Vũ Hán “hồi sinh” và “di chứng” của dịch Covid-19
Khoảng 2h sáng 23/1 (tức 29 Tết), Ban chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 thành phố Vũ Hán ra thông báo số 1, tuyên bố “phong thành” – đóng cửa Vũ Hán. 76 ngày sau, vào lúc 0h ngày 8/4/2020, Vũ Hán chính thức dỡ bỏ phong tỏa, khôi phục hoàn toàn giao thông với bên ngoài.
76 ngày là một quãng thời gian không dài trong một đời người và càng ngắn ngủi trong lịch sử phát triển của một thành phố, nhưng với Vũ Hán đó là quãng thời gian giành giật sự sống để thành phố này “hồi sinh” từ kẻ thù mang tên SARS-CoV-2.
Một người dân Vũ Hán lập tức thưởng thức món mỳ trộn nóng quen thuộc sau khi mua được. (Ảnh: Modern Express) |
Mỳ trộn nóng 1 ngày bán 30.000 bát
Nếu như ở Hà Nội được ăn một bát phở vào bữa sáng là mong mỏi và thói quen không thể thiếu của rất nhiều người, thì ở Vũ Hán đó là món mỳ trộn nóng. Đây là một trong những món ăn dân dã, quen thuộc, truyền thống và nổi tiếng nhất của người dân Vũ Hán.
Ngày 23/3 vừa qua, quán Thái Lâm Ký, một chuỗi cửa hàng lâu năm nổi tiếng chuyên bán mỳ trộn nóng và nhiều món ăn truyền thống khác ở Vũ Hán bắt đầu bán hàng online. Đến nay, hơn 30 trong số hơn 80 cửa hàng thuộc chuỗi nhà hàng này đã chính thức mở cửa trở lại với lượng bán hơn 30.000 bát mỗi ngày.
Mặc dù trung bình mỗi cửa hàng mới chỉ bán được khoảng 1.000 suất/ngày, chưa thể so với mức hơn 5.000 bát trong Tuần lễ vàng nhân dịp Quốc khánh Trung Quốc 1/10/2019, nhưng cuộc sống thường nhật được ăn 1 bát mỳ trộn nóng vào bữa sáng tại một quán quen nổi tiếng của người dân Vũ Hán đang dần trở lại.
Chị Lý, một người dân Vũ Hán, tay cầm bát mỳ nóng hổi vừa mua ngồi ngay lề đường và vội, nói: “Hôm nay được ăn bát mỳ, dù là việc rất nhỏ, nhưng tôi thấy tự hào. Vậy là Vũ Hán được vực dậy rồi. Cuộc sống của chúng tôi đã trở lại.”
Sân bay quốc tế Thiên Hà thành phố Vũ Hán xịt khuẩn trước giờ dỡ bỏ phong tỏa. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Phục hồi sản xuất
76, 14, 14 đó là những con số đầy ý nghĩa đối với Vũ Hán. 76 là số ngày Vũ Hán bị phong tỏa, 14 ngày đầu là số ngày được tính từ 11/3, thời điểm Hồ Bắc lần đầu tiên nhắc đến cụm từ “phục công phục sản” (tức quay trở lại làm việc và khôi phục sản xuất), đến ngày 25/3 Hồ Bắc tuyên bố dỡ bỏ kiểm soát giao thông các địa phương trong tỉnh trừ Vũ Hán.
14 ngày tiếp theo là từ thời điểm 25/3 đến ngày 8/4 dỡ bỏ phong tỏa Vũ Hán. Cũng giống như những người bệnh của mình buộc phải cách ly tập trung 14 ngày sau khỏi bệnh và tiếp tục tự cách ly tại nhà 14 ngày nữa, Vũ Hán, thành phố đang dần phục hồi sau khi mang trong mình virus gây đại dịch, cũng phải trải qua 28 ngày cách ly.
Ngày 10/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát Vũ Hán. Chỉ 1 ngày sau đó (11/3), nhà chức trách Trung Quốc thông báo các công ty quan trọng có thể nối lại hoạt động tại thành phố Vũ Hán. Đây là tín hiệu cho thấy dịch bệnh đã được kiểm soát tại đây và đã đến lúc tập trung khôi phục kinh tế.
Ngay sau đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp nhu yếu phẩm hằng ngày, ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh hay dịch vụ công cộng ở Vũ Hán đã nối lại hoạt động và đi vào sản xuất ngay lập tức. Ngoài ra, các công ty ở Vũ Hán có vai trò quan trọng trong “những chuỗi sản xuất toàn cầu” cũng được hoạt động trở lại sau khi được cấp phép. Các công ty khác bắt đầu khôi phục hoạt động sản xuất sau ngày 20/3.
