Lợi dụng “thương hiệu” Bà Chúa xứ để buôn thần bán thánh
Là một nhà đầu tư độc lập, riêng biệt không liên quan gì đến Khu di tích quốc gia Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam nhưng Công ty Cổ phần MGA Việt Nam lại đặt tên dự án là Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa xứ – Cáp treo Núi Sam. Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử khẳng định đây là việc lợi dụng “thương hiệu” Bà Chúa xứ để trục lợi trong kinh doanh, là kiểu buôn thần bán thánh khiến du khách, người dân ngộ nhận và bức xúc. Nhưng đáng nói hơn là sự dễ dãi đến lỏng lẻo của ngành chức năng tỉnh An Giang khi đồng ý cho doanh nghiệp này sử dụng tên gọi kiểu “lập lờ đánh lận con đen” như thế.
Đầu tư “mì ăn liền”: Tượng phật bằng nhựa
Nói đến dự án đầu tư du lịch của Công ty cổ phần MGA tại phường Núi Sam, TP Châu Đốc quả thật gây được “ấn tượng” rất lớn trong lòng du khách bởi nhiều chuyện “động trời”. Càng ấn tượng hơn khi bất cứ ai nhìn vào khu vực chính của dự án nằm ngay dưới chân Núi Sam cũng phải thốt lên “sao ở đây lại có nhà thờ”, chứ không ai nhận ra đó là một khu du lịch văn hóa tâm linh. Đập vào mắt du khách là tòa nhà chính ngay nơi ga đi của cáp treo đến nay vẫn còn dang dở, nơi có hai mái nhọn như hai trụ tháp cao, không hề có dáng dấp của tín ngưỡng Phật giáo hay tín ngưỡng thờ mẫu dân gian.
Rồi cũng ngay trong khuôn viên này, Công ty cổ phần MGA Việt Nam xây dựng Điện Dược sư bên trái và Đền Một cột bên phải, mô phỏng theo Chùa Một cột. Điện Dược sư thì lại có kiểu mái ngói cong của những đền, chùa không ăn nhập gì với tổng thể và thiết kế chính của tòa tháp đôi nóc nhọn. Bên trong Điện Dược sư được đặt bảy pho tượng Dược sư bằng chất liệu composite, tức là bằng nhựa. Còn tại Đền Quan âm trên đỉnh Núi Sam cũng được đặt một tượng Quan âm thiên thủ thiên nhãn bằng chất liệu nhựa. Bên ngoài khuôn viên của quần thể trên đỉnh núi này cũng có tượng một pho tượng một nhân vật nào đó cũng có yếu tố “thần thánh”, bằng nhựa được sơn giả đá. Trong hầu hết các tượng phật được Công ty cổ phần MGA Việt Nam thực hiện trong dự án thì chất liệu nhựa chiếm đến 70%-80%. Thậm chí tượng Bà Chúa xứ thứ hai trên đỉnh núi được chủ đầu tư này xây dựng trái phép cũng bằng chất liệu nhựa, dù kích thước cao đến hơn 20m.
Thêm một pho tượng bằng nhựa khác trên đỉnh Núi Sam được đặt ngoài trời.
Ngày 16-4-2018, UBND tỉnh An Giang có công văn số 405 gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị có ý kiến đối với việc xây dựng các hạng mục tín ngưỡng tôn giáo theo truyền thống phật giáo trên đỉnh Núi Sam, thuộc Khu di tích, danh thắng cấp quốc gia Núi Sam. Trong đó, công văn đề nghị cho phép Công ty cổ phần MGA Việt Nam xây dựng khoảng 20 pho tượng bằng nhựa trên đỉnh núi này như: Tượng Phật A-di-đà cao 22m, tuợng Phật Thích ca cao 2,7m, một tượng quan âm thiên thủ thiên nhãn 3,2m, ba tượng quan tâm thiên thủ thiên nhãn 2,7m, 12 tượng quan âm bồ tát cao 2,2m… Đến ngày 18-5-2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn số 2115 trả lời công văn 405 của UBND tỉnh An Giang.
Theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, Khu di tích Núi Sam được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam – thắng cảnh quốc gia năm 1980 với một số hạng mục di tích chính là Miếu Bà Chúa xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Tây An, Chùa Phước Điền (còn gọi là Chùa Hang) và cảnh quan thiên nhiên trong khu vực. Trong đó, tâm điểm của di tích này là Miếu Bà Chúa xứ. “Việc đề xuất xây dựng gần 20 pho tượng mang tính chất Phật giáo có kích thước lớn bằng vật liệu mới (Composite – nhựa) sẽ làm phá vỡ không gian cảnh quan của di tích và không phù hợp với lịch sử thờ tự cũng như ý nghĩa của các công trình tín ngưỡng, tôn giáo hiện có. Đề nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đầu tư nghiên cứu việc phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh này bằng các hình thức khác. Về lâu dài, UBND tỉnh An Giang cần giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập quy hoạch tu bổ, tôn tạo Khu di tích, danh thắng Núi Sam để làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy giá trị”, Công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ.
Mặc dù vậy, sau đó, UBND tỉnh An Giang tiếp tục có công văn xin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho Công ty cổ phần MGA Việt Nam được đặt ba pho tượng Phật A-di-đà cao 22m (vẫn là chất liệu nhựa), tượng Phật ngọc và tượng Quan âm thiên thủ thiên nhãn trên đỉnh Núi Sam. Trong văn bản trả lời của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đồng ý cho đặt tượng Phật A-di-đà ngoài trời, không nhắc đến các pho tượng khác. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các pho tượng Quan âm Thiên thủ thiên nhãn đã được dựng lên tại Đền Quan âm, Tượng Phật ngọc tại Đền Phật ngọc trên đỉnh núi và đưa vào khai thác, bán vé thu tiền du khách. Còn tượng Phật A-di-đà hiện vẫn được công nhân tiến hành xây dựng chân đế, cầu thang dẫn lên nền sân, nơi từng xây dựng trái phép tượng Bà Chúa xứ thứ hai trước đây.
