Châu Thành kỷ niệm 72 năm Chiến thắng Giồng Dứa

(THTG) Ngày 25/4, UBND huyện Châu Thành tổ chức đặt tràng hoa và thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận đánh Giồng Dứa.

Cách đây 72 năm (25/4/1947 – 25/4/2019), tại xã Long Định, huyện Châu Thành, dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Văn Trà – Khu trưởng Khu 8, lực lượng vũ trang của ta đã đánh và tiêu diệt đoàn xe Công Voa và đoàn xe của chính phủ bù nhìn Nam Kỳ tự trị, phá hủy 14 xe, diệt 80 tên, trong đó có tên đại tá chỉ huy tình báo, bắt sống 07 tên khác, trong đó có tên đốc phủ Bích và Trương Vĩnh Khánh – Bộ trưởng của chính phủ Nam Kỳ tự trị. Cảm xúc trước chiến thắng này, hoạ sĩ Diệp Minh Châu đã tự lấy máu tay mình, vẽ chân dung Bác Hồ kính yêu trên mảnh lụa để tặng Người.

vlcsnap-2019-04-25-09h59m48s032

vlcsnap-2019-04-25-09h59m23s111  Các đại biểu viếng, đặt tràng hoa và thắp hương tưởng niệm tại khu di tích lịch sử Giồng Dứa. Ảnh: Ngọc Viễn

Đây là trận đánh tiêu biểu, táo bạo, quyết đoán được nhân rộng ở nước ta trong những tháng đầu toàn quốc kháng chiến, thúc đẩy khí thế đấu tranh cách mạng, tạo được sự tin tưởng, phấn khởi trong nhân dân cả nước, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang ta nói chung cả về trình độ nghệ thuật tác chiến, chỉ huy, sử dụng lực lượng, bố trí thế trận của cuộc chiến tranh nhân dân. Đồng thời khẳng định tinh thần chiến đấu anh dũng mưu trí của cán bộ chiến sĩ địa phương.

vlcsnap-2019-04-25-10h00m05s087

Tượng đài tưởng niệm Chiến thắng Giồng Dứa. Ảnh: Ngọc Viễn

Năm 1985, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang xây dựng tại đây 01 tượng đài chiến thắng gồm: tượng tròn và phù điêu mô tả trận đánh do hai nhà điêu khắc Đỗ Như Cẩn và Phạm Mười tạo mẫu, đồng chí Thượng tướng Trần Văn Trà làm cố vấn tượng đài mô tả lại cảnh chiến đấu đốt xe địch của quân ta bằng 3 thứ quân, với nhân vật được thể hiện: nữ dân quân, vệ quốc quân và một nông dân thổi tù và. Năm 2000 tượng đài đã được quy hoạch tôn tạo lại và di dời vào trong 40m, xây dựng trong một khuôn viên gần 1 hecta với các hạng mục công trình như: công viên, vườn hoa, cây cảnh, hồ cảnh bao bọc chung quanh. Tượng đài và phù điêu chất liệu bê tông cốt thép cao 7 mét dài 24 mét. Di tích Giồng Dứa được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia năm  2003.

Hàng năm, đến ngày 25/4 huyện Châu Thành tổ chức đoàn đến viếng, đặt tràng hoa và thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại khu di tích lịch sử Giồng Dứa, nhằm tri ân và tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, đồng thời ôn lại truyền thống cách mạng của quân dân ta.

                                                                   Ngọc Viễn