“Việc khôi phục lại công việc và sản xuất tại thành phố Vũ Hán đang diễn ra nhanh chóng và đạt kết quả tốt hơn cả mong đợi”, ông Hồ Á Ba, Phó thị trưởng thường trực thành phố Vũ Hán đã cho biết như vậy trong một cuộc họp báo hôm 5/4 vừa qua.
Ông cho biết, tỉ lệ nối lại công việc của các công ty trong ngành công nghiệp tại thành phố Vũ Hán đã đạt 97,2% tính đến 4/4 và 93,2% các công ty dịch vụ lớn đã hoạt động trở lại.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đưa ra hàng loạt các chính sách hỗ trợ, như hợp tác với các tổ chức tài chính để thành lập quỹ trị giá 20 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,82 tỷ USD), trợ cấp và cắt giảm phí để giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vượt qua giai đoạn khó khăn.
“Dịch bệnh sẽ gây ra những khó khăn nhất thời cho sự phát triển kinh tế xã hội của Vũ Hán trong thời gian ngắn sắp tới, nhưng sẽ không thể thay đổi xu thế tốt lên trong dài hạn và cất cánh khi đủ lực của thành phố”, Phó thị trưởng Hồ Á Ba nói.
Ông Lưu Á Ba, Phó Thị trưởng thường trực thành phố Vũ Hán. (Ảnh: Nhật báo Khoa học Công nghệ Trung Quốc) |
Di chứng và những nỗi lo
Giao thông được coi là huyết mạch của nền kinh tế, chính vì vậy, ngày 25/3, xe buýt nội đô ở Vũ Hán đã chính thức hoạt động trở lại, tàu điện ngầm cũng bắt đầu vận hành vào ngày 28/3. Sân bay, bến xe lửa và tàu cao tốc đã được khử trùng và chỉ đợi thời khắc 0h ngày 8/4.
Vậy phải chăng Vũ Hán đã hoàn toàn “bình phục”?
Giờ đây, các bệnh viện lớn ở Vũ Hán đã dần hoạt động bình thường trở lại. Chỉ riêng từ 12h ngày 29/3 đến 12h ngày 30/3, đã có hơn 24.000 lượt người đến khám.
Để tránh tập trung đông người trong bối cảnh vẫn còn bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, nhiều nơi đã phải yêu cầu bệnh nhân đăng ký trước trên mạng; nếu buộc phải nằm viện, sẽ phải làm xét nghiệm axit nucleic. Một số bệnh viện còn có thêm chức năng tái khám cho các bệnh nhân Covid-19 sau hồi phục, đặc biệt là các bệnh nhân có bệnh nền.
Bệnh viện Trung y tỉnh Hồ Bắc cơ sở Quang Cốc từ ngày 5/3 là nơi đầu tiên trong toàn tỉnh Hồ Bắc có phòng khám sau hồi phục cho bệnh nhân Covid-19. Đây chính là nơi nắm bắt và xử lý những “di chứng” sau khi ra viện của các ca bệnh đã được chữa khỏi.
Chị Dương Kỳ, một người dân Vũ Hán, nhiễm SARS-CoV-2 tầm 27/1, ngày 29/2 chị được xuất viện, đến ngày 15/3 được về nhà sau khi đã cách ly tập trung. Là bệnh nhân dạng nặng trong các trường hợp nhẹ, nhưng dù đã được về nhà sau thời gian dài điều trị và cách ly, chị vẫn có các triệu chứng hụt hơn, thở không đều.
Hay như chị Vương Lệ, 46 tuổi, trong 4 ngày đầu về nhà sau cách ly, chị luôn cảm thấy tức ngực nghiêm trọng, “phải hít thật sâu, oxy mới vào được”, nhưng yêu cầu thở oxy ở viện của chị đã không được chấp nhận vì không đủ tiêu chuẩn.
Bác sỹ Tiêu Minh Trung, Phó khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Trung y tỉnh Hồ Bắc, người phụ trách phòng khám sau hồi phục cho biết, những ngày đầu, phòng khám chỉ tiếp nhận tối đa 30 bệnh nhân, giờ đã tăng dần lên và đến nay đã có 1000 người đến khám.
Có người sau khi khỏi bệnh vẫn có các triệu chứng, như ho, tức ngực, hụt hơn, ra mồ hôi, mất ngủ…; có những người phổi chưa phục hồi hoàn toàn, có biểu hiện xơ; cũng có người khám lại sau 14 và 28 ngày cách ly. Mỗi loại bệnh nhân trên chiếm khoảng 1/3.
Trong quá trình khám bệnh, bác sỹ Tiêu Minh Trung cũng phát hiện, ngoài những tổn thương gây ra cho tim, gan, thận, thì lượng đường trong máu của người bệnh cũng bị ảnh hưởng. Có 1 bệnh nhân tầm 70 tuổi mà ông từng khám, không chỉ viêm phổi vẫn còn khoảng 10%-20% và có xơ, mà mỗi lần ăn cơm xong chỉ số đường huyết của người bệnh cao hơn hẳn trước đó.
Có những bệnh nhân thay vì dùng 1, 2 loại thuốc như trước đây, này phải dùng tới 3,4 loại, nhưng chỉ số vẫn không hạ. Là một bác sỹ nhưng ông không thể lý giải nguyên lý của những hiện tượng này. Theo bác sỹ Trung, “đây là một căn bệnh hoàn toàn mới, việc nó ảnh hưởng ra sao tới cơ thể người bệnh, vẫn cần theo dõi một thời gian dài nữa”.
Bên cạnh đó, những trở ngại về tâm lý cũng đang là rào cản với không ít các y bác sỹ và những bệnh nhân Covid-19 ở Vũ Hán. Đã có khoảng 300 bác sỹ tâm lý ở tỉnh khác được đưa đến Vũ Hán.
Bác sỹ Ngũ Nghị, Giám đốc Trung tâm Y tế Thần kinh thành phố Thượng Hải là một trong số đó. Ông chia sẻ, vào thời kỳ đen tối nhất, đối mặt với những dòng người ùn ùn đổ về khám bệnh, các nhân viên y tế đã phải chịu những áp lực vô cùng lớn, trong khi vật tư phòng hộ thiếu thốn buộc họ phải làm việc thời gian dài.
Cộng thêm mỗi ngày chứng kiến hàng loạt người bệnh ra đi, có những người họ vừa mới bón cơm trước đó không lâu, làm các y bác sỹ ở đây kiệt quệ về tinh thần. Những y tá trẻ là những người phải chịu đựng các vấn đề về tâm lý nhiều nhất và hơn ai hết họ rất có nhu cầu về trị liệu tâm lý.
Sau y bác sỹ, giờ tới những bệnh nhân hồi phục. Bác sỹ Ngũ Nghị kể, từng có một bệnh nhân nặng hơn 70 tuổi tìm đến ông. Cụ ông này đã mất vợ từ 8, 9 năm nay, hiện đang ở cùng con gái cả. Lúc mắc bệnh, để tránh lây nhiễm, ông không được người nhà chăm sóc.
Đã có lúc nghĩ quẩn, cụ sợ các con không còn quan tâm mình nữa, chúng đang xa lánh, thậm chí bỏ rơi mình. Còn có những bệnh nhân luôn cho rằng trong người mình có virus nên đặc biệt quan tâm đến những hành vi dù rất nhỏ của hàng xóm, người quen khi có ai đó có ý né tránh mình.
Đó là đối với những người bệnh, còn với chính Vũ Hán, dỡ bỏ phong tỏa không đồng nghĩa với thành phố này đã “hồi phục” hoàn toàn. Ông Vương Trung Lâm, Bí thư thành ủy Vũ Hán cho rằng, Vũ Hán đang được “khởi động lại” sau 76 ngày phong tỏa, đây là sự kiện “mang ý nghĩa cột mốc” trong công tác phòng chống dịch của cả nước Trung Quốc, là niềm mong mỏi của người dân nơi đây, nhưng cũng là “thử thách” mới đối với Vũ Hán.
Phố đi bộ nổi tiếng Vũ Hán những ngày đầu tháng 4. (Ảnh: The Paper) |
Trước thời điểm ngày 8/4 không lâu, một thông báo về việc thiết lập cơ chế lâu dài trong phòng chống dịch và làm tốt công tác quản lý các khu dân cư đã được Vũ Hán đưa ra. Theo đó, thành phố này có thể tiến hành những “điều chỉnh thích hợp” đối với các tòa nhà và khu dân cư bị cách ly do dịch, nhưng vẫn phải đảm bảo phù hợp với những tiêu chuẩn và yêu cầu quản lý khép kín.
Người dân ra vào tại đây vẫn phải khai báo thông tin cá nhân, đo thân nhiệt và đeo khẩu trang, đồng thời được khuyến cáo hạn chế tối đa ra ngoài khi không cần thiết, nhằm chặn đứng nguồn lây nhiễm dịch bệnh. Điều đó đồng nghĩa với việc đi lại của các cư dân Vũ Hán vẫn sẽ bị quản lý chặt chẽ sau khi dỡ bỏ phong tỏa.
Nỗi lo bùng phát dịch lần 2 sau ngày 8/4 vẫn đang đè nặng lên vai lãnh đạo Vũ Hán. Nơi khởi phát đại dịch Covid-19 toàn cầu này vẫn cần đi tiếp một quãng đường dài nữa mới có thể thực sự “bình phục” sau cơn bạo bệnh./.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.