Những pho tượng Dược sư bằng nhựa tại Điện Dược sư dưới chân núi và những thùng công đức do doanh nghiệp tự ý đặt.
Nói về những pho tượng được làm bằng nhựa này, Tiến sĩ Ngô Quang Láng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang khẳng định: “Tượng bằng chất liệu nhựa mau hỏng, rẻ tiền và không bảo đảm được tính chất văn hóa lẫn tính tâm linh. Các tượng phải bằng đá, bằng đồng hay thấp nhất là bê-tông cốt thép, chứ ai làm bằng nhựa, hạ cấp như vậy. Đây rõ ràng là một hình thức lợi dụng tính ngưỡng để kinh doanh, một kiểu đầu tư “mì ăn liền”, kinh doanh chụp giật lợi dụng yếu tố tâm linh”.
Buôn thần bán thánh
Tiến sĩ Ngô Quang Láng quả quyết: “Nếu tôi còn làm quản lý văn hóa thì không bao giờ cho phép Công ty cổ phần MGA Việt Nam làm càn, làm bậy như hiện nay. Cách đây khoảng 10 năm, tôi ra Bộ để thuyết minh về một dự án đầu tư cáp treo tại Núi Sam này nhưng là của một nhà đầu tư khác. Tôi thuyết minh khô cổ mà còn không được chấp thuận. Vậy mà không hiểu sao MGA lại được cấp phép làm, mà làm xằng bậy nhưng không có một cơ quan nào quản lý, giám sát?”. Cũng theo TS Ngô Quang Láng, dự án này ban đầu chỉ làm cáp treo lên đỉnh núi thôi, nhưng không hiểu lý do nào họ bung ra từng hạng mục này, hạng mục khác. Nhưng tai tiếng nhất là công ty này xây dựng tượng Bà Chúa xứ thứ hai trên đỉnh Núi Sam. Lý do được đưa ra là Miếu Bà Chúa xứ dưới chân núi này đông quá, để chia bớt lên đỉnh núi. “Trong khi Bà Chúa xứ Núi Sam là hình tượng tiêu biểu tính ngưỡng dân gian. Đó là bà chúa thánh mẫu của một vùng đất. Truyền thống nghìn năm của đất nước là tục thờ mẫu từ thời bà Âu Cơ. Nó song hành với đời sống tâm linh của nhân dân Việt Nam. Danh xưng này không thể chia sẻ. Ngay tại Núi Sam này càng không thể có Bà Chúa xứ thứ hai, thứ ba nào cả. Cái đó gọi là mượn danh để trục lợi kinh doanh, là kiểu buôn thần bán thánh”, Tiến sĩ Ngô Quang Láng quả quyết.
Điện Dược sư – nơi đặt bảy pho tượng Dược sư bằng nhựa và các thùng công đức.
Nói về việc Công ty vổ phần MGA Việt Nam được đặt tên Khu du lịch Văn hóa tâm linh Bà Chúa xứ – cáp treo Núi Sam”, Bí thư, đồng thời là Chủ tịch UBND TP Châu Đốc Lâm Quang Thi cho rằng, không rõ ý nhà đầu tư như thế nào. “Nhưng khi thành lập doanh nghiệp hoặc xin chủ trương đầu tư mà không trái quy định pháp luật thì cơ quan chức năng cấp phép thôi. Còn bên trong như thế nào thì mình chưa rõ được”, ông Lâm Quang Thi nói.
Tiến sĩ Ngô Quang Láng nhận định, Khu di tích lịch sử – văn hóa, danh thắng Núi Sam có ba giá trị: về mặt tự nhiên là danh thắng Núi Sam, giá trị văn hóa lịch sử và giá trị tâm linh. “Theo cách làm của Công ty cổ phần MGA Việt Nam hiện nay, cả ba giá trị này đều đang bị phá vỡ”, ông nhấn mạnh. Bởi theo ông, hầu như tất cả các tượng của Công ty cổ phần MGA Việt Nam, tất cả các công trình này đều không qua một hội đồng thẩm định, hội đồng giám định, hội đồng khoa học nào cả. Từ kích cỡ đến các vấn đề khác đều không được một hội đồng nghiêm túc xét duyệt. Cho nên, họ muốn dựng chỗ nào thì dựng, muốn để cao bao nhiêu thì để. “Còn về tên thì doanh nghiệp có quyền đặt, nhưng rõ ràng cái tên này nhập nhằng, lơi dụng “thương hiệu” Bà Chúa xứ. Tại sao MGA không để đây là một công ty cáp treo Núi Sam, họ có làm được khu văn hóa tâm linh không mà để là khu văn hóa tâm linh Bá Chúa xứ, có làm hơn được cái hiện tại của Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam? Khu văn hóa tâm linh Bà Chúa xứ Núi Sam đã hình thành và tồn tại lâu rồi, Công ty cổ phần MGA Việt Nam có thay thế được cái hiện tại hay không? Rõ ràng với cách đặt tên nhập nhằng này để mượn danh Bà Chúa xứ để kinh doanh trục lợi”, Tiến sĩ Láng nói.
Lối kiến trúc của Công ty cồ phần MGA Việt Nam bị cho là ngoại lai không liên quan gì đến Miếu Bà Chúa xứ nhưng lại mượn danh để trục lợi kinh doanh.
Nguồn Nhân dân
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.