao hơn cùng kỳ năm 2019.
Nông dân phấn khởi
Theo ông Võ Hồng Ngoãn, người nuôi tôm ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), dự kiến Mỹ áp thuế CBPG 0% đối với tôm Việt Nam thật sự là tin vui đối với người nuôi tôm vì trên thực tế, người nuôi mới là đối tượng chính chịu ảnh hưởng bởi thuế suất cao trong mười mấy năm qua. “Mỹ áp thuế lên DN xuất khẩu nên khi thu mua, DN tính thuế, phí… để ra giá thu mua tôm nguyên liệu cao hay thấp. Trong trường hợp các thị trường nhập khẩu giảm tiêu thụ, ép giá hay áp thuế CBPG thì DN xuất khẩu cũng theo đó ép giá thu mua tôm với nông dân. Nếu thuế CBPG càng cao thì giá tôm nguyên liệu càng giảm, mọi thiệt hại nông dân gánh hết. Vì vậy, khi thuế CBPG còn 0%, tôm nguyên liệu sẽ được giá và người nuôi là đối tượng chính được hưởng lợi qua sự kiện này” – ông Ngoãn phân tích. D.Nhân
“Lịch sử” tôm Việt bị kiện bán phá giá tại Mỹ
Ngày 31-12-2003, Liên minh Tôm miền Nam nước Mỹ nộp đơn khởi kiện CBPG lên DOC và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đối với các DN xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ của Việt Nam và 5 nước khác là Brazil, Trung Quốc, Thái Lan, Ecuador, Ấn Độ. Đầu năm 2004, DOC tiến hành điều tra vụ kiện bán phá giá tôm của Việt Nam tại Mỹ. Tháng 2-2005, DOC chính thức áp thuế CBPG với tôm nhập khẩu từ Việt Nam và DN tôm Việt Nam liên tục gặp rào cản thuế CBPG với thị trường Mỹ.
Trong quá trình xem xét hành chính, DOC sẽ công bố mức thuế sơ bộ vào khoảng tháng 3-4 hằng năm để các DN bổ túc hồ sơ, khiếu kiện (nếu có) sau đó sẽ công bố kết quả cuối cùng vào tháng 9 hằng năm được áp dụng để thối lại tiền cọc hoặc thu thêm các lô hàng bán trong giai đoạn xem xét. Mức thuế suất này sẽ là mức tạm tính cho các lô hàng mới của các DN xuất khẩu sang Mỹ.
Tôm là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của ngành thủy sản Việt Nam, năm 2018 đạt 3,6 tỉ USD. Năm 2019, con tôm được trao sứ mệnh đạt 4,2 tỉ USD xuất khẩu trong tổng kim ngạch 10 tỉ USD phấn đấu của toàn ngành.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.