Địa điểm trận đánh Bờ Cộ được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh
(THTG) Ngày 03-02, tại ấp Long Hưng, xã Phước Thạnh, Tp. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức lễ kỷ niệm 52 năm trận đánh Tết Mậu Thân 1968 và công bố quyết định xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa trận đánh Bờ Cộ năm 1968 là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Trận đánh Bờ Cộ diễn ra năm 1968, thuộc địa bàn ấp Long Hưng, xã Phước Thạnh, thành phố Mỹ Tho ngày nay và là một trong những trận đánh gây nhiều tiêu hao lực lượng của địch, do Tiểu đoàn 263 và Tiểu đoàn 265 thực hiện.
Chính quyền và nhân dân tại ấp Long Hưng, xã Phước Thạnh, Tp. Mỹ Tho tổ chức lễ kỷ niệm 52 năm trận đánh Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: Trọng Hiếu
Theo đó, khoảng 10 giờ, ngày 7/2/1968, đoàn xe M.113 khoảng 20 chiếc chở bộ binh thuộc Lữ đoàn 2, Sư đoàn 9, Mỹ được sự hỗ trợ của máy bay trinh sát, từ ngã tư Chợ Bưng chạy đến thửa ruộng ông Bảy Quân và thửa ruộng ông Cai tiến vào trận địa phòng ngự của Đại đội 2. Khi phát hiện địch, được lệnh của Đại đội trưởng Đại đội 2, tổ đánh địch từ xa chốt tại bờ mẫu ruộng có trồng chuối, bí mật nhanh chóng vận động lên Gò Cải, rồi bám ra bờ ruộng. Cùng lúc này các tổ hỏa lực B40, B41 của Đại đội 2 ở trận địa phòng ngự chính cũng bí mật, nhanh chóng vận động ra Gò Cải, Gò Chùa và nhanh chóng triển khai sẵn sàng bắn diệt M.113 chở bộ binh địch trên đường hành quân.
Kết quả, địch bị cháy và hư 7 xe M.113, rơi 2 máy bay trực thăng. Về phía ta, Tiểu đoàn 263 hy sinh 9 đồng chí, Tiểu đoàn 265 hy sinh 21 đồng chí; nhân dân chết 11 người, cháy và sập 18 căn nhà.
Trận đánh Bờ Cộ có ý nghĩa quan trọng trong cao điểm 1, làm tiêu hao nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của Lữ đoàn 2, Sư đoàn 9 quân đội Mỹ, làm chùng bước các cuộc hành quân phản kích của địch, khi lực lượng ta đang bám vùng ven thành phố.
Địa điểm trận đánh Bờ Cộ được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: Trọng Hiếu
Địa điểm trận đánh Bờ Cộ được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh vào ngày 17/7/2019 để tưởng nhớ đến công lao của các chiến sĩ hy sinh, nhân dân tử nạn và giáo dục truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Trọng Hiếu
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.