Việt Nam được đánh giá cao trên diễn đàn thế giới và khu vực

Những ngày đầu năm 2020, dư luận khu vực và quốc tế liên tiếp có những nhận định, đánh giá cao vai trò của Việt Nam khi đảm nhận “nhiệm vụ kép” tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) với nhiều kỳ vọng.

Thời cơ lớn

Ngày 2-1, tại trụ sở Liên hiệp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Việt Nam đã tiến hành các hoạt động chính thức trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ, mở đầu cho nhiệm kỳ thành viên HĐBA 2020-2021.

Viet nam tai LHQ

Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý trước lễ đặt cờ Việt Nam
HĐBA đã thông qua chương trình làm việc tháng 1-2020 do Việt Nam đề xuất. Theo đó, dự kiến HĐBA sẽ có 12 cuộc họp công khai, 15 cuộc họp kín thảo luận về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực như tình hình Trung Đông, Syria, Yemen, Tây Phi, Sahel, Mali, Libya, Trung Á và Cyprus. Nhân dịp này, Việt Nam đã đề xuất và nhận được được sự tán thành cao của tất cả các nước ủy viên HĐBA trong việc tổ chức một phiên thảo luận mở về Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ vào ngày 9-1 và một cuộc họp về Hợp tác giữa LHQ và ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế vào ngày 23-1 tới.

Các đề xuất của Việt Nam nhằm góp phần thúc đẩy vai trò của chủ nghĩa đa phương, Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế vì một thế giới hòa bình, công bằng và tốt đẹp hơn. Đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn tăng cường hiệu quả hợp tác và quan hệ Đối tác toàn diện giữa ASEAN và LHQ, vì lợi ích chung của các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế.
Trang The Interpreter của Viện nghiên cứu Lowy, Australia, bình luận: “Mặc dù trách nhiệm ngoại giao thường đi kèm với áp lực lớn, song đây cũng là thời cơ lớn đối với Việt Nam”. Bài viết trên trang web của Trung tâm nghiên cứu Wilson Center của Mỹ nêu rõ, việc cùng lúc nắm giữ hai vị trí Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ cho thấy năm 2020 sẽ là một năm quan trọng để Việt Nam thể hiện vai trò như một quốc gia có thể tham gia ngày càng nhiều vào các vấn đề khu vực và quốc tế.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) Choi Sing Kwok, việc đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ đem lại cho Việt Nam cơ hội thể hiện vai trò lãnh đạo trên toàn cầu và đương nhiên sẽ đem lại lợi ích cho ASEAN. Lập trường, quan điểm và vai trò trung tâm của ASEAN sẽ được thể hiện trên trường quốc tế.

Tăng trưởng nhanh, xuất khẩu vượt trội 

Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ và tăng cường hợp tác giữa LHQ và ASEAN là hai hoạt động quan trọng của HĐBA trong tháng 1-2020.
TS Robin Ramcharan,  Giám đốc điều hành Trung tâm châu Á, bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ thành công trong vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ vào năm 2020 vì Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng mạnh và có nhiều nguồn lực. Bất chấp rào cản từ thương chiến Mỹ – Trung, các quốc gia châu Á được dự đoán vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2020. Trong đó, Việt Nam vào tốp những nền kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng nhanh nhất năm 2020. Kinh tế Việt Nam dự đoán sẽ tăng khoảng 6,7% vào năm 2020. Không chỉ gia công, Việt Nam đang dịch chuyển sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, như thiết bị điện tử. Báo The Straits Times dẫn lời các chuyên gia Thái Lan nhận định, xuất khẩu Việt Nam sẽ vượt trội so với phần còn lại của Đông Nam Á vào năm 2020. “Sản xuất và xuất khẩu có khả năng cải thiện trong năm 2020, khi các nhà máy của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đến Việt Nam từ năm ngoái bắt đầu đi vào hoạt động và tạo ra sản lượng thực tế”.
Ngày 5-1, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi bắt đầu chuyến công du 4 quốc gia Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Indonesia. Mục đích của chuyến thăm Việt Nam lần này của Bộ trưởng Motegi là nhằm tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trên trường khu vực và quốc tế, đồng thời thúc đẩy quan hệ kinh tế với Việt Nam.

Nguồn SGGP