Vĩnh biệt nhà quân sự – chính trị toàn tài, Đại tướng Lê Đức Anh

Cả cuộc đời công tác của ông luôn gánh 2 vai: quân sự và chính trị với những dấu ấn quan trọng.

Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã vĩnh biệt chúng ta vào ngày 22/4/2019 sau một thời gian lâm bệnh nặng. 99 năm tuổi đời, hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Ông là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta.

le_duc_anh_hqzj

Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh – nhà quân sự, chính trị toàn tài

Nhiều năm gắn bó và là người kế nhiệm, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đánh giá: nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng toàn tài. Cả cuộc đời công tác của ông luôn gánh 2 vai: quân sự và chính trị với những dấu ấn quan trọng.

Ông Lê Đức Anh được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984. Trong cuộc đời binh nghiệp vẻ vang của mình, Đại tướng Lê Đức Anh đã chiến đấu hơn 30 năm trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và 10 năm trên chiến trường nước bạn Campuchia, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ. Tại thời điểm cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, ông Lê Đức Anh là tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Đến chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975, ông là phó tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch, kiêm tư lệnh Đoàn 232 – cánh quân hướng Tây – Tây Nam đánh vào nội đô Sài Gòn – Gia Định.

Là Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; Trưởng Ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia giúp Campuchia, đồng chí đã quán triệt nghiêm túc đường lối đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam “giúp bạn tức là tự giúp mình”; chuẩn bị mọi mặt chu đáo trong các cuộc tiếp xúc với nước bạn; coi trọng công tác chuyên gia, luôn chỉ đạo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần và phát huy trình độ, kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ này, thường xuyên rèn luyện cho cán bộ, bộ đội tình nguyện tính tổ chức kỷ luật cao trong chấp hành các mệnh lệnh, nguyên tắc. Kết quả hoạt động đối ngoại của đồng chí đã góp phần tích cực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị quốc tế Việt Nam-Campuchia.

Đại tướng Lê Đức Anh giữ chức vụ bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1987 đến năm 1991, sau đó là chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam cho đến tháng 9/1997, có vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Đại tướng Lê Đức Anh chính là người đề xuất việc phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày 29/12/1994, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hàng trăm Mẹ Việt Nam anh hùng ở tuổi ngoài 70 đã cùng duyệt hàng quân danh dự với người đứng đầu Nhà nước – Chủ tịch nước Lê Đức Anh, trong khuôn viên Phủ Chủ tịch.

Sau khi nghỉ hưu (từ tháng 4/2001), Đại tướng Lê Đức Anh vẫn quan tâm đến thời cuộc và tình hình đất nước, ông trăn trở nhiều về bộ máy công quyền, mối quan hệ giữa Nhà nước, trong đó có quân đội, với nhân dân. Khi xảy ra sự việc xô xát do cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng, Hải Phòng năm 2012, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã cùng một số vị lão thành lên tiếng mạnh mẽ, yêu cầu làm rõ đúng sai cả về phía người dân và phía chính quyền các cấp trong vụ việc này, cũng như phản đối việc quân đội tham gia cưỡng chế đất đai. Phát biểu với báo chí khi đó, ông nói: “Một số cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức có hành động không lành mạnh. Điều đó đã làm giảm niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, bản thân tôi thấy đó cũng là điều lo lắng. Tôi cho rằng trong đội ngũ của Đảng, cán bộ đảng viên mà suy thoái, làm trái nguyên tắc cơ bản của Đảng, làm sai hiến pháp và pháp luật thì cần phải xử lý nghiêm”.

Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú cùng những cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Đức Anh là một tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, “tận trung với nước, tận hiếu với dân”.

Vượt qua bao cam go, thử thách khốc liệt của chiến tranh, đồng chí Lê Đức Anh luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí là một đảng viên cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự tài ba trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, một trong những vị tướng chỉ huy xuất sắc có uy tín lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhận định: “Đồng chí Lê Đức Anh là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng ta, Nhà nước ta, của nhân dân ta, của cách mạng Việt Nam”.

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Để tưởng nhớ đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết định tổ chức tang lễ Đại tướng Lê Đức Anh với nghi thức Quốc tang trong 02 ngày 03 và 04/5/2019.

Vĩnh biệt ông, nhà quân sự – chính trị toàn tài – Đại tướng Lê Đức Anh.

Nguồn VOV