Thủ tướng khai trương Cổng dịch vụ công Quốc gia, tiết kiệm 4.200 tỉ đồng
Chiều 09-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bấm nút khai trương Cổng dịch vụ công Quốc gia, nơi cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến thiết thực cho người dân như đổi giấy phép lái xe; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế; cấp điện… và tiết kiệm hơn 4.200 tỉ đồng mỗi năm.
Lễ khai trương còn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban; lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch TP HCM Trần Vĩnh Tuyến…
Chương trình được truyền hình trực tuyến tại điểm cầu chính Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bấm nút khai trương Cổng dịch vụ công Quốc gia – Ảnh: Ngô Nhung
Như vậy, sau 9 tháng tích cực triển khai, mọi nhiệm vụ chuẩn bị cho xây dựng và đưa Cổng DVCQG đã hoàn tất và đi vào hoạt động.
Trước đó, ngày 12-3-2019, tại lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký phê duyệt Đề án Cổng DVCQG và giao trách nhiệm cho Văn phòng Chính phủ (VPCP) chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Trong 9 tháng qua với trách nhiệm được giao, VPCP và các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị cho công tác khai trương Cổng DVCQG. Cùng với VPCP, các Bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực trong rà soát, chuẩn hóa, nâng cấp cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính (TTHC); nâng cấp, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt yêu cầu đầu tiên là những dịch vụ nào người dân doanh nghiệp cần thì triển khai trước.
Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình cải cách, Cổng DVCQG là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng
Cổng DVCQG lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức và cơ quan thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Cung cấp 4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ: Cấp Giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mãi; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp.
Ngoài ra, đối với 4 địa phương đã tích hợp trong năm 2019 cung cấp thêm một số dịch vụ công. Cụ thể tại TP HCM là Đăng ký hộ kinh doanh và Đăng ký thuế; TP Hà Nội, TP Hải phòng và Quảng Ninh là Đăng ký khai sinh…
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) Ngô Hải Phan cho hay trong quý I/2020, Văn phòng Chính phủ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tích hợp lên Cổng DVCQG 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm và thu phạt vi phạm giao thông đường bộ.
Ông Phan dẫn thống kê của Tổng Cục Đường bộ, trong năm 2018, có 965.000 hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe cần thực hiện, thêm 7.000 bộ hồ sơ xin cấp giấy phép lái xe quốc tế. Cùng với đó, Bộ Công Thương giải quyết trên 2 triệu bộ hồ sơ đăng ký khuyến mại.
Còn Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phải xử lý 2,6 triệu hồ sơ cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế mỗi năm; Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải giải quyết yêu cầu cấp điện cho 1,2 triệu khách hàng mới (cả nhu cầu cấp điện hạ áp của người dân và điện trung áp của doanh nghiệp). Hay riêng thủ tục đăng ký khai sinh, các cơ quan cũng phải giải quyết lượng hồ sơ tương đương 4.800 trẻ được sinh ra mỗi ngày…
“Việc thực hiện các thủ tục này qua môi trường trực tuyến, thông qua Cổng DVCQG sẽ giúp tiết kiệm 4.222 tỉ đồng/năm. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng DVCQG”- ông Phan nhấn mạnh.
Do doanh nghiệp trong nước thực hiện
Cổng DVCQG được vận hành trên hệ thống công nghệ Vn-conect do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) phát triển theo yêu cầu Thủ tướng Chính phủ giao.
Trrước đó, trả lời báo chí về vấn đề an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, giải pháp đảm bảo vận hành hệ thống, Trưởng đoàn chuyên gia Pháp Hever La Bars (đơn vị tư vấn cho Chính phủ trong việc xây dựng hệ thống) cho biết, vận hành Cổng DVCQG thành công hay không, việc làm sao để người dân tin tưởng vào hệ thống là vấn đề cốt lõi quyết định. Đây cũng là vấn đề từng đặt ra với Pháp khi xây dựng hệ thống tương tự.
Đánh giá của nhóm chuyên gia, lựa chọn công nghệ dựa trên nền tảng hệ thống Vn-conect mà VNPT phát triển là một lựa chọn tốt vì đây là một trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế Tier3, đảm bảo khả năng xử lý dữ liệu lớn.
Ông Hever La Bars đánh giá việc lựa chọn công nghệ dựa trên nền tảng hệ thống Vn-Conect mà VNPT phát triển là một lựa chọn tốt, đủ mạnh để đảm bảo an toàn cho dữ liệu đăng ký của người dân và doanh nghiệp.
Phó tổng giám đốc VNPT Huỳnh Quang Liêm cho biết tập đoàn này đã được Chính phủ lựa chọn xây dựng hệ thống Cổng DVCQG.
“Toàn bộ hệ thống nền tảng được VNPT thiết kế vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp qua nhiều năm và chứng minh được độ an toàn, thông suốt. Tập đoàn đã dành nhiều nguồn lực tập trung đáp ứng các yêu cầu về băng thông kết nối, vấn đề an toàn an ninh mạng và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Thủ tướng giao” – ông Liêm khẳng định và cho biết VNPT rất quan tâm đến quy trình vận hành và bảo mật dữ liệu bởi đơn vị đã có kinh nghiệm quản lý dữ liệu của hơn 30 triệu khách hàng.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.