Năm 2020, bỏ chế độ viên chức suốt đời
Cán bộ, viên chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu bị phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm
Cán bộ nghỉ hưu phạm pháp bị xóa chức vụ
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa thông qua, bên cạnh việc xử lý hình sự, cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức kỷ luật.
Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết quy định trong luật với hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” nhằm bảo đảm thống nhất với hình thức kỷ luật theo quy định của Đảng, đồng thời thực tiễn áp dụng trong thời gian qua cho thấy đã có hiệu quả nhất định, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân. Bên cạnh đó, để thể hiện rõ hình thức kỷ luật gắn với hệ quả về vật chất, tinh thần, luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua 3 luật vào ngày 25-11 Ảnh: QUANG VINH
Đáng chú ý, tất cả trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật này có hiệu lực (ngày 1-7-2020) sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH khẳng định bỏ chế độ viên chức suốt đời là thể chế hóa Nghị quyết Trung ương về thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới. Viên chức đã được tuyển dụng trước đó cơ bản không có sự thay đổi về chế độ hợp đồng làm việc so với hiện hành. Quy định này cũng phù hợp với điều 240 Bộ Luật Lao động hiện hành và điều 220 Bộ Luật Lao động (sửa đổi).
Thêm trường hợp được miễn thị thực
Với 83,64% tổng số đại biểu (ĐB) tán thành, QH đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020.
Theo đó, luật mới mở rộng diện miễn thị thực với những người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định. Các khu kinh tế ven biển được miễn thị thực phải đáp ứng đủ các điều kiện: có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Theo giải trình của UBTVQH, khi góp ý dự thảo luật, có những ĐB cho rằng cần quy định chặt chẽ, bổ sung điều kiện về khu kinh tế ven biển cho đầy đủ để không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Một số ĐB đề nghị cân nhắc vì bờ biển Việt Nam dài, sẽ khó khăn trong quản lý và bảo đảm an ninh trật tự. Ý kiến khác đề nghị không miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển. Tuy nhiên, UBTVQH nhận định quy định miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển với 4 điều kiện trên là bảo đảm chặt chẽ.
Một nội dung sửa đổi đáng chú ý của luật là quy định phân loại thị thực nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (ký hiệu ĐT) trên cơ sở vốn góp. ĐT1 được cấp cho trường hợp có vốn góp giá trị từ 100 tỉ đồng trở lên hoặc đầu tư vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư do Chính phủ quyết định. ĐT2 được cấp cho trường hợp có vốn góp giá trị từ 50 tỉ đồng đến dưới 100 tỉ đồng hoặc đầu tư vào ngành, nghề khuyến khích đầu tư phát triển do Chính phủ quyết định.
Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có vốn góp giá trị từ 3 tỉ đồng đến dưới 50 tỉ đồng sẽ được cấp thị thực ĐT3 và thị thực ĐT4 sẽ cấp cho trường hợp có vốn góp giá trị dưới 3 tỉ đồng. Thị thực ký hiệu ĐT1 và ĐT2 có thời hạn không quá 5 năm, ĐT3 có thời hạn không quá 3 năm, ĐT4 có thời hạn không quá 12 tháng.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.