Giám sát nguy cơ gây sốt xuất huyết tại cộng đồng

(THTG) Theo kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Gang, từ đầu năm đến nay, mật độ muỗi vằn (hay muỗi Aedes) và lăng quăng trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao, đặc biệt là từ đầu mùa mưa đến thời điểm hiện nay.

Kiem tra lang quang 2

Kiểm tra mật số lăng quăng tại cộng đồng. Ảnh Thanh Hoàng

Qua khảo sát cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, các chỉ số gồm Chỉ số mật độ hoạt động muỗi vằn (DI); Chỉ số nhà có muỗi (HI); Chỉ số Breteau index (BI) là chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có lăng quăng, muỗi vằn; Chỉ số nhà có lăng quăng (HILQ); Chỉ số vật chứa có lăng quăng đều tăng cao. Trong đó, Chỉ số BI có vai trò quan trọng để xác định tình trạng lăng quăng, muỗi vằn cũng như các nguy cơ gây sốt xuất huyết (SXH).

Nếu điều tra ghi nhận Chỉ số BI từ 30 trở lên thì có nghĩa là tại cơ sở giám sát đang có yếu tố nguy cơ cao với khả năng dịch bệnh SXH có thể bùng phát. Hiện tại, Chỉ số BI tại một số nơi trên địa bàn tỉnh mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Gang đã tiến hành giám sát đều đã 53, cao gần gấp đôi yếu tố nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH. Bên cạnh đó, nếu Chỉ số DI cao từ 0,5 con muỗi/nhà trở lên thì cũng sẽ là yếu tố có nguy cơ cao với khả năng bùng phát dịch bệnh SXH.

Từ kết quả trên, kết hợp với điều kiện thời tiết mưa nhiều như hiện nay sẽ tạo môi trường thuận lợi cho muỗi vằn tiếp tục sinh sản và phát triển. Vì vậy, khả năng bùng phát dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang vừa tổ chức giám sát công tác phòng, chống SXH tại xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây. Nội dung giám sát gồm việc thực hiện loại trừ các vật chứa phát sinh lăng quăng; chỉ số lăng quăng ở vật chứa nước sinh hoạt tại các hộ dân, véctơ muỗi trên địa bàn xã… Theo Trung tâm Y tế huyện Gò Công Tây, tính đến ngày 7-7, toàn huyện có 81 ca mắc SXH, riêng xã Bình Phú ghi nhận 14 ca mắc SXH.

Hiện bệnh sốt xuất huyết đã xuất hiện ở 11 huyện, thị, thành của tỉnh, với tỷ lệ ca mắc sốt xuất huyết/100.000 dân là 68,6 ca. So với 6 tháng đầu năm 2018, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue đã tăng 142,4%. Một số địa phương có tỷ lệ ca mắc sốt xuất huyết /100000 dân cao như: TX. Cai Lậy 98,4 ca, huyện Cái Bè 85,3 ca… Đặc biệt, vào tháng 2-2019, có 1 ca mắc sốt xuất huyết tử vong ở TP. Mỹ Tho. Số ca mắc sốt xuất huyết ở trẻ em chiếm tỷ lệ 49,9% tổng số ca mắc sốt xuất huyết của toàn tỉnh.

vlcsnap-2018-10-26-15h32m35s593-700x393

Bệnh SXH đang gia tăng trong những tháng mùa mưa 2019

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Đăng Ngạn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang cho biết, với nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh SXH như hiện nay, các cấp, các ngành, mọi người dân cần khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất đối với SXH là diệt muỗi, diệt lăng quăng và tránh muỗi đốt. Đối với các hộ gia đình, cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi; diệt lăng quăng bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không còn chỗ đẻ trứng; thả cá bảy màu vào lu, khạp, các hồ chứa để cá ăn, diệt lăng quăng; vệ sinh môi trường, tiến hành thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như vỏ dừa, lốp xe cũ, chậu cây cảnh… để muỗi không có nơi trú ngụ, sinh sản; ngủ mùng (kể cả ban ngày), mặc quần dài, áo dài tay để tránh muỗi đốt…

Đối với các khu công nghiệp và các công trình xây dựng, các chủ đầu tư cần phải chú ý dọn dẹp các vật dụng, thiết bị xây dựng, dụng cụ phế thải, các thùng chứa nguyên vật liệu để ngoài trời gây đọng nước; lắp đặt hệ thống lưới chống muỗi ở những nơi cần thiết, tại các phân xưởng có công nhân sản xuất; thực hiện phun và xử lý ổ dịch SXH…

Thanh Hoàng – Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tiền Giang