Căng thẳng Mỹ – Iran và tình thế “đánh rắn động cỏ” với Triều Tiên

Căng thẳng Mỹ-Iran gần đây khiến Triều Tiên nhận ra ý nghĩa quan trọng của việc sở hữu vũ khí hạt nhân và sự kiên nhẫn trong ván cờ dài hơi với Mỹ.

“Đánh rắn động cỏ”

Tuần trước, Mỹ đã tấn công tên lửa tiêu diệt chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) – Tướng Qassem Soleimani. Chỉ vài ngày sau đó, Iran đã đáp trả bằng cách tuyên bố tất cả quân nhân Mỹ đều là “khủng bố”, đồng thời tiến hành không kích các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước láng giềng Iraq.

cang thang my - iran va tinh the "danh ran dong co" voi trieu tien hinh 1
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: AFP

Căng thẳng Trung Đông diễn ra vào thời điểm khi một số nhà phân tích gần như đã từ bỏ hy vọng vào việc Washington và Bình Nhưỡng sẽ đạt được một thỏa thuận về phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên cũng như việc Mỹ sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Những nỗ lực của 2 bên từ những cuộc đàm phán gần đây cho tới 2 Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều và cuộc gặp tại biên giới liên Triều giữa 2 nhà lãnh đạo Trump – Kim không giúp tiến trình này có thêm nhiều tiến triển. Kể từ đó tới nay, Triều Tiên dường như đã không còn hứng thú với những cuộc gặp không đem lại kết quả gì.

Hành động của Mỹ với Iran được cho là chẳng khác nào một tình thế “đánh rắn động cỏ” với Triều Tiên.

Đàm phán Mỹ – Triều về phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt vào tháng 12/2019 khi “hạn chót” mà Bình Nhưỡng đặt ra cho Mỹ gần kết thúc mà tình hình vẫn không có bất kỳ tiến triển nào.

Bình Nhưỡng sau đó đã tiến hành các vụ thử vũ khí và úp mở về một “món quà Giáng sinh” mà hành động của Mỹ sẽ quyết định xem đó là món quà như thế nào. Giữa lúc căng thẳng Mỹ – Iran leo thang sau khi Mỹ không kích giết chết Tướng Soleimani, Triều Tiên chỉ nhận định rằng: “Trung Đông sẽ trở thành nấm mồ của Mỹ”, và hiếm khi bày tỏ quan điểm về những diễn biến mới này.

Yang Moo Jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul cho rằng ông Kim Jong Un “đang chịu những sức ép về tâm lý” sau khi Mỹ tấn công tên lửa sân bay Baghdad. Học giả Nga chuyên nghiên cứu về Triều Tiên Andrei Lankov thì cho rằng cái chết của Tướng Soleimani cho thấy Tổng thống Trump sẵn sàng thực hiện các biện pháp liều lĩnh hơn với các nhà chiến lược của Triều Tiên.

“Rõ ràng Triều Tiên đã lưu ý và thậm chí, có thể xem đây là một dấu hiệu cảnh báo. Cái chết của Tướng Soleimani nhắc nhở họ rằng những hành động liều lĩnh vượt quá giới hạn của Bình Nhưỡng có thể khiến một chiếc máy bay không người lái của Washington lẳng lặng tiếp cận một vài mục tiêu trong quốc gia này”.

Triều Tiên “đồng cảm” với Iran

Mặc dù Triều Tiên có vẻ im lặng về căng thẳng Mỹ – Iran song giới tinh hoa của nước này đang theo dõi cẩn thận từng diễn biến mới ở Trung Đông và rút ra những bài học cho riêng mình.

Một bài học mà họ đang lưu tâm tới chính là tính tạm thời của một thỏa thuận hạt nhân với Mỹ. Năm 2015, Iran ký một thỏa thuận với Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc, Anh và Đức với các điều khoản hạn chế khả năng làm giàu uranium của Iran và cho phép các thanh sát viên bên ngoài kiểm tra các cơ sở hạt nhân của nước này. Đổi lại, Tehran sẽ được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Mặc dù Iran vẫn tuân thủ các điều khoản song Mỹ đã chính thức rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018 khi Tổng thống Trump nói rằng đây là một thỏa thuận với nhiều bất lợi cho Mỹ. Kể từ đó tới nay, Washington và Tehran ngày càng lún sâu vào căng thẳng khi Mỹ áp các lệnh trừng phạt nặng nề lên Iran và mới đây nhất là giết chết chỉ huy cấp cao của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Iran cũng không bỏ qua khi trả đũa bằng loạt không kích vào 2 căn cứ quân sự của Mỹ và tuyên bố sẽ không tuân thủ bất kỳ giới hạn nào được thiết lập trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 về số lượng các máy ly tâm làm giàu uranium. Bài học của Iran chắc chắn sẽ khiến Triều Tiên ít nhiều cảnh giác trong quá trình tiến tới một thỏa thuận phi hạt nhân với Mỹ.

