Tiền Giang bàn giải pháp đảm bảo nước ngọt trong vùng dự án Bảo Định
(THTG) Chiều ngày 06-4, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức cuộc họp bàn giải pháp cải thiện độ mặn, đảm bảo nước ngọt vùng dự án Bảo Định, phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân thành phố Mỹ Tho và các huyện Tân Phước, Châu Thành, Chợ Gạo. Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp, cùng dự có ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang.
Quang cảnh buổi họp. Ảnh: Lê Thi
Trước những dự báo về tình hình hạn mặn, trong thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã kịp thời triển khai các giải pháp ngăn mặn và bơm xả, nên nguồn nước trong vùng dự án Bảo Định cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, độ mặn trên sông Tiền vẫn duy trì ở mức cao, đến sáng ngày 05/4; độ mặn đo được tại vườn hoa Lạc Hồng là 6,58g/l; trên kênh Nguyễn Văn Tiếp tại vàm Kênh 12 là 1,49g/l… Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang đã xây dựng 2 phương án để đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ nguồn nước, phục vụ cho khoảng 80.000 hecta đất nông nghiệp, trong đó có trên 11.000 hecta cây ăn trái, gồm: Phương án 1 là cung cấp nước ngọt bằng sà lan và xe tải và phương án 2 là vận hành xổ xả mặn, cải thiện nguồn nước.
Sông Bảo Định luôn giữ một vai trò quan trọng trong cung cấp một phần nước sinh hoạt cho cư dân trong vùng. Ảnh: Lê Thi
Qua so sánh và theo ý kiến của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, 4 địa phương và các đơn vị chuyên môn, phương án 2 được nhiều người để xuất, do tính quả hơn, đồng thời giải quyết kịp thời nguồn nước ngọt cho người dân đang có nhu cầu.
Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Lê Thi
Phát biểu kết luận, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất với ý kiến đề xuất lựa chọn phương án 2, phương án vận hành xổ xả mặn, cải thiện nguồn nước, đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cần nhanh chóng xây dựng mô hình tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, để người dân áp dụng trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn cần thường xuyên quan trắc, thông báo độ mặn hàng ngày, để người dân chủ động lấy nước tưới. Các huyện, thành phố cũng cần chuẩn bị phương án xây dựng trạm bơm, để kịp thời cung cấp nước cho người dân sản xuất…
Mạnh Cường
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.