Thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam – Nhật Bản

Nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản, ngày 22-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito tại Tokyo, Nhật Bản.
w8b_agwo
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Nhật hoàng Naruhito. Ảnh: TTXVN

Người dân kỳ vọng

Nhật hoàng Naruhito lên ngôi ngày 1-5-2019 sau khi Vua cha Akihito thoái vị ngày 30-4-2019, đưa Nhật Bản bước vào thời đại Lệnh Hòa (Reiwa). Nhật hoàng được coi là biểu tượng của đất nước và sự đoàn kết toàn dân của Nhật Bản. Lễ đăng quang của Nhật Hoàng Naruhito được tổ chức trang trọng với sự tham dự đông đảo của khách mời trong và ngoài nước. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, có 186 quốc gia và tổ chức quốc tế xác nhận cử đại diện tham dự lễ đăng quang của Nhật hoàng lần này, trong đó có 15 nhà vua/quốc vương các nước, 7 hoàng thái tử, 3 đoàn là thành viên hoàng gia, 67 đoàn cấp tổng thống, 12 đoàn cấp phó tổng thống, 25 đoàn cấp thủ tướng…

Tại lễ đăng quang, Nhật hoàng Naruhito đã tuyên thệ sẽ hành động theo đúng Hiến pháp, hoàn thành trọng trách là biểu tượng của đất nước và sự đoàn kết toàn dân của Nhật Bản. Nhật hoàng bày tỏ mong muốn Nhật Bản, với trí tuệ và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của nhân dân Nhật Bản, sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, đóng góp vào tình hữu nghị và hòa bình của cộng đồng quốc tế, cũng như lợi ích và sự thịnh vượng của nhân loại.

Hàng triệu người Nhật Bản đã theo dõi trực tiếp lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito qua truyền hình. Họ đặt rất nhiều hy vọng vào thời kỳ Reiwa dưới sự trị vì của Hoàng đế thứ 126 và cho rằng lễ đăng quang của Nhật hoàng Naruhito là “sự kiện thu hút sự quan tâm lớn của mọi người. Người dân Nhật Bản cũng như người dân thế giới đều mong muốn một cuộc sống hòa bình và hạnh phúc”.

Chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp, toàn diện và thực chất với sự tin cậy cao về chính trị. Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự lễ đăng quang của Nhật Hoàng Naruhito thể hiện Việt Nam rất coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản, được Chính phủ, Hoàng gia Nhật Bản đánh giá cao, có ý nghĩa quan trọng đối với việc tăng cường, thúc đẩy hợp tác, giao lưu giữa hai nước trong thời gian tới cũng như thắt chặt hơn nữa quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoàng gia Nhật Bản.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Masayoshi Son, Tổng Giám đốc Tập đoàn Softbank, tập đoàn đầu tư tài chính lớn nhất Nhật Bản với phạm vi đầu tư, kinh doanh trên toàn thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành tựu kinh doanh của Softbank trên phạm vi khu vực và toàn cầu, nhất là các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ đột phá để cải thiện chất lượng cuộc sống của mọi người dân trên toàn thế giới. Thủ tướng cũng hoan nghênh việc Softbank mở rộng đầu tư vào Việt Nam; mong muốn Softbank cần mở rộng quy mô đầu tư hơn nữa, tạo dấu ấn mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam bằng những dự án quy mô đặc biệt lớn, phù hợp với tầm vóc tập đoàn kinh tế lớn nhất Nhật Bản và tương xứng với mối quan hệ hai nước.

Tối 22-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự tiệc Hoàng gia do Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản chủ trì.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Sau khi dự lễ đăng quang của Nhật hoàng Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã  có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Czech Andrei Babis, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev và Tổng thống Albania Ilir Meta. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi với các nhà lãnh đạo về những biện pháp đưa quan hệ Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, thiết thực, hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với 3 nước vào năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự giúp đỡ quý báu mà nhân dân 3 nước đã dành cho Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, coi đây là tài sản quý để Việt Nam cùng các nước phát triển quan hệ trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước. Lãnh đạo 3 nước đều bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những thành tựu phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam, nhất trí cần phát huy sự tin cậy và tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước để tăng cường quan hệ song phương. Các nhà lãnh đạo cũng trao đổi về các biện pháp tăng cường hợp tác với Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, khu vực, nhất là khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông, ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nguồn SGGP