Làng cổ Đông Hòa Hiệp
(THTG) Nằm phía bờ Bắc hạ lưu sông Mekong, cách trung tâm Tp. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang khoảng 40 km và cách Tp. Hồ Chí Minh 110 km về phía Tây – Nam, Cái Bè từ lâu được nhiều người biết tới bởi cây trái, kết hợp với du lịch sinh thái miệt vườn, gắn với địa danh Chợ Nổi và làng cổ Đông Hòa Hiệp.
Sông Cái Bè nhìn từ flycam…
Phóng viên truyền hình Tiền Giang đang tác nghiệp tại Chợ nổi Cái Bè. Ảnh: Phúc Huy
Ngược dòng lịch sử, ngay từ những năm đầu của thế kỷ thứ 18, Cái Bè đã là một trong những vùng đất trù phù, thu hút nhiều cư dân khắp nơi về đây sinh sống và là một trong những trung tâm văn hóa – kinh tế – chính trị của Nam Bộ, với cái tên gọi “Cái Bè Dinh”. Sở dĩ gọi là Cái Bè Dinh bởi năm 1732, chúa Nguyễn Phúc Chu cho chọn thôn An Bình Đông, thuộc xã Đông Hòa Hiệp ngày nay, làm lỵ sở của dinh Long Hồ. Đến năm 1757, lỵ sở mới dời về thôn Long Hồ, nay là TP. Vĩnh Long thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Trong suốt 25 năm là lỵ sở dinh Long Hồ, làng Đông Hòa Hiệp đã quy tụ nhiều vị quan lại và đại địa chủ đến sinh sống, làm cho vùng đất này trở nên trù phú. Vì vậy, từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ thứ XX, nhiều ngôi nhà được xây cất bằng các loại gỗ quý, kiến trúc theo lối kết hợp giữa phương Đông lẫn phương Tây đã góp phần tạo nên diện mạo kiến trúc và cảnh quan nổi trội của làng so với các địa phương khác.
Làng cổ Đông Hòa Hiệp từ Flycam
Làng cổ Đông Hòa Hiệp nằm trên địa bàn xã Đông Hòa Hiệp và một phần của Thị Trấn Cái Bè, thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, trong khoảng không gian hơn 2 km2, trong đó có 7 ngôi nhà cổ được xây dựng cách nay từ 150 năm đến 220 năm và 29 ngôi nhà được xây dựng cách nay từ 80 – 100 năm. Đây là 1 trong 3 làng cổ của Việt Nam được Tổng cục Du lịch và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn.
Nhà cổ ở đây được chia làm hai loại: Loại nhà cổ dân gian truyền thống Nam bộ và loại kết hợp giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc truyền thống. Hiện nay, phần lớn nhà cổ này thuộc về tư nhân và dòng họ quản lý, xem như tài sản vô giá của gia đình nói riêng và địa phương nói chung.
Du khách tham quan nhà cổ Ông Kiệt. Ảnh Phúc Huy
Khác với nhiều làng cổ khác trong cả nước, nhà cổ ở làng cổ Đông Hoà Hiệp nằm trong khuôn viên rộng lớn, được bao bọc bởi cây trái và sông nước hữu tình. Nhà chính thường có số lẻ, 1, 3 hay 5 gian, cùng với 1 hoặc 2 chái. Khác với những nhà cổ ở các vùng miền khác thường quay về hướng nam, nhà cổ ở đây không tuân theo phương vị cụ thể, mà tuân theo quy tắc “Nhất cận thị, nhị cận giang” (thứ nhất là gần chợ, thứ hai gần sông), giúp cho con người vừa thuận tiện trong làm ăn, đi lại; lại vừa có thiên nhiên mát mẻ, không khí trong lành.
Một vài nét kiến trúc nhà cổ Ba Đức. Ảnh: Phúc Huy
Mặc dù trãi qua nhiều thế kỷ, với bao thăng trầm của lịch sử, ngày nay, các công trình này dù được nhiều lần trùng tu sửa chữa, trong đó một số còn giữ được cốt cách nguyên sơ, song cũng có nhiều công trình bị pha tạp do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan. Tuy nhiên, đây là những công trình mang đậm dấu ấn lịch sử, ghi lại chặng đường sáng tạo và lao động nghệ thuật phong phú của cha ông. Vì vậy, đối với du khách, mỗi vật dụng, mỗi ngôi nhà đều mang một giá trị riêng biệt, là một tác phẩm kiến trúc mang đậm nét tài hoa của những nghệ nhân hàng mấy trăm năm trước. Và điều hấp dẫn, lý thú nhất lại là những câu chuyện, những giai thoại của những nhân vật, những thế hệ đã sống và đã tạo nên hồn vía cho những ngôi nhà cổ xưa này.
Các hoạt động tại Lễ hội du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp, Cái Bè lần thứ 4, năm 2019
Từ năm 2013, Lễ hội du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp được đầu tư và từ đó đến nay, Lễ hội được tổ chức đều đặn 2 năm một lần, với nhiều hoạt động mang bản sắc văn hóa truyền thống, dân gian, thu hút đông đảo khách du lịch.
Lễ hội lần thứ 4 được diễn ra trong 3 ngày từ ngày 10-11 đến ngày 12-11-2019, với hơn 16 hoạt động như : Tái hiện nghi thức cúng đình xưa; Triển lãm giới thiệu sản phẩm du lịch 6 tỉnh phía Đông ĐBSCL; Tổ chức đoàn Famtrip; Triển lãm sinh vật cảnh, hòn non bộ; Trưng bày hình ảnh di sản văn hóa huyện Cái Bè; Tọa đàm vai trò của phụ nữ trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; Chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; Chương trình đờn va tài tử; Hội thi làm bánh dân gian; Hội thi chưng mâm ngũ quả; Hội thi đua xuồng… cùng với các hoạt động văn hóa – nghệ thuật của Nhật Bản…. chắc chắn sẽ tạo nên không khí vui tươi, sôi nổi của lễ hội.
Thời gian và địa điểm tổ chức các chương trình:
Phúc Huy
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.