Cá tra trước cơ hội phục hồi ở Mỹ
Nếu được áp thuế suất 0%, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ có cơ hội phục hồi nhưng cùng với đó, doanh nghiệp xuất khẩu có thể đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật mới
Người nuôi lạc quan
Ông Trần Công Minh, một hộ nuôi cá tra lâu năm ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), cho rằng thời gian tới, cá tra xuất khẩu sang Mỹ sẽ thuận lợi hơn khi thuế suất còn 0%. Theo ông Minh, thời gian qua, người nuôi và doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn khi sản phẩm từ cá tra của Việt Nam bị Mỹ áp thuế CBPG. Ông Nguyễn Hữu Nguyên – Giám đốc HTX Nuôi cá tra huyện Châu Phú, tỉnh An Giang – nhìn nhận nếu Mỹ áp dụng thuế suất CBPG 0% thì người nuôi cá tra sẽ có lợi do DN có thể mua nguyên liệu với giá cao hơn để chế biến xuất khẩu.
Chế biến cá tra tại một doanh nghiệp ở Tp. Cần Thơ Ảnh: Ngọc Trinh
Bà Võ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết thị trường tiêu thụ cá tra nguyên liệu đang có dấu hiệu phục hồi, một phần nhờ thông tin thuế suất cơ bản sẽ còn 0%; phần khác do chính sách thúc đẩy thương mại chính ngạch của thị trường Trung Quốc. Hiện An Giang có 17 nhà máy chế biến thủy sản đang hoạt động với tổng công suất 230.000 tấn/năm. Sản lượng cá tra xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm đạt 70.000 tấn, tương đương 168 triệu USD, tăng 4,81% về sản lượng và tăng 4,65% về kim ngạch.
Cũng theo bà Vân, cá tra là loại thủy sản chủ lực trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh An Giang đến năm 2020. Do đó, An Giang có chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ tạo quỹ đất cho DN trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng vùng nuôi với quy mô lớn. Tính đến nay, An Giang đang thả nuôi 1.119 ha diện tích mặt nước và đã thu hoạch 853 ha, tương đương gần 274.000 tấn.
Chưa vội mừng
Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang (AFA), nhận xét mức thuế suất 0% là thông tin đáng mừng cho cả người nuôi lẫn DN xuất khẩu nhưng để bền vững, cần phải thực hiện đúng cam kết với phía nhập khẩu. “Sản lượng phải đúng nhu cầu, chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm phải bảo đảm trong giới hạn cho phép. Điều này hết sức quan trọng để cá tra Việt Nam được vùng vẫy không chỉ với thị trường Mỹ mà ở tất cả thị trường” – ông Bình nói.
Ông Liêu Cẩm Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, cảnh báo không nên vội mừng mà phải chờ đến khi DOC ra kết luận cuối cùng sau 120 ngày. Ở đợt rà soát thuế CBPG lần thứ 14 (POR14), có DN xuất khẩu cá tra của Việt Nam được hưởng mức thuế ở quyết định sơ bộ là 0 USD/kg nhưng khi DOC công bố chính thức thì DN này bị áp thuế lên đến 4 USD/kg” – ông Hiền thông tin.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 9, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,46 tỉ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ (thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 sau Trung Quốc) đạt 208,3 triệu USD, chiếm 14,3% tổng giá trị xuất khẩu cá tra, giảm 43,6% so với cùng kỳ. Như vậy, cho tới thời điểm này, đây là mức sụt giảm lớn và đáng chú ý tại Mỹ trong 5 năm trở lại đây. Theo dự báo của VASEP, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong quý IV/2019 sẽ tiếp tục giảm. Nguyên nhân là do thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của nước ta là Trung Quốc không còn dễ tính như trước mà cũng lập ra nhiều rào cản.
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang, tại Mỹ hiện có nhiều người nuôi cá da trơn; họ có hiệp hội cá nheo và liên tục kiện cáo buộc chính phủ Mỹ phải vào cuộc bảo vệ sản xuất nội địa. Trường hợp họ chấp nhận bỏ loại thuế này, khả năng sẽ dựng thêm các rào cản về an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường… khiến DN Việt khó đáp ứng. Cũng theo ông Hải, để giải quyết bài toán này, DN nên đầu tư vào những thị trường còn lại cũng như tìm kiếm thị trường mới, khơi thông các thị trường có tiềm năng lớn như Nhật, Thái Lan.
Phải chờ đến tháng 2-2020
Nhiều DN xuất khẩu cá tra nhận định việc cơ quan quản lý thương mại của Mỹ công bố mức thuế CBPG 0% đối với cá tra xuất khẩu của Việt Nam lần này là tín hiệu khả quan nhưng chủ yếu mang tính ngoại giao; phải đến tháng 2-2020 mới biết được kết quả cuối cùng. Theo các DN, con tôm Việt Nam được Mỹ bỏ thuế CBPG là do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nên Việt Nam được hưởng lợi, ngoài ra, Mỹ cũng không có thế mạnh về nuôi tôm.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.