Tất cả các trạm thu phí phải chuyển sang thu phí không dừng
Ngày 14-8, tại cuộc họp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) và các đơn vị liên quan về triển khai thu phí không dừng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã cảnh báo nguy cơ không đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời khẳng định, Bộ GTVT kiên quyết xử lý không cho thu phí nếu không hoàn thành đúng tiến độ.
Thông tin tại cuộc họp cho biết, trong tổng số 44 trạm/620 làn phải lắp đặt trong giai đoạn 1 của dự án đến thời điểm này, các đơn vị mới lắp đặt được 29 trạm/161 làn. Trong đó, Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) lắp đặt được 23 trạm/90 làn. Tuy nhiên, từ đầu năm đến tháng 7, VETC không huy động thêm được nguồn vốn để triển khai. Mới đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng ý sẽ giải ngân tiếp 200 tỷ đồng để thi công các làn còn lại. Không chỉ thiếu vốn, VETC còn gặp nhiều vướng mắc trong việc thỏa thuận với các nhà đầu tư BOT.
Hiện vẫn còn 13 nhà đầu tư tuy đồng ý phương án tỷ lệ trích doanh thu theo phương án tài chính của hợp đồng cung cấp thu thí không dừng giai đoạn 1 nhưng lại không đồng ý với điều khoản thanh toán giữa các bên; 2 nhà đầu tư đồng ý ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng dịch vụ nhưng không đồng ý tỷ lệ trích doanh thu; 18 nhà đầu tư không ký hợp đồng vì không đồng ý tỷ lệ trích; 11 nhà đầu tư không có ý kiến.
Với 5 tuyến cao tốc mà Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) quản lý, hiện VEC mới có vốn đầu tư 15 làn trên cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, còn 227 làn chưa có phương án vốn đầu tư. Với tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, hiện đơn vị quản lý là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (VIDIFI) mới hoàn thành thủ tục mời thầu lắp hệ thống không dừng cho 32/62 làn, 30 làn còn lại chưa lắp do lưu lượng thấp. Các đơn vị này cũng gặp khó khăn về vốn để triển khai, đồng thời việc phê duyệt các thủ tục đều bị chậm làm ảnh hưởng tiến độ.
Về dự án giai đoạn 2, hiện Bộ GTVT chưa đàm phán ký phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư của 19 trạm còn lại trên tổng số 33 trạm. Đơn vị cung cấp dịch vụ cũng chưa đàm phán ký hợp đồng cung cấp dịch với các nhà đầu tư của cả 33 trạm. Với 16 địa phương có trạm thu phí đã và sắp thu, một số địa phương trong đó có TPHCM đã lắp đặt xong, một số địa phương đã đưa vào dự án giai đoạn 2 để triển khai và một số địa phương đang nghiên cứu để tự thực hiện. Tổng cục ĐBVN đang hướng dẫn, phối hợp với các địa phương để triển khai theo đúng quy định.
Cùng với việc chậm trễ trong việc lắp đặt hệ thống, Tổng cục ĐBVN cho biết, hiện số phương tiện dán thẻ thu phí tự động vẫn chưa cao. Lý do là việc thanh toán, nộp và quản lý tài khoản giao thông chưa thuận tiện, chưa khuyến khích được người dân tham gia dịch vụ, chưa có quy định bắt buộc phương tiện không dán thẻ không được đi vào làn không dừng.
Để đẩy nhanh tiến độ thu phí không dừng, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, yêu cầu nhà đầu tư cung cấp dịch vụ là VECT phải vay được vốn ngân hàng trước 30-8 để triển khai các làn còn lại. Trong trường hợp không vay được vốn cần chuyển một số trạm thu phí sang dự án giai đoạn 2 để triển khai tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng.
Ông Huyện kiến nghị Bộ GTVT xem xét đánh giá các tồn tại vi phạm hợp đồng của VECT để làm cơ sở xem xét chấm dứt hợp đồng hoặc có giải pháp quyết liệt đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án. Tổng cục ĐBVN cũng kiến nghị Bộ GTVT làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tìm giải pháp vốn triển khai hệ thống ETC cho 227 làn thu phí trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã phê bình chủ đầu tư và các đơn vị liên quan chưa quyết liệt tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án thu phí không dừng. Ông Thể khẳng định, Bộ GTVT kiên quyết thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc từ 31-12, tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc phải chuyển sang thu phí không dừng, nếu trạm nào không thực hiện sẽ bị dừng thu phí.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.