Covid-19 đe dọa gây bất ổn xã hội ở Trung Quốc với nạn thất nghiệp

Dịch Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào kinh tế Trung Quốc, gây ra mức thất nghiệp kỷ lục từ đó đe dọa gây ra bất ổn chính trị và xã hội ở đây.

Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, thị trường lao động của Trung Quốc đối mặt với áp lực trên nhiều mặt trận trong bối cảnh nền kinh tế nước này vật lộn với dịch bệnh Covid-19.

Cú đánh tàn khốc của dịch Covid-19 và hậu quả dài lâu

Thành tựu tiến bộ xã hội ở Trung Quốc sau nhiều năm thực hiện giờ có nguy cơ tan thành mây khói khi nước này phải vật lộn với hậu quả của đại dịch Covid-19. Đại họa này đã giáng mạnh vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và gây ra mức độ thất nghiệp cao kỷ lục.

covid-19 de doa gay bat on xa hoi o trung quoc voi nan that nghiep hinh 1
Hình ảnh minh họa về tình trạng thất nghiệp nặng nề do Covid-19 gây ra ở Trung Quốc. Tranh: Brian Wang.

Trong vài năm qua, mức độ ổn định của thị trường lao động Trung Quốc là do sự gia tăng công việc trong khu vực dịch vụ, khiến nhiều công nhân nhà máy mới bị sa thải có thể chuyển sang làm công việc mới như lái xe giao hàng hay kiểm kê ở kho bãi.

Nhưng đại dịch Covid-19 đã phá tan mô hình tốt đẹp mới này, khiến giới chức Trung Quốc không khỏi lo lắng về tình trạng thất nghiệp diện rộng và nguy cơ bất ổn chính trị và xã hội.

Trên khắp đất nước Trung Quốc không khó để bắt gặp cảnh tượng đóng cửa các cửa hàng, nhà hàng gần các trường đại học do sinh viên vẫn chưa quay trở lại trường lớp. Tại một số trung tâm sản xuất, công nhân di cư vẫn đang đợi nhà máy mở cửa trở lại. Thời hạn nối lại hoạt động sản xuất cứ kéo dài mãi do nhu cầu trên thế giới suy giảm.

Dù Trung Quốc đã tái khởi động các động lực kinh tế của mình sau nhiều tháng phong tỏa phòng chống dịch bệnh, một số khu vực của nền kinh tế nước này vẫn gặp phải khó khăn trong việc phục hồi.

Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, thị trường lao động Trung Quốc đối mặt với áp lực trên nhiều mặt trận. Nền kinh tế nước này trong quý 1 năm 2020 đã bị suy giảm lần đầu tiên trong hơn 40 năm qua.

Khi thị trường việc làm của Trung Quốc bị thu hẹp thì các mục tiêu phát triển xã hội của nước này, bao gồm việc tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người trong một thập kỷ qua cho tới nay (2020) và việc xóa đói giảm nghèo trở nên khó khăn hơn nhiều.

Ouyang Jun và Qin Fang – hai nhà kinh tế thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam ở Thành Đô (Trung Quốc), trong một bài báo đăng tải vào cuối tháng 4/2020 viết như sau: “Do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, áp lực giội xuống nền kinh tế Trung Quốc đã gia tăng đáng kể và tình hình việc làm tiếp tục xấu đi… Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiệm vụ ổn định thị trường việc làm vốn đã khó khăn lại càng trở nên phức tạp và khó quản lý”.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt kỷ lục

Trung Quốc về mặt lịch sử không xác định tỷ lệ thất nghiệp đối với những người tự kinh doanh và các công nhân di cư. Trung Quốc có 149 triệu người tự làm chủ và 174 triệu người đi làm thuê ở xa – những người thường từ nông thôn ra thành thị tìm việc làm.

Trước năm 2018, Bắc Kinh xuất bản các dữ liệu về số lượng người lao động ở thành thị đăng ký với chính quyền khi bị mất việc. Dữ liệu của giới chức địa phương loại trừ nhóm lao động nhập cư không sinh ra trong đô thị và do đó không được hưởng các phúc lợi xã hội tại đó. Để được tính là thất nghiệp, các đối tượng phải trong độ tuổi từ 16 đến 59.

Dữ liệu này được tách khỏi thực tế thị trường lao động tổng quát, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, khi hơn 20 triệu lao động nhập cư bị thất nghiệp nhưng tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc vẫn gần như không thay đổi.

Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã sử dụng tỷ lệ thất nghiệp dựa trên điều tra hàng tháng làm chỉ dấu chính của mình. Dữ liệu tính đến tất cả các cư dân thường xuyên ở đô thị và không tính giới hạn tuổi phía trên.

Nhưng để được coi là thất nghiệp, một người lao động cần phải tích cực tìm kiếm việc làm trong 3 tháng và có khả năng bắt đầu công việc trong vòng 2 tuần – điều kiện này không phù hợp với hầu hết lao động nhập cư.

Dựa trên điều tra xã hội thì tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc đã tăng từ 5,2% vào tháng 12/2019 lên mức cao kỷ lục là 6,2% vào tháng 2/2020 khi đại dịch Covid-19 là nặng nề nhất ở Trung Quốc, trước khi giảm xuống mức 5,9% vào tháng 3, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Cùng thời điểm trên, tổng lượng việc làm ở đô thị trong tháng 3 rớt 6% so với ngày 1/1/2020, tương đương với khoảng 26 triệu việc làm bị mất.

Qu Hongbin, kinh tế trưởng về Trung Quốc của HSBC viết: “Điều này tương phản với mức tăng ròng 8,3 triệu việc làm ở thành phố trong năm 2019 và là mức sụt giảm đầu tiên về việc làm đô thị trong hơn 4 thập kỷ”.

Khoảng 18,3% lực lượng lao động bị chấm dứt tuyển dụng, bị cắt giảm lương hoặc bị cho nghỉ không lương trong quý 1 năm 2020, vẫn theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Nếu tình hình kinh tế tại Trung Quốc còn yếu thì nhiều vị trí việc làm sẽ tiếp tục chịu áp lực trong thời gian tới.

Gói cứu trợ “không ăn thua”

Trung Quốc đã công bố gọi hỗ trợ phúc lợi “khiêm tốn” nhằm giúp đỡ các công dân dễ bị tổn thương nhất, bao gồm công nhân nhập cư nhưng gói này hạn chế về quy mô và không thể bao quát số lượng lớn người lao động chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.

Qu cho biết: “Không giống các nền kinh tế khác, Trung Quốc đại lục chưa thực thi kế hoạch bảo hộ lương trên diện rộng… như ở Anh, Singapore, hay Hong Kong, mà theo đó giới chủ được yêu cầu duy trì số nhân viên và chi trả lương cho họ. Tức là hầu hết công nhân bị cho thôi việc ở Trung Quốc đại lục không còn nguồn thu nhập”.

Phần lớn những người bị bỏ rơi là các công nhân nhập cư – những người này không thể quay trở lại làm việc ở đô thị do các lