Thả nổi cao tốc TPHCM – Trung Lương: Ai chịu trách nhiệm?

Sau khi tiến hành khảo sát thực tế, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Hiệp hội) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, cùng các cơ quan chức năng cảnh báo những nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng trong việc thả nổi tuyến đường cao tốc TPHCM – Trung Lương thời gian qua.
000_coka
Lưu lượng xe qua cao tốc TPHCM – Trung Lương mỗi ngày khá lớn. Ảnh: Hoàng Hùng

Xuống cấp thành quốc lộ

Đường cao tốc TPHCM – Trung Lương có chiều dài toàn tuyến là 39,8km, giai đoạn 1 xây dựng ở giữa 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp, tổng mức đầu tư hơn 9.884 tỷ đồng. Đây là công trình đường bộ đạt chuẩn cao tốc đầu tiên tại Việt Nam, được khởi công năm 2004 và đưa vào sử dụng năm 2010. Gần 2 năm sau, vào năm 2012, đường cao tốc TPHCM – Trung Lương bắt đầu thu phí để hoàn vốn cho ngân sách nhà nước. Trên cơ sở Thủ tướng Chính phủ đồng ý chấp thuận mở thầu đấu giá quyền thu phí đường cao tốc này, Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (Yên Khánh) đã trúng đấu giá 2.004 tỷ đồng và được quyền thu phí từ 1-1-2014 đến 31-12-2018.

Từ ngày 1-1-2019, khi hết hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí với Yên Khánh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp nhận và giao lại Cục Quản lý đường bộ 4 quản lý đường cao tốc này và chưa có kế hoạch thu phí trở lại. Với thực trạng khai thác hiện nay, lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến và không được kiểm soát đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, ách tắc trên toàn tuyến, đã xuất hiện một số đoạn hư hỏng, xuống cấp. Từ đường cao tốc đạt chuẩn đang dần trở thành quốc lộ do không kiểm soát được các thành phần, tải trọng của phương tiện tham gia lưu thông… giảm tốc độ khai thác, làm tăng thời gian lưu thông, tăng chi phí logistics, ảnh hưởng đến kết cấu công trình, hạ tầng xuống cấp. Đặc biệt, trên tuyến cao tốc có 13 cầu vượt sông, cầu cạn với tải trọng thiết kế < 30 tấn, do đó việc không kiểm soát tải trọng của các phương tiện tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều rủi ro gây hư hỏng các công trình cầu, cũng như gây mất an toàn giao thông trên toàn tuyến.

“Để đảm bảo an toàn giao thông trên đường cao tốc TPHCM – Trung Lương và ngăn chặn sự xuống cấp các công trình, Hiệp hội kiến nghị Bộ GTVT với vai trò bộ chủ quản chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương hoàn thành Đề án thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương để kiểm soát chủng loại và tải trọng của các phương tiện tham gia giao thông, tạo nguồn thu cho ngân sách và đảm bảo chi phí thực hiện quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên, phát huy hiệu quả khai thác đường cao tốc TPHCM – Trung Lương”, PGS – TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội, kiến nghị.

Vướng vụ án?

Được biết, năm 2013, Tổng công ty Cửu Long bán quyền thu phí đường cao tốc TPHCM – Trung Lương cho Yên Khánh với giá 2.004 tỷ đồng, thời gian thu phí 5 năm (từ năm 2014 đến hết năm 2018). Yên Khánh được thực hiện thu phí tại 4 trạm trên tuyến đường gồm: Chợ Đệm, Tân An, Bến Lức và Thân Cửu Nghĩa. Tuy nhiên, do Yên Khánh chậm nộp tiền mua quyền thu phí nên bị phạt, số tiền phạt và lãi chậm nộp thực hiện hợp đồng theo tính toán của Tổng công ty Cửu Long là 264,7 tỷ đồng.

Tổng công ty Cửu Long đã có nhiều văn bản yêu cầu Yên Khánh thanh toán số tiền trên, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo quyết liệt nhưng đến nay vẫn chưa thu được số tiền trên. Nguyên nhân, tháng 8-2018, Yên Khánh kiện Tổng công ty Cửu Long ra TAND quận Bình Thạnh về tranh chấp hợp đồng. Sau đó, tòa án đã ban hành quyết định phong tỏa số tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng của Yên Khánh. Tháng 9-2018, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng xin chỉ đạo xử lý. Theo đó, số tiền trên quá lớn nhưng Yên Khánh không có tài sản để đảm bảo thanh toán, ngoài số tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng (100 tỷ đồng). Khả năng rủi ro không thu hồi đủ số tiền phạt trên là rất lớn và có nguy cơ dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước. Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng có ý kiến với TAND Tối cao yêu cầu TAND quận Bình Thạnh xem xét rút lại quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đồng thời, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép và Tổng công ty Cửu Long tiếp tục áp dụng các biện pháp để thu hồi số tiền bảo lãnh hợp đồng của Yên Khánh. Tới nay, Yên Khánh đã bàn giao quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương, nhưng số tiền trên vẫn chưa được giải quyết.

Trước đó, Thủ tướng đã đồng ý về mặt nguyên tắc Nhà nước dùng quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương để hỗ trợ nhà đầu tư BOT tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận dự kiến tới năm 2021 mới hoàn thành, trong khi hợp đồng thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương đã hết nên Tổng công ty Cửu Long từng kiến nghị cho tiếp tục bán quyền thu phí tuyến đường này trong giai đoạn 2019-2020. Tuy nhiên, tới nay phương án thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương ra sao vẫn chưa được Bộ GTVT quyết định.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, hiện dự án cao tốc TPHCM – Trung Lương vẫn đang triển khai thu phí và chưa trả xong vốn tạm ứng. Do đó, nếu không hỗ trợ nối tiếp tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ thì tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương vẫn tiếp tục được Nhà nước thu phí để hoàn trả vốn tạm ứng của Nhà nước và đầu tư mạng lưới cao tốc.

Từ 1-1-2019, khi hết hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí với Yên Khánh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp nhận và giao lại Cục Quản lý đường bộ 4 quản lý tuyến cao tốc này. Thực tế trong hai năm đầu tuyến cao tốc này đã thu phí và nộp ngân sách nhà nước khoảng 600 tỷ đồng, cộng với số tiền thu từ đấu giá thu phí là 2.004 tỷ đồng, vẫn chưa đủ để hoàn trả vốn cho ngân sách đã ứng trước đầu tư hơn 9.884 tỷ đồng.

Nguồn SGGP