Huy động 932.498 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
Ngày 14-9, tại Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm (2010- 2019) xây dựng nông thôn mới ở vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL; cùng tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh thành, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế…
Những kết quả khích lệ
Báo cáo tại Hội nghị về tổng kết 10 năm thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Đông Nam bộ và ĐBSCL là 2 vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
Hai vùng có tổng diện tích đất tự nhiên chiếm 19,3% và dân số chiếm 37,2% của cả nước; có 1.731 xã (chiếm 19,4% tổng số xã cả nước); với địa hình tương đối bằng phẳng, vị trí thuận lợi, ít chịu ảnh hưởng của bão, có các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước. Sau thời gian triển khai xây dựng nông thôn mới, cả hai vùng đạt được nhiều thành tựu toàn diện và vững chắc.
Cụ thể, số xã đạt chuẩn nông thôn mới của 2 vùng là 874/1.731 xã (chiếm 50,49%).
Trong đó, vùng Đông Nam bộ có 311/445 xã (69,89%) được công nhận, dự kiến đến hết năm 2020 có khả năng đạt tỷ lệ 80% số xã đạt chuẩn; ngoài ra còn có 3/6 tỉnh, thành phố đã đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao (gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước). Tỉnh Đồng Nai là địa phương đầu tiên trong vùng và cả nước đã công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đến nay đã có 31 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao).
Vùng ĐBSCL hiện có 563/1.286 xã (43,78%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến hết năm 2020 có khả năng đạt 51% số xã hoàn thành nông thôn mới. Đến nay đã có 4/13 tỉnh vượt mục tiêu xã nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ giao (gồm tỉnh Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu).
Cũng theo Bộ NN-PTNT, giai đoạn 2010-2015, vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL đã huy động khoảng 299.070 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng nông thôn mới chiếm khoảng 35% tổng vốn huy động của cả nước.
Đối với giai đoạn 2016-2019, hai vùng này tiếp tục huy động khoảng 633.427 tỷ đồng đầu tư cho chương trình; chiếm 42,7% tổng vốn huy động của cả nước.
Như vậy, tổng nguồn vốn huy động thực hiện xây dựng nông thôn mới ở Đông Nam bộ và ĐBSCL từ năm 2010-2019 đạt khoảng 932.498 tỷ đồng (khoảng 40% của cả nước).
Đáng ghi nhận là việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở Đông Nam bộ và ĐBSCL đã và đang phát huy hiệu quả, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung có qui mô lớn, thứ hạng cao không chỉ trong nước mà vươn tầm thế giới.
Xây dựng nông thôn mới phải “thuận thiên”
Ngoài những kết quả trên, thì quá trình xây dựng nông thôn mới cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Điển hình như tỷ lệ xã đạt chuẩn ở ĐBSCL thấp hơn 7% so bình quân chung của cả nước; tỷ lệ xã đạt chuẩn vùng Đông Nam bộ cũng thấp hơn 10% so với mục tiêu 5 năm giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ giao. Cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCL tuy có phát triển, nhưng chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối, nhanh chóng bị xuống cấp (do hiện tượng sụt lún), nhiều điểm nghẽn. Trong khi kết cấu hạ tầng của vùng Đông Nam bộ chưa bắt kịp tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, tốc độ xây dựng hệ thống đường cao tốc và quốc lộ còn hạn chế.
Về sản xuất, nông nghiệp ở ĐBSCL còn chiếm tỷ trọng cao, quy mô nhỏ lẻ, vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, mùa vụ. Thị trường tiêu thụ nông sản thiếu bền vững, chưa đủ đáp ứng được sức sản xuất lớn. Năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và ứng phó với thiên tai chưa được cải thiện nhiều.
Bên cạnh đó, cảnh quan môi trường vùng ĐBSCL chưa thực sự gọn gàng, sạch một cách đồng đều. Do diện tích rộng, địa hình nhiều kênh rạch chằng chịt, nên hầu hết các nhà ở khu dân cư được bố trí dọc theo kênh rạch hoặc quốc lộ, dẫn đến tình trạng chưa có biện pháp thu gom và xử lý hiệu quả rác thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt (hầu hết thải thẳng ra môi trường).
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, mục tiêu giai đoạn 2021-2025, có ít nhất 8/19 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Vùng Đông Nam bộ có ít nhất 70% và ĐBSCL có ít nhất 50% đơn vị cấp huyện hoàn thành nông thôn mới, trong đó mỗi tỉnh thành phố có ít nhất một đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Ở cấp xã, vùng Đông Nam bộ có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn, trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn kiểu mẫu; còn vùng ĐBSCL có ít nhất 75% số xã đạt chuẩn, trong đó có khoảng 30% số xã đạt chuẩn nâng cao và 5% số xã đạt chuẩn kiểu mẫu.
Song song đó, các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế) đảm bảo tính kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu; chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Bộ NN-PTNT kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành có liên quan rà soát, đề xuất phương án ưu tiên nguồn lực từ ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương vùng ĐBSCL đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí cơ bản về phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là giao thông nông thôn, trường học…; chỉ đạo các địa phương rà soát mục tiêu của giai đoạn 2016-2020 để hoàn thành; chủ động bắt tay vào xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, sát với điều kiện thực tiễn, làm cơ sở đưa vào văn kiện đại hội Đảng các cấp. Sớm xác định chỉ tiêu, mục tiêu và đề xuất nhu cầu nguồn lực giai đoạn 2021-2025 nhằm gửi Bộ KH-ĐT và Bộ NN-PTNT tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định phê duyệt “Chương trình xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn sau năm 2020”…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả xây dựng nông thôn mới ở Đông Nam bộ và ĐBSCL thời gian qua; xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả. Dù vậy, việc phát triển nông thôn mới vẫn còn nhiều khó khăn như về hạ tầng, liên kết các khu vực kinh tế, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm còn chậm, thách thức từ biến đổi khí hậu ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp… Vì vậy, các địa phương cần nghiên cứu, đóng góp ý kiến về mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới cho phù hợp.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được chủ quan, thoả mãn… mà phải sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ngành thực hiện xây dựng nông thôn mới trên tinh thần “tam nông là chiến lược, xây dựng nông thôn mới là căn bản, hiện đại hoá nông nghiệp là then chốt và vai trò của người nông dân là chủ thể”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho các địa phương quyết định những tiêu chí nông thôn mới nhằm phù hợp điều kiện từng nơi. Đồng thời, đặt hàng các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến về quy hoạch phát triển đô thị và vùng nông thôn ở ĐBSCL trên tinh thần “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.