Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng chống dịch tả heo Châu Phi tại các huyện phía Tây
(THTG) Ngày 03/6, Ban Chỉ đạo phòng – chống dịch tả heo Châu Phi do ông Phạm Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh tả heo Châu Phi tỉnh Tiền Giang và ông Lê Văn Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo các huyện: Cái Bè, Cai Lậy và Tân Phước về công tác phòng chống dịch bệnh tả heo Châu Phi.
Cái Bè có 5 xã phát hiện bệnh dịch tả heo Châu Phi
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè, đến thời điểm hiện tại đã phát hiện và xác minh 05 trường hợp heo bệnh ở 5 xã gồm: xã Mỹ Trung, Mỹ Đức Đông, Hậu Mỹ Trinh, Thiện Trí và Thiện Trung. Qua Test nhanh đều cho kết quả dương tính với vi rút dịch tả heo Châu Phi và đã được lấy mẫu huyết thanh gửi Chi cục thú y vùng VI để xét nghiệm. Hiện tại, các xã đã tiêu hủy 12 con heo bệnh.
Quang cảnh hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch tả heo Châu Phi tại huyện Cái Bè. Ảnh: Bá Thủy
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu huyện Cái Bè kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo, kể cả đầu ra và đầu vào, cả đường bộ lẫn đường thủy; đồng thời kiểm tra chặt chẽ việc giết mổ và buôn bán thịt heo trên thị trường. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện thịt heo không có dấu kiểm dịch của ngành thú y, phải kiên quyết xử lý, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phun thuốc tiêu độc, khử trùng nhất là các nơi đã phát hiện vi rút bệnh, không để phát tán.
Ông Phạm Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Bá Thủy
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng – chống và các quy định về trách nhiệm, quyền lợi đối với các hộ chăn nuôi heo. Nếu hộ nào không hợp tác, khai báo không trung thực khi phát hiện bệnh sẽ không được hỗ trợ và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, đồng thời xem xét trách nhiệm đối với chủ tịch UBND xã. Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cũng phải lập phương án cụ thể, phù hợp với tình hình của từng nơi để sẵn sàng cho việc tiêu hủy, tránh để bị động khi sự cố xảy ra.
Cai Lậy khẩn trương ngăn chặn bệnh dịch tả heo Châu Phi
Theo báo cáo của UBND huyện Cai Lậy, tính đến cuối tháng 5/2019, toàn huyện có hơn 39.700 con; tăng gần 4,5 % so với năm 2018. Hiện nay trên địa bàn huyện có 3 cơ sở hoạt động giết mổ tập trung, với số lượng trung bình 25 con/đêm. Ngoài ra, hàng ngày trên địa bàn huyện có 03 điểm thu gom khoảng 500 con heo chủ yếu từ một số tỉnh Đông Nam Bộ, xuất đi các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ với số lượng từ 250 đến 700 con.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi thời gian qua, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp để xử lý nếu xảy ra dịch; đồng thời đã phun thuốc khử trùng cho trên 8.000 hộ chăn nuôi và 16 chợ buôn bán gia súc, gia cầm. Chi cục Chăn nuôi và Thú ý huyện cũng đã tuyên truyền, phát 1.500 tờ bướm về dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi cho người dân. Tuy nhiên các ngành, đoàn thể và hộ chăn nuôi heo trên địa bàn huyện vẫn còn chủ quan trong công tác chuẩn bị vật tư phòng chống dịch cũng như công tác tuyên truyền.
Quang cảnh buổi làm việc của lãnh đạo UBND tỉnh với huyện Cai Lậy về công tác phòng chống dịch tả heo Châu Phi. Ảnh: Việt Bình
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu huyện Cai Lậy cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, giết mổ, nhất là giết mổ tại gia đình, không báo cho cơ quan chức năng. Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng lưu ý hoạt động mua bán, kinh doanh thịt heo tại các chợ phải được kiểm định của cơ quan thú y; trường hợp không có phải truy rõ nguồn gốc và xử lý nghiêm. Đối với các địa phương, ông Phạm Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị lãnh đạo địa phương cần mời ngay các hộ chăn nuôi, kinh doanh và mua bán thịt heo để tuyên truyền, phổ biến cho người dân nắm rõ hậu quả của dịch bệnh, cũng như cách thức phòng bệnh, bảo vệ đàn heo, kiên quyết trong phòng chống, xử lý với mục tiêu cao nhất là không để dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi xâm nhập vào địa bàn huyện Cai Lậy.
Tân Phước chưa phát hiện dịch
Ngày 03/06, ông Lê Văn Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đến huyện Tân Phước kiểm tra công tác triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi.
Ông Lê Văn Nghĩa – Phó chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng chống tả heo châu Phi tại huyện Tân Phước. Ảnh: Lê Long
Toàn huyện Tân Phước hiện có 11 cơ sở chăn nuôi tập trung và 205 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn gần 20.250 con. Để phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi, huyện đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật trên đường tỉnh 866, đoạn đi qua xã Phú Mỹ và đường tỉnh 867, đoạn đi qua xã Thạnh Mỹ. Đến thời điểm hiện tại, chốt kiểm dịch tại xã Phú Mỹ chưa có trường hợp xe vận chuyển heo qua chốt; chốt kiểm dịch xã Thạnh Mỹ có 1 trường hợp xe vận chuyển heo qua chốt từ tỉnh Long An về huyện Chợ Gạo để giết mổ. Qua kiểm tra có đầy đủ giấy tờ theo quy định.
Chốt kiểm dịch động vật trên đường tỉnh 866 tại huyện Tân Phước. Ảnh: Lê Long
Đến thời điểm này, huyện Tân Phước chưa xảy ra tình trạng heo chết do nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi. Ngay sau cuộc kiểm tra này, huyện Tân Phước sẽ tăng cường tuyên truyền, thông tin cho người chăn nuôi biết về diễn biến bệnh dịch tả heo Châu Phi, hướng dẫn cách nhận diện bệnh, các biện pháp phòng, chống, giúp người dân kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn heo của gia đình. Bên cạnh đó, các xã cũng đã thành lập các đội xung kích, chuẩn bị sẵn sàng phương án, nhân lực, vật lực ứng phó kịp thời nếu xảy ra dịch.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa yêu cầu lãnh đạo các xã cố gắng đến từng hộ chăn nuôi để nắm bắt tâm tư và lắng nghe kiến nghị, ý kiến của người dân. Khi phát hiện xác heo chết vứt dưới kênh, rạch phải tiến hành trục vớt và xác minh nguồn gốc; quản lý tốt việc buôn bán thịt heo ở các chợ. Đặc biệt, các cấp chính quyền phải coi công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi ở thời điểm hiện nay là nhiệm vụ quan trọng…
Nhóm phóng viên thời sự
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.