Tổng kết công tác phòng, chống hạn mặn vùng phía Đông tỉnh Tiền Giang
(THTG) Chiều ngày 21-4, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống hạn, mặn vùng phía Đông của tỉnh. Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì hội nghị.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, diễn biến tình hình xâm nhập mặn năm 2020 rất phức tạp, độ mặn tăng cao đột biến, sớm và vượt qua độ mặn lịch sử năm 2016, lấn sâu vào nội đồng, ảnh hưởng đến tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở dự báo của cơ quan chuyên môn, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ NN&PTNT, tỉnh Tiền Giang đã chủ động, quyết tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với hạn, mặn.
Hạn và xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng nghiêm đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Ảnh: Minh Trung
Đối với công tác đảm bảo nước sản xuất, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức 9 điểm bơm ở các tuyến kênh chính. Các địa phương đã nạo vét 119 tuyến kênh bị cạn; tổ chức bơm chuyền tại 439 điểm, số giờ bơm được 284.460 giờ… Qua đó, tỉnh đã bảo vệ thành công và thu hoạch 24.477 hecta lúa đông xuân 2019-2020. Đối với cây ăn trái, để bảo vệ khoảng 2.222 hecta cây ăn trái bị thiếu nước tưới trong vùng ngọt hóa Gò Công, UBND tỉnh đã thực hiện vận chuyển nước ngọt cứu khẩn cấp cây ăn trái. Đến ngày 20-4, các địa phương đã phân phối 59.643 m3 cho 1.569 hộ dân.
Đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành. Ảnh: Trọng Hiếu
Đối với nước sinh hoạt, nhờ chủ động đắp đập trên kinh Nguyễn Tấn Thành và 9 đập phụ giữ ngọt khác, nên tỉnh đã bảo vệ được nguồn nước ngọt cung cấp cho hơn 800.000 dân của huyện Châu Thành, TP. Mỹ Tho và các huyện, thị phía Đông của tỉnh. Song song đó, tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo nguồn nước thô để sản xuất nước sinh hoạt phục vụ người dân, đồng thời mở 168 vòi nước công cộng, cấp nước miễn phí cho các hộ dân ở ven biển, ven sông chưa có nước từ các trạm cấp nước tập trung từ ngày 15-01 và mở 50 điểm lấy nước qua bồn chứa nước tại các vị trí thiếu nước.
Nông dân Gò Công Tây thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: Nguyễn Quyền
Về thiệt hại, qua thống kê, diện tích lúa bị thiệt hại tại TX. Gò Công là 736,069 hecta, trong đó thiệt hại trên 70% là 275,888 hecra; thiệt hại từ 30 đến 70% là 460,181 hecta. Tại huyện Gò Công Tây có 2.467,662 hecta lúa bị thiệt hại, trong đó thiệt hại trên 70% là 887,2959 hecta; thiệt hại từ 30 đến 70% là 1.580,366 hecta. Riêng huyện Chợ Gạo và Gò Công Đông đang điều tra số liệu thiệt hại.
Trước những thiệt hại do hạn mặn gây ra, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã đề xuất hỗ trợ thiệt hại để người dân khôi phục lại sản xuất, trong đó sẽ hỗ trợ đối với số diện tích gieo sạ đúng lịch thời vụ và không hỗ trợ những diện tích gieo sạ sau ngày 15/12/2019.
Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Nguyên
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng: mặc dù tình hình hạn, mặn năm nay khốc liệt hơn nhiều năm, nhưng đến thời điểm này, tỉnh đã hạn chế được thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Kết quả này thể hiện sự quyết tâm của tỉnh, của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện và sự đồng lòng của người dân. Đối với sản xuất, ông đề nghị các địa phương khảo sát lại hệ thống kênh, mương và có phương án xử lý các điểm sạt lở. Ông Phạm Anh Tuấn cũng yêu cầu các địa phương cương quyết thực hiện đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông của tỉnh, nhất là Sở NN&PTNT và các địa phương cần có định hướng cho người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp; làm sao để việc chuyển đổi không làm giảm thu nhập của nhân dân.
Hồng Tuyến
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.