Mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang lên

Hiện mực nước lũ vùng đầu nguồn An Giang có lên nhưng còn khiêm tốn, nhiều nơi vẫn chưa có nước tràn đồng như những năm trước. Dự kiến, nước sẽ tiếp tục lên trong những ngày tới.

Chiều 3-9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên. Cụ thể, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,6m, tại Mỹ Thuận 1,61m, ở mức BĐ1; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,36m, tại Cần Thơ 1,7m, ở mức BĐ1; tuy nhiên mực nước vẫn còn rất thấp so với thời điểm này năm 2018 ở Tân Châu đạt BĐ2 (4m) và Châu Đốc trên BĐ2 (3,55m).

Theo dự báo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên, đến ngày 7-9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 2,85m; tại Châu Đốc lên mức 2,5m…

Mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang lên ảnh 1
Thời điểm này năm 2018, nước lũ ở vùng đầu nguồn tỉnh An Giang đã tràn ngập (ảnh); trong khi hiện nay dù nước lũ đang lên nhưng hiện còn rất thấp. 

Trao đổi với phóng viên vào chiều 3-9, ông Lê Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) nhìn nhận: “Mấy ngày nay mực nước lũ vùng đầu nguồn có lên nhưng còn khiêm tốn, nhiều nơi vẫn chưa có nước tràn đồng như những năm trước. Hiện nay, cá linh đã có xuất hiện nhưng không bao nhiêu, do đó giá rất đắt khoảng 350.000 đồng/kg. Qua khảo sát cho thấy rất nhiều hộ mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản mùa lũ còn rơi vào cảnh thất nghiệp, bởi lũ nhỏ và về muộn. Trong khi đó, huyện chỉ khuyến cáo nông dân sản xuất khoảng 7.400 ha lúa thu đông nằm trong các khu vực đê bao an toàn; bởi đề phòng diễn biến thời tiết bất thường”.

Cũng trong chiều 3-9, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Cà Mau cho biết, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, cùng với gió mùa Tây Nam nên những ngày qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều đợt mưa lớn kéo dài, kèm theo giông lốc làm nhiều cây xanh bị ngã, nhiều diện tích lúa hè thu đang thu hoạch rộ bị đổ sập, ngập nước. Ngành chức năng đang đánh giá mức độ thiệt hại.

Mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang lên ảnh 2
Sạt lở đê biển ở tỉnh Cà Mau diễn biến phức tạp 

Hiện tại, nhiều nơi ở biển Tây bị sạt lở nghiêm trọng, nhất là đoạn Đá Bạc – Kinh Mới (huyện Trần Văn Thời). Nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, kịp thời và chủ động, tỉnh Cà Mau yêu cầu các ngành chức năng sẵn sàng xử lý khi có tình huống khẩn cấp về đê biển. Bên cạnh đó, Hạt Quản lý đê điều bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ tại các “điểm nóng” sạt lở đê biển, đặc biệt tại những khu vực nguy hiểm, qua đó phát hiện kịp thời nếu có sự cố sạt lở đê biển xảy ra.

Nguồn SGGP