Hạn mặn lại đe dọa miền Tây
Lũ nhỏ, mùa mưa có khả năng kết thúc sớm khiến cho hạn hán và xâm nhập mặn được dự báo sẽ sớm xảy ra ở ĐBSCL
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam vừa đưa ra cảnh báo về việc lũ thượng nguồn sông Mê Kông giảm nhanh và các tác động tiêu cực của việc suy giảm nguồn nước đối với vùng ĐBSCL.
Hơn 100.000 ha lúa bị ảnh hưởng
Cơ quan trên cho biết mực nước biển Hồ (Tonle Sap – Campuchia) đã đạt đỉnh 7,21 m tại Kampong Luong, tương đương với dung tích lớn nhất xấp xỉ 38 tỉ m3, có thể xuống nhanh những ngày tới.
Trước đó, mực nước lũ lớn nhất tại Tân Châu đạt đỉnh 3,63 m (vào ngày 18-9) và Châu Đốc là 3,15 m (vào ngày 26-9). Vùng trung tâm đồng bằng, đỉnh lũ lịch sử tại Cần Thơ 2,25 m và Mỹ Thuận 2,12 m vào ngày 30-9. Lũ thượng nguồn có xu thế giảm nhanh, xuống dưới 2 m tại Tân Châu vào cuối tháng 10, trong khi vùng trung tâm đồng bằng, mực nước cũng giảm dần và tăng trở lại vào đợt triều cao cuối tháng 10.
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nhận định với việc trong cả năm 2019 toàn lũ nhỏ và mùa mưa có khả năng kết thúc sớm, dự báo hạn hán và xâm nhập mặn sẽ sớm đe dọa ĐBSCL. Theo đó, dự báo vào tháng 12-2019, ranh mặn 4 g/lít (còn gọi là độ mặn 4%0) ảnh hưởng đến 20-30 km; tháng 1 và tháng 2-2020, ranh mặn 4 g/lít vào sâu từ 40-67 km (cao hơn 10-15 km so với trung bình nhiều năm). Phạm vi ảnh hưởng mở rộng này đe dọa khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi, nhất là trong các kỳ triều cường.
Người dân ĐBSCL trữ nước ngọt đề phòng hạn, mặn Ảnh: CA LINH
Đến tháng 3-2020, tùy thuộc vào lượng nước điều tiết từ các hồ chứa ở thượng nguồn sông Mê Kông, trong trường hợp nguồn nước tăng như cùng thời điểm những năm trước thì xâm nhập mặn sẽ giảm. Ngược lại, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục ở mức như tháng 1 và 2-2020.
Lúc đó, một số địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mặn sẽ là: Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang); Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre); Trà Cú (tỉnh Trà Vinh); Long Phú, Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng); Vĩnh Lợi, Phước Long (tỉnh Bạc Liêu). Diện tích lúa đông xuân 2019-2020 tại ĐBSCL có khả năng bị ảnh hưởng bởi mặn là hơn 100.000 ha.
Còn theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kiên Giang, hiện tượng ENSO (kết hợp giữa El Nino và La Nina) duy trì trạng thái trung tính đến đầu năm 2020 và nghiêng về pha nóng. Khả năng mùa mưa năm nay sẽ kết thúc tương đương với cùng kỳ nhiều năm. Hiện tại, mực nước các trạm chính sông Mê Kông tại Lào và miền Bắc Campuchia xuống nhanh, ở mức thấp hơn thời điểm này của năm 2018 từ 2,8-3,9 m. Trong khi đó, mực nước tại các trạm đầu nguồn sông Cửu Long cũng đang xuống nhanh và thấp hơn cùng thời điểm của năm 2018 là 1,05 m. Dự báo mực nước tại các trạm nội đồng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cũng sẽ xuống nhanh trong thời gian tới. Do đó, khả năng xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn cùng kỳ năm ngoái, dự báo xấp xỉ đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016. Riêng tại Kiên Giang, ranh mặn 4 g/lít trên sông Cái Lớn có khả năng xâm nhập sâu khoảng 40 km trong tháng 1-2020 và sau đó đạt mức cao nhất vào những ngày cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5. Những vùng đất sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bao gồm các khu vực ven biển TP Rạch Giá cho đến TP Hà Tiên, vùng ven sông Cái Lớn, Cái Bé và các huyện thuộc vùng U Minh Thượng.
Chủ động ứng phó
Trước dự báo tình hình hạn, mặn như trên, các địa phương ở ĐBSCL đang tích cực triển khai các biện pháp ứng phó. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) TP Cần Thơ, trong 9 tháng qua, ngành nông nghiệp đã thực hiện công tác thủy lợi, nạo vét kênh, rạch nội đồng nhằm khai thông dòng chảy, dự trữ nước cho mùa khô, nâng cấp, sửa chữa đê bao, đắp đập… với tổng kinh phí thực hiện trên 35,4 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, thông tin thêm TP đang triển khai “Quy hoạch xây dựng, củng cố hệ thống thủy lợi tại khu vực sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trọng tâm là thực hiện và hoàn thiện hệ thống thủy lợi để bảo vệ an toàn 73.000 ha đất nông nghiệp, bảo đảm sản xuất ổn định và giảm thiểu thiệt hại do lũ. Bên cạnh đó, tăng cường trữ nước trong mùa khô, phòng chống hạn, mặn.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết sở này đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống hạn, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô năm 2019-2020. Theo đó, các sở ngành liên quan cùng UBND các huyện, TP chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân; đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm, chủ động nguồn nước để bảo đảm cung cấp cho vụ đông xuân năm 2019-2020 và hè thu 2020 cũng như phục vụ cho phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cho diện tích lúa – tôm.
Giải pháp mà Kiên Giang đưa ra là vận hành hệ thống cống tại TP Rạch Giá, ven sông Cái Lớn hoặc đắp đập ngăn mặn bằng cừ Larsen tại khu vực kênh Nhánh để ngăn mặn và giữ ngọt. Các địa phương tập trung rà soát lại những nơi có nguy cơ bị xâm nhập mặn để chủ động ứng phó. Ngoài ra, thực hiện nạo vét kênh, mương để tăng cường khả năng trữ nước ngọt sử dụng trong suốt mùa khô.
Hiện Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cùng các địa phương đã lên phương án gia cố và đắp mới 173 đập tại các huyện An Minh, An Biên, Giang Thành, Kiên Lương, Gò Quao và Giồng Riềng với tổng vốn đầu tư hơn 34 tỉ đồng. Đặc biệt, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các ngành, địa phương hướng dẫn người dân thực hiện việc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời vụ sản xuất hợp lý. Ngoài ra, người dân nên sử dụng các giống lúa ngắn ngày cũng như thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện độ mặn. Trong trường hợp nước đầu nguồn đổ về ĐBSCL thấp trong thời gian dài, Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang sẽ phối hợp với ngành chức năng ở tỉnh An Giang thống nhất lịch lấy nước luân phiên trong vùng Tứ giác Long Xuyên để bảo đảm nguồn nước tưới tiêu, bảo vệ sản xuất.
Xuống giống sớm vụ đông xuân để tránh mặn
Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cũng vừa khuyến cáo các địa phương có nguy cơ hạn cuối vụ, gồm: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang. Từ đó, cơ quan này yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân xuống giống vụ đông xuân sớm trong tháng 10-2019. Diện tích xuống giống sớm khoảng 400.000 ha, tăng gần gấp đôi so với vụ cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, trong tháng 11 và 12-2019 cần lần lượt xuống giống tiếp 700.000 ha và 400.000 ha ở các tỉnh, thành còn lại và phải kết thúc việc xuống giống trước ngày 10-1-2020 để “né” xâm nhập mặn.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.