Tăng giá trị sản phẩm thủy sản để cạnh tranh

Là người nuôi cá lâu năm, nhưng hiện nay ông Cao Lương Tri (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) lắc đầu ngao ngán khi giá cá tra nguyên liệu tuột dốc kéo dài khiến nhiều hộ nuôi lỗ nặng. Nhiều hộ nuôi cá ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, TP Cần Thơ… cũng cùng cảnh ngộ.
1a_bpgw
Chế biến thủy sản xuất khẩu

Người nuôi khốn đốn

Ông Cao Lương Tri cho biết: “Năm 2019 được xem là ảm đạm nhất với người nuôi cá vùng ĐBSCL khi giá dao động bình quân chỉ 18.000 – 20.000 đồng/kg, lỗ từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Tình hình này hoàn toàn đảo ngược so với thời điểm năm 2018, giá cá tra lên hương, giúp doanh nghiệp và người nuôi thắng lợi”. Do giá cá tra quá thấp và khó tiêu thụ nên 2 ao cá hơn 700 tấn của ông Tri tiếp tục “neo” và cho ăn cầm chừng, bởi càng bán càng lỗ.


Tăng giá trị sản phẩm thủy sản để cạnh tranh  ảnh 1

Chế biến cá tra xuất khẩu ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2, quận Ô Môn, TP Cần Thơ

Một số ao cá khu vực Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ cũng đã quá kỳ thu hoạch, có con trọng lượng lên tới 1,3 – 1,4kg/con nhưng các nhà máy vẫn chậm thu mua. Hiện tại, dù là thời điểm cuối năm, nhưng giá cá nguyên liệu lại sụt giảm xuống còn khoảng 17.500 đồng/kg (nhà máy mua trả tiền mặt) và khoảng 18.000 đồng/kg (mua thiếu, trả sau). Ông Nguyễn Văn Tấn, ngụ xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (An Giang) thở dài: “Tình hình không sớm cải thiện thì xem như năm 2019 hàng loạt hộ nuôi cá trắng tay, nợ chất chồng, không có tiền ăn tết”.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), từ đầu năm 2019 đến nay, ở ĐBSCL thả nuôi hơn 7.127ha cá tra, tăng tới 2.086ha so cùng kỳ; nguyên nhân bởi năm 2018 giá cá tăng cao nên sau đó nhiều doanh nghiệp, cơ sở, hộ dân đầu tư nuôi mới. Do diện tích vùng nguyên liệu mở rộng, nhưng thị trường xuất khẩu khó khăn, nhất là những thị trường lớn, cộng với  việc các nước Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh đầu tư phát triển cá tra; đặc biệt là Indonesia đẩy mạnh việc quảng bá dòng cá tra sạch để chiếm lĩnh thị trường Trung Đông, từ đó làm cho việc xuất khẩu cá tra của Việt Nam sụt giảm.

Đối với con tôm, từ tháng 3 đến tháng 8-2019 giá giảm mạnh đã làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Nguyên nhân do các nước như Ấn Độ, Ecuador trúng mùa tôm, giá thành sản xuất thấp, nguồn cung dồi dào. Cũng do giá thành sản xuất tôm ở ĐBSCL cao nên không ít doanh nghiệp nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ về với giá rẻ hơn, làm cho tôm trong nước bị cạnh tranh và dư nguồn cung. Mặt khác, nhiều thị trường gia tăng rào cản kỹ thuật, đẩy nhiều doanh nghiệp Việt Nam vào thế khó.

Giảm giá thành, tăng chất lượng 

Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định, gần đây giá tôm tăng trở lại và thị trường EU tăng mua trong thời điểm cuối năm 2019; các thị trường như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng tiêu thụ khá tốt. Bên cạnh đó, tác động của Hiệp định Thương mại tự do sẽ tạo nền tảng để các doanh nghiệp thủy sản nâng cao sức cạnh tranh. Đối với cá tra, do tốc độ xuất khẩu chưa cải thiện và giá vẫn còn thấp nên các hộ nuôi, doanh nghiệp cần điều chỉnh mật độ thả nuôi, giảm nguồn cung trong thời điểm cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng: “Dự báo cả năm 2019, xuất khẩu mặt hàng tôm đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so năm 2018; mặt hàng cá tra xuất khẩu đạt 2,23 tỷ USD, giảm 3% bởi nhiều yếu tố không thuận lợi. Giải pháp cấp bách lúc này là đảm bảo cân đối cung – cầu cá tra nhằm tránh khủng hoảng thừa nguyên liệu. Cần có những dự liệu đầy đủ và lũy kế theo chuỗi để đánh giá đúng thực tế tình hình, áp dụng số hóa và có thông tin định hướng thời gian tới một cách hợp lý. Tăng cường đầu tư nguồn giống tốt, tập trung nâng cao chất lượng cá tra nguyên liệu để xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn. Các địa phương siết chặt quản lý vùng nuôi theo quy hoạch, ứng dụng công nghệ mới và kiểm soát tốt môi trường. Đối với con tôm cần nhanh chóng giảm chi phí giá thành nuôi nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các nước; sắp xếp lại vùng nuôi tôm để hình thành các trang trại hay hợp tác xã có quy mô lớn theo chuẩn nuôi của quốc tế có chứng nhận. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi, đảm bảo hệ thống thủy lợi tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan. Về lâu dài cần tiến tới xây dựng cho được thương hiệu tôm Việt”.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, sẽ tích cực tổ chức lại sản xuất tôm theo hướng hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã; xây dựng mô hình liên kết 4 nhà từ khâu nuôi đến tiêu thụ sản phẩm; nhân rộng các mô hình nuôi theo an toàn sinh học, thân thiện môi trường nhằm hướng tới phát triển sản xuất tôm bền vững. Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang: “Tỉnh đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó hỗ trợ đến 10 tỷ đồng cho mô hình thủy sản tham gia liên kết chuỗi. Đây là động lực nhằm kết nối doanh nghiệp thủy sản, hộ sản xuất giống, hộ nuôi cá tra thương phẩm… để phát triển chuỗi ổn định, bền vững”.

Bộ NN-PTNT khuyến cáo, cùng với tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản, các địa phương chú trọng phát triển các hình thức nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC… đồng thời giảm các khâu trung gian để hạ giá thành sản xuất, nâng chất lượng và tăng giá trị sản phẩm thủy sản.

Nguồn SGGP