Xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế giảm dần từ tháng 5
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam lưu ý, ở vùng thượng ĐBSCL gồm tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ, nguồn nước đang được cải thiện; do đó các địa phương cần tận dụng để bơm tát ở các vị trí xa kênh trục. Đối với vùng giữa ĐBSCL bao gồm một phần thuộc TP Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh…, nguồn nước ngọt có khả năng xuất hiện ở các cửa sông khi chân triều thấp; sông Cổ Chiên 30-40km, sông Hậu 30-40km, sông Vàm Cỏ 90-110km, sông Cái Lớn 55-60km; các sông Hàm Luông, cửa Đại và cửa Tiểu tận dụng thời điểm lấy nước vào kỳ triều thấp. Riêng vùng ven biển ĐBSCL cần duy trì các biện pháp phòng chống hạn mặn và cấp nước sinh hoạt; chủ động tích nước vào các thời điểm xuất hiện ngọt khi triều thấp.
Ngoài ra, các địa phương ĐBSCL tiếp tục theo dõi, vận hành hệ thống công trình hợp lý, kiểm soát mặn thường xuyên, các cửa lấy nước, đảm bảo tích trữ nước và có kế hoạch sản xuất phù hợp với diễn biến nguồn nước…
Theo Bộ NN-PTNT, những ngày qua các tỉnh ĐBSCL tập trung xuống giống hơn 1,5 triệu ha lúa hè thu, với mục tiêu đạt sản lượng hơn 8,7 triệu tấn nhằm phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Do đó, các địa phương cần tận dụng nước mặn giảm để đẩy nhanh việc gieo sạ khoảng 474.000 ha lúa hè thu trong tháng 5-2020; riêng một số ít diện tích còn lại ở ven biển sẽ xuống giống dứt điểm trong tháng 6.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.