Giá bán SGK lớp 1 mới đắt gấp 4 lần sách cũ
Các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới có giá từ 188.000 đồng đến 200.000 đồng, trong khi bộ sách hiện hành chỉ có giá 54.000 đồng
Tăng phi mã
Theo Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính, SGK thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ phải kê khai giá quy định tại Luật Giá và văn bản hướng dẫn liên quan. Cơ quan tiếp nhận kê khai giá có quyền rà soát nội dung văn bản kê khai giá do tổ chức, cá nhân thực hiện.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các NXB kê khai, hoàn thành công bố giá SGK lớp 1 trước ngày 15-2. Đến giữa tháng 2-2020, các NXB mới kê khai giá gửi cơ quan chức năng. Sau nhiều lần điều chỉnh, đến ngày 16 và 17-3, các NXB tiếp tục kê khai lại giá SGK gửi Cục Quản lý giá và Bộ GD-ĐT. Theo đó, NXB Giáo dục Việt Nam kê khai giá 4 bộ SGK gồm “Kết nối tri thức với cuộc sống”: 188.000 đồng, “Chân trời sáng tạo”: 197.000 đồng; “Cùng học để phát triển năng lực”: 200.000 đồng và bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong trường học”: 189.000 đồng. NXB ĐH Sư phạm Hà Nội và NXB ĐH Sư phạm TP HCM kê khai bộ sách “Cánh diều” giá 215.000 đồng (ngày 23-3 đã điều chỉnh còn 199.000 đồng).
Các bộ SGK lớp 1 mới đều có giá tăng cao với sách cũ
Bộ Tài chính ngày 20-3 đã có văn bản gửi các NXB cho hay các NXB tự quyết định giá đã kê khai, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK đã kê khai.
Nếu tính theo giá bộ SGK lớp 1 hiện hành của NXB Giáo dục Việt Nam sử dụng trong năm học 2019-2020 là 54.000 đồng thì bộ SGK lớp 1 mới do các NXB kê khai đều có giá tăng phi mã. Cụ thể, cuốn Tự nhiên và Xã hội hiện hành giá 6.000 đồng thì cuốn tương tự của bộ “Cánh diều” có giá 28.000 đồng (bằng 466,6% giá hiện hành); Toán 1 (dùng chung cả năm) hiện hành có giá 13.000 đồng thì Toán 1 mới bộ “Cánh diều” có giá 35.000 đồng (bằng 269% giá hiện hành)…
Ngoài SGK môn học bắt buộc, các NXB cũng kê khai giá SGK tiếng Anh (môn học tự chọn) theo chương trình giáo dục phổ thông mới có giá từ 45.000 đến 99.000 đồng/cuốn. Cuốn SGK lớp 1 hiện hành có giá đắt nhất là 14.000 đồng thì cuốn mới kê khai giá cao nhất là 36.000 đồng (bằng 257% giá hiện hành). Cuốn sách hiện hành giá thấp nhất là 3.000 đồng thì cuốn mới giá thấp nhất là 11.000 đồng (bằng 366,6% giá hiện hành).
Giá cao do chi phí cao
NXB Giáo dục Việt Nam lý giải mức giá của 4 bộ SGK mới do đơn vị biên soạn được hình thành từ các yếu tố là: chi phí tổ chức bản thảo; chi phí vật tư, công in; chi phí lưu thông, bán hàng; tích hợp công nghệ 4.0 và nguồn vốn biên soạn SGK. Cụ thể, chương trình giáo dục phổ thông 2018, bộ SGK lớp 1 mới bao gồm 9 hoặc 10 cuốn (SGK Toán, Tiếng Việt gồm 2 tập) sử dụng cho 8 môn học bắt buộc (tiếng Việt, toán, đạo đức, tự nhiên và xã hội, âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất) – nhiều hơn bộ SGK hiện hành từ 3 đến 4 cuốn. Chi phí nhuận bút cao hơn, thêm vào đó, SGK mới lớp 1 được thực hiện in ấn công phu, với khổ sách lớn hơn (19 cm x 26,5 cm).
Ngoài ra, do có nhiều NXB cùng tham gia xuất bản SGK trong môi trường cạnh tranh, vận hành theo cơ chế thị trường sẽ kéo theo chi phí cho các hoạt động triển khai thị trường (marketing) như tổ chức hội thảo giới thiệu sách tại các địa phương; tập huấn giáo viên; in và gửi sách mẫu tới các cơ sở giáo dục; truyền thông, quảng cáo…
Cuối cùng, theo đơn vị này, khác với những lần biên soạn trước đây, việc tổ chức biên soạn, xuất bản SGK mới được thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp và vay ngân hàng. “Giá bán SGK một mặt phải bù đắp các chi phí, mặt khác phải bảo đảm một tỉ lệ lợi nhuận tối thiểu nhằm duy trì việc vận hành, đầu tư tái sản xuất, bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp” – NXB Giáo dục Việt Nam cho hay.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, tại cuộc tọa đàm “Xã hội hóa việc biên soạn SGK – Thuận lợi và thách thức” mới đây ở Hà Nội đã cho rằng giá sách lên 200.000 hay 250.000 đồng/bộ không phải quá cao so với chi tiêu của một gia đình. Học sinh khó khăn từ trước đến nay vẫn có chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Giáo dục Trường ĐH Thành Đông (tỉnh Hải Dương), đề nghị các NXB cần chú ý in ấn sao cho giá cả bảo đảm lợi ích của mình nhưng cần phù hợp với thu nhập bình quân của người dân. Bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – cũng nhấn mạnh cần hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, bên cung cấp SGK và nhu cầu người sử dụng.
Khó khăn cho các địa phương
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, đến ngày 15-3, các địa phương, cơ sở giáo dục bắt đầu tổ chức các hội đồng lựa chọn SGK lớp 1 mới để đưa vào trường học từ năm học 2020-2021. Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Hà Nam Đinh Thị Lụa cho rằng người dân còn khó khăn thì các NXB không nên tăng giá SGK mà càng giữ ổn định càng tốt. Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định Cao Xuân Hùng cũng cho biết vì các NXB chậm đưa ra giá nên địa phương và các cơ sở giáo dục chưa triển khai chọn SGK lớp 1 mới. Theo ông Hùng, trường hợp 2 bộ SGK có chất lượng tương đương thì bộ có giá thấp hơn có nhiều khả năng được chọn hơn.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.