ĐBSCL đang chìm dần
Hàng trăm con đập thủy điện trên dòng Mê Kông đã “cướp” đi 96% lượng trầm tích bồi đắp cho ĐBSCL. Cùng đó, tình trạng khai thác cát quá mức khiến vùng đất non trẻ này bị thu hẹp, chìm dần
681 điểm sạt lở
TS Huỳnh Công Hoài (ĐHQG TP HCM) cho biết ĐBSCL là vùng đất non trẻ, được hình thành do sự bồi lắng của nguồn phù sa từ sông Mê Kông và dòng bùn cát ven biển. Do vậy, vùng này có nền đất yếu và rất dễ tổn thương với bất cứ tác động nào của tự nhiên hay con người.
Khoảng 10 năm trở lại đây, hiện tượng xói lở, sạt lở xảy ra ngày càng nhiều. Nếu năm 2010, ĐBSCL chỉ có 99 điểm xói, sạt thì đến nay con số này đã lên gấp 7 lần với 681 điểm. Có rất nhiều nguyên nhân tự nhiên dẫn đến hiện tượng này, như địa chất, địa hình, chế độ dòng chảy, thủy triều….
Tuy nhiên, TS Huỳnh Công Hoài nhấn mạnh sạt lở gia tăng trong 10 năm gần đây chủ yếu do tác động của con người khi xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng giao thông, nhà ở sát bờ sông; tình trạng khai thác cát sông tràn lan. Và quan trọng nhất là sự thiếu hụt nghiêm trọng lượng bùn cát từ sông Mê Kông khi thượng nguồn sông này xuất hiện hàng loạt hồ chứa để làm thủy điện.
“Vấn đề tiên quyết hiện nay là phải quyết liệt ngăn chặn việc xây dựng các hồ chứa trên dòng chính sông Mê Kông và kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát. Cùng với đó, các địa phương cũng nên quy hoạch đường giao thông và khu dân cư xa các bờ sông hay kênh rạch để hạn chế sạt lở” – TS Huỳnh Công Hoài đề xuất.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Công Sản (Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam) dẫn chứng trước năm 2000, tổng lượng bùn cát lơ lửng về ĐBSCL trung bình khoảng hơn 178 triệu tấn/năm, cao gấp 4 lần hiện nay.
20 triệu người bị ảnh hưởng
Nhà khoa học George Mathias Kondolf thuộc Đại học California, Berkeley (Mỹ) khẳng định nguyên nhân khiến ĐBSCL hẹp dần bởi xói lở và sụt lún khắp nơi là do Trung Quốc đã xây dựng 7 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.
Ông George Mathias Kondolf cho biết lượng trầm tích lơ lửng trung bình của toàn sông Mê Kông ước tính là 160 triệu tấn/năm. 50% trong số đó được tạo ra từ khu vực thượng lưu chảy qua Trung Quốc (còn gọi là sông Lan Thương). Khi 7 đập trên dòng Lan Thương hoàn tất, khoảng 83% lượng trầm tích của lưu vực trên sẽ bị giữ lại dẫn đến dòng Mê Kông bị giảm gần một nửa lượng trầm tích tự nhiên. Sắp tới, phía hạ nguồn ở Lào, Thái Lan và Campuchia cũng sẽ có hơn 130 con đập lớn nhỏ được xây dựng để làm thủy điện trên cả phụ lưu và dòng chính. Do đó, lượng trầm tích bị giữ lại từ những con đập này chiếm đến khoảng 96%, chỉ còn một phần nhỏ sót lại trôi về ĐBSCL.
Vì vậy có thể kết luận các con đập đã làm thay đổi tải lượng trầm tích sông Mê Kông, đặc điểm hình thái dòng chảy và đồng bằng vùng hạ lưu, gây ảnh hưởng đời sống và sinh kế của khoảng 20 triệu người.
Sạt lở bờ sông ở khu vực phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang
Chỉnh trị dòng chảy
PGS-TS Trịnh Công Vấn (Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi Mê Kông) cho biết các điểm sạt lở thường xuyên trên những tuyến sông chính như sông Tiền, sông Hậu đều đã được xác định. Các giải pháp cũng áp dụng để xử lý sạt lở bờ sông ĐBSCL với nhiều hình thức, quy mô khác nhau đã góp phần khắc phục kịp thời một số điểm nguy hiểm. Tuy nhiên, có không ít công trình được xây dựng bằng kết cấu bê-tông cốt thép khá tốn kém nhưng vẫn không kiên cố và sụp đổ dù chưa đưa vào sử dụng gây lãng phí.
“Những giải pháp công trình cứng này đòi hỏi chi phí cao nhưng nhà nước và các địa phương không thể bố trí được dẫn đến hàng trăm điểm sạt lở nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Vì thế, những giải pháp có chi phí thấp, thân thiện môi trường để xử lý các điểm sạt lở được chúng tôi áp dụng là dùng kết cấu thảm cát, bao cát sinh thái hoặc bao cát có kích thước lớn cho những nơi có hố xói hoặc không có hố xói trước khi phục hồi bờ sông” – PGS-TS Trịnh Công Vấn trình bày.
Cũng cho rằng các nhóm giải pháp, công trình hỗ trợ và giảm nhẹ sạt lở cần thân thiện với môi trường, PGS-TS Nguyễn Phú Quỳnh (Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam) nêu ví dụ: Đối với sạt lở bờ sông ít chịu tác động của sóng tàu thuyền thì có thể phòng chống bằng trồng các loại cây chắn sóng (dừa nước, đước hay bần).
Đối với sạt lở bờ sông, chân đường giao thông hoặc phía sau các cống ngăn triều cường dòng chảy dao động thì thực hiện kè tường đứng với những bó cành cây, bao đất, cát chống sóng được kết chặt với nhau bằng những thanh gỗ hay thép. Theo bà Quỳnh, đây là nhóm giải pháp được nhiều nước tiên tiến áp dụng vì thân thiện môi trường, thi công đơn giản nên việc xã hội hóa công tác chống sạt lở luôn đạt hiệu quả cao với sự tham gia của cộng đồng.
“Giải quyết sạt lở không được nóng vội mà cần có nghiên cứu, quy hoạch và thực hiện chỉnh trị tổng thể toàn khu vực để có những ưu tiên lựa chọn giải pháp phù hợp nhất mới mang lại hiệu quả cao và bền vững. Đề nghị phải lập quy hoạch chỉnh trị sông cho toàn bộ hệ thống sông, kênh, rạch chính trên địa bàn các tỉnh, thành ĐBSCL với lộ trình đầu tư thích hợp” – PGS-TS Quỳnh đề xuất.
Chỉ cao hơn mực nước biển 82 cm
Theo ông George Mathias Kondolf , hiện nay, độ cao trung bình của ĐBSCL chỉ còn khoảng 82 cm so với mực nước biển. Do đó, nếu để tình trạng khai thác cát sông và nước ngầm quá mức thì trong tương lai không xa, 35% diện tích ĐBSCL bị chìm trong nước biển, làm ảnh hưởng đến khoảng 15 triệu dân.
“ĐBSCL cũng không thể áp dụng các giải pháp ứng phó tương tự như Hà Lan mà nên có chiến lược chuyển trầm tích qua đập để hạn chế những tác động xấu nói trên” – ông George Mathias Kondolf lưu ý.
TS TRẦN HỮU HIỆP:
Lập bản đồ sạt lở
Nguyên nhân sạt lở không thể đổ cho thiên tai, biến đổi khí hậu mà trực tiếp là do nhân tai. Bên cạnh những tác động tiêu cực xuyên biên giới nói trên còn là những yếu kém nội tại của vùng.
Cụ thể, trong quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên đất và nước của Việt Nam đã phá vỡ các “túi trữ nước tự nhiên” ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên bằng nhiều đê bao cục bộ. Việc xây kè, đắp bờ sông của 2 tỉnh này đã gây lở bờ của tỉnh khác theo quy luật tự nhiên “bên bồi, bên lở”. Nhiều thị trấn, thị tứ, khu dân cư, nhà ở ven sông mọc lên; nhiều kè, công trình lấn sông ngay bên bờ sông tác động không nhỏ lên nền đất vốn đã yếu của ĐBSCL. Chưa kể, tội đồ cát tặc còn bồi thêm “những cú đấm hội đồng” lên cơ thể các dòng sông làm sạt lở nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh các biện pháp khẩn cấp tạm thời như di dời dân, cần có các giải pháp căn cơ trong thế chủ động để chống sạt lở. Để làm được như vậy, cần một bản đồ hệ thống sạt lở để mỗi địa phương, người dân nhận diện được mức độ nghiêm trọng và có cách phòng tránh. Song song đó, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, bố trí dân cư, tổ chức sản xuất đều phải đặt trong bối cảnh tổng thể, phải tính đến những mục tiêu ứng phó dài hạn bên cạnh mục tiêu trước mắt là sinh kế và sự an toàn của người dân.
Thạc sĩ NGUYỄN HỮU THIỆN, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL:
Liên kết chống cát tặc
Để hạn chế thiệt hại tài sản, tính mạng người dân ở những nơi sạt lở thì cần 3 giải pháp. Thứ nhất, chỉ xây dựng công trình bảo vệ ở những nơi xung yếu tập trung nhiều cư dân. Thứ hai, đối với những vùng ven sông ở nông thôn, thưa dân cư thì cần chủ động di dời người dân khỏi những nơi có nguy cơ cao. Thứ ba, việc quản lý, quy hoạch khai thác cát theo tinh thần liên kết vùng, liên tỉnh vì khai thác cát ở một nơi sẽ ảnh hưởng toàn bộ dòng sông ở phía dưới và toàn bộ bờ biển.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.