Chương trình nhạc thiếu nhi ngày càng teo tóp

      Để một chương trình thiếu nhi có thể thu hút khán giả không phải là có nhiều hay ít kinh phí mà là chúng ta có làm ra được những tiết mục, chương trình thật sự hấp dẫn hay không


Nhạc sĩ Phạm Thư Sinh (Ban Thanh thiếu niên Đài Truyền hình Việt Nam):
Chưa hấp dẫn vì mục đích phục vụ
 
Không bị áp đặt bởi yếu tố kinh doanh nên các nhà đài vẫn thực hiện (một cách bắt buộc) những chương trình thiếu nhi để phục vụ cho đối tượng khán giả này. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là sức hấp dẫn của các chương trình phụ thuộc vào kinh phí được rót xuống. Chắc chắn, một chương trình biểu diễn do kinh phí của đài cung cấp sẽ không thể có màu sắc bằng một chương trình được xã hội hóa về kinh phí. Nhưng chuyện xã hội hóa một chương trình cũng không hề đơn giản vì các thương hiệu luôn xác định một cách rõ ràng đối tượng khách hàng mà họ nhắm đến. Và đối tượng khách hàng nhí lại rất ít khi được để ý.
 
Trong khi đó, nếu chương trình Đồ rê mí dạo gần đây cũng tạo được ít nhiều tiếng vang bởi sự dàn dựng công phu thì các khán giả nhí lại chưa thể tiếp cận được bởi những ca khúc được biểu diễn phần nhiều là mới, được đặt hàng viết riêng cho chương trình nên ca khúc được biểu diễn chưa có đời sống riêng của nó. Vì vậy, nếu người lớn có quan tâm đến chương trình này thì các bé thiếu nhi vẫn chưa để ý nhiều.

Một tiết mục biểu diễn trong chương trình Đồ rê mí. Ảnh: HẢI SƠN

 
Nghệ sĩ Xuân Bắc:
Đô rê mí còn thiếu sự gần gũi
 
Mấy ngày nay, tôi cứ xem đi xem lại video clip Chú ếch con của Hương Trà hát bằng tiếng Ý trên internet, phải nói là quá tuyệt vời! Rõ ràng, bài hát Chú ếch con đó quen thuộc đến mức bất kỳ ai cũng biết nhưng nghe bản phối khí thấy nó trở nên mới lạ và hấp dẫn dường nào. Nhìn vào sân khấu, dàn hợp xướng hay cả cách hát của Hương Trà là thấy một tiết mục dàn dựng hoàn toàn dành cho khán giả thiếu nhi, rất chuyên nghiệp nhưng rất gần gũi. Đó chính là lý do vì sao bất cứ ai nghe xem video clip Chú ếch con này đều mê tít.
 
Chính điều này khiến cho tôi thật sự băn khoăn khi nghĩ về chương trình Đồ rê mí (phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam) mà chúng tôi đang thực hiện. Chúng tôi luôn cố chạy theo sự chuyên nghiệp trong dàn dựng nhưng lại quên mất đi yếu tố gần gũi. Khá nhiều tiết mục trong Đồ rê mí thể hiện rõ điều này, những tiết mục rất chuyên nghiệp nhưng lại có một khoảng cách lớn đối với khán giả của nó.
 
Thực tế hiện nay cho thấy, những chương trình ca nhạc trên truyền hình lẫn băng đĩa dành cho thiếu nhi giảm hẳn so với trước đây. Mọi người vẫn than vãn về sự thiếu hụt kinh phí nên chất lượng các chương trình cũng giảm theo. Theo tôi, để một chương trình có thể thu hút khán giả không phải là có nhiều hay ít kinh phí mà là chúng ta có làm ra được những tiết mục, chương trình thật sự hấp dẫn hay không.
 
Nếu chúng ta tập trung làm ra những chương trình có sức hút thì sự vào cuộc của các nhà tài trợ là điều hiển nhiên. Tóm lại, để có sự hỗ trợ kinh phí từ các thương hiệu, chương trình chúng ta làm ra cần khẳng định chất lượng trước đã. Chương trình Đồ rê mí cũng đang đi theo con đường này.
 
Bà Huỳnh Mai Hương (Phó trưởng Ban Thiếu nhi Đài truyền hình TPHCM):
Có tâm huyết là làm được
 
Trong khi các đài truyền hình khác giảm các chương trình phục vụ cho thiếu nhi, Ban Thiếu nhi Đài Truyền hình TPHCM vẫn đều đặn thực hiện những chương trình dành riêng cho đối tượng khán giả thiếu nhi với rất nhiều thể loại. Trong đó, chúng tôi đang nhận được những phản hồi tích cực của khán giả về chương trình Vườn âm nhạc, một chương trình biểu diễn được tổ chức định kỳ dành cho các bé thiếu nhi. Hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, Vườn âm nhạc không phải là một chương trình xã hội hóa, cũng không có tài trợ.
 
Chương trình được thực hiện bằng kinh phí của đài. Ai cũng biết, kinh phí của đài luôn nằm trong mức cho phép nhưng với tình yêu dành cho các bé thiếu nhi cũng như mong muốn làm nên một sân chơi thực sự ý nghĩa và hấp dẫn dành cho các bé nên Vườn âm nhạc được nuôi dưỡng mỗi ngày. Hơn hết, hiểu tâm lý các bé thiếu nhi nên chúng tôi đã cố tình xây dựng một chương trình đa sắc mà ở đó, các bé có thể xem ca nhạc, xem múa, được giao lưu với các nghệ sĩ hài, nghệ sĩ kịch, ca sĩ,… Tôi nghĩ, có tâm huyết chúng ta sẽ làm tốt.

Trung bình chỉ có 1% chương trình truyền hình cho thiếu nhi

 
Theo thống kê năm 2010 của Đài Truyền hình TPHCM, các đài truyền hình địa phương thực hiện các chương trình thiếu nhi chỉ nằm ở mức bình quân 1%. Ngoài một sốđài có tỉ lệ phát sóng chương trình thiếu nhi cao, như Đà Nẵng: 10,3%, Hà Nội: 9,1%, TPHCM: 3,8%, Đài Truyền hình Việt Nam: 5,8% còn hầu hết đài truyền hình địa phương có chương trình thiếu nhi từ dưới 1% đến trên dưới 2%.
 
Thời gian phát sóng chương trình truyền hình thiếu nhi chủ yếu ở những múi giờ: 6 giờ 30 phút, 7 giờ 30 phút, 14 giờ 30 phút, 16 giờ 30 phút là khoảng thời gian mà các bé còn ở trường. Đó là lý do, kết quảkhảo sát tại TPHCM và vùng lân cận ở nửa năm đầu 2010 cho thấy chỉ có 30% - 45% trẻ em có xem chương trình thiếu nhi và hầu hết các chương trình thiếu nhi hiện tại không còn gắn kết với trẻ em như trước nên số lượng chương trình liên tục giảm.