Cuộc tấn công này sẽ chỉ khiến Bình Nhưỡng tin vào sự phòng vệ hạt nhân – điều mà Iran thiếu, là thực sự cần thiết cho sự sống còn của ông Kim Jong Un. Ông Kim và các quan chức cấp cao Triều Tiên, về lý thuyết mà nói, có thể trở thành mục tiêu bị nhắm tới trong tương lai, ông Miha Hribernik, chuyên gia phân tích về khủng hoảng châu Á tại Verisk Maplecroft nhận định.

Những diễn biến trong căng thẳng giữa Mỹ và Iran cũng khiến khả năng về một cuộc tấn công của Washington với Bình Nhưỡng không còn là viễn cảnh xa xôi nữa nếu mối quan hệ giữa ông Trump và ông Kim sụp đổ.

“Truyền thông Triều Tiên thường trích dẫn lập trường của chính phủ Iran về chính sách đối ngoại và các vấn đề phát triển vũ khí, cũng như chỉ trích chính sách gây sức ép của Mỹ với các quốc gia chẳng hạn như Iran”, Rachel Minyoung Lee – một chuyên gia về Triều Tiên tại NK Pro có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc cho biết.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng nhận định với Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho năm 2018 rằng Mỹ “ngày nay là một quốc gia không thể dựa vào và không hề đáng tin”. Tuần trước, truyền thông Triều Tiên cũng xuất bản thông điệp chúc mừng năm mới từ ông Rouhani, nhắc lại rằng cả 2 nước này đều bị Washington đối xử không công bằng.

Triều Tiên không giống với Iran

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng Triều Tiên rất khác với Iran. Diễn biến gần đây giữa Mỹ với Iran chỉ là một phần trong căng thẳng dài hàng thập kỷ giữa 2 nước này nhằm tìm cách kiểm soát khu vực Trung Đông có ý nghĩa chiến lược quan trọng.

Trong khi đó, Triều Tiên không tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực như cách Iran đang làm qua các lực lượng ủy nhiệm tại các quốc gia như Lebanon, Iraq và Syria.

Những quan chức hàng đầu của Bình Nhưỡng hiểu rõ, họ hầu như có rất ít ảnh hưởng để định hình những diễn biến khu vực hay gây ảnh hưởng đến những vấn đề ở Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Điều mà Triều Tiên mong muốn là được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra cho Triều Tiên hiện nay là nước này sẽ phải làm gì để phá vỡ thế bế tắc về đàm phán hạt nhân khi sự chú ý của Mỹ vẫn đang ở một nơi khác. Cần phải nói rằng Bình Nhưỡng có thể dễ dàng quay lại con đường thử tên lửa nhằm nhắc nhở thế giới rằng nước này vẫn là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng như yêu cầu thêm sự hỗ trợ của Hàn Quốc và Trung Quốc để đổi lấy hòa bình.

Thực tế là Triều Tiên sẽ không sớm từ bỏ vũ khí hạt nhân. Về mặt chiến lược, Bình Nhưỡng hiểu rõ vũ khí hạt nhân là công cụ duy nhất để nước này chống lại các cuộc tấn công từ bên ngoài và đảm bảo an ninh.

Trong nhiều năm qua, Bình Nhưỡng cũng công khai khẳng định rằng nước này cần vũ khí hạt nhân để tự vệ trước các hành động từ phía Mỹ và các lực lượng bên ngoài mà Triều Tiên cho là muốn “lật đổ chế độ”. Cái chết của Tướng Soleimani sẽ càng khiến Triều Tiên củng cố thêm quyết định này.

Tuy nhiên, cũng từ sự việc trên mà thay vì tiến hành các hành động khiêu khích để thu hút sự chú ý từ Washington, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục phát triển vũ khí và cải thiện công nghệ. Triều Tiên đang thể hiện rằng nước này sẽ chơi một ván cờ dài hơi với Mỹ.

Có thể với Mỹ, Triều Tiên không phải là một mối đe dọa đáng lo ngại như Iran song sau những diễn biến mới đây ở Trung Đông, tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên sẽ trở nên thách thức và khó khăn hơn nhiều với sự khó đoán định từ phía Mỹ và sự thận trọng cao độ từ phía Triều Tiên./.

Nguồn vov.vn