Bị Phó Thủ tướng kiểm điểm, Bộ NN-PTNT “tới tấp” ra văn bản về thịt heo
Trước đó, vào ngày 19-12, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ – Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, về tình hình giá thịt heo và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019.
Phó Thủ tướng đã phê bình và yêu cầu Bộ NN-PTNT nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về việc thiếu thịt heo, giá heo và thịt heo tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô.
Vì vậy, cùng ngày 19-12, Bộ NN-PTNT đã cấp tốc ký văn bản số 9522 để báo cáo Thủ tướng về tình hình cung ứng thịt heo hiện nay và các giải pháp trong thời gian tới.
Trong văn bản này, Bộ NN-PTNT khẳng định đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị chỉ đạo triển khai các giải pháp về ngăn chặn dịch tả heo châu Phi, đã phối hợp và làm việc với Bộ Công thương về kế hoạch nhập khẩu thịt heo, chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cho dịp cuối năm.
Về số liệu dự báo thiếu hụt 200.000 tấn trong dịp cuối năm, Bộ NN-PTNT đã dẫn số liệu theo Tổng cục Thống kê và cho rằng, đây là số liệu do Tổng cục Thống kê đưa ra.
Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Công thương cho rằng, số liệu dự báo này là không chính xác. Theo Bộ Công thương, trách nhiệm cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo là của Bộ NN-PTNT, vì Cục Thú y của Bộ NN-PTNT có chức năng kiểm dịch thực phẩm.
Tuy nhiên trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ NN-PTNT lại cho rằng, Bộ Công thương có nhiệm vụ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo.
Cùng trong ngày 19-12, Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến liên tiếp ký thêm 2 văn bản mang số 9523 và 9524 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và gửi các doanh nghiệp chăn nuôi đề nghị khẩn trương tái đàn, đảm bảo nguồn thực phẩm cho thị trường cuối năm.
Trong văn bản số 9523, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai việc tái đàn heo; hướng dẫn việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tổng cách ly, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, bằng vôi; nâng cấp cơ sở vật chất, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm để áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học.
Chính quyền cơ sở và các cơ quan thú y địa phương tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện nuôi tái đàn; tăng cường việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và công tác phòng chống dịch bệnh. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn và phát triển đàn heo của địa phương.
Các cơ quan truyền thông, thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời nguồn cung, giá thực phẩm trên địa bàn, nhất là mặt hàng thịt heo, tránh cho người dân hiểu không đầy đủ, những người sản xuất, kinh doanh thiếu trách nhiệm có thể lợi dụng trục lợi đầu cơ tăng giá.
Tại văn bản số 9524, Bộ NN-PTNT đề nghị các doanh nghiệp tổ chức việc nuôi tái đàn heo thận trọng, hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ tái phát dịch bệnh; áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kết hợp sử dụng các chế phẩm nâng cao sức đề kháng cho đàn heo. Tổ chức chăn nuôi, sản xuất đảm bảo bình ổn giá; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá mặt hàng heo thịt để người sản xuất và tiêu dùng biết, tránh hiện tượng găm hàng, thổi giá lên cao bất thường.
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt hiện nay là Tết Nguyên đán chỉ còn hơn 1 tháng nữa. Dù có tái đàn thì cũng không kịp, trong khi mở cửa nhập khẩu thì cũng không xong vì để đưa 1 container thực phẩm về Việt Nam, doanh nghiệp phải mất 2-3 tháng trở lên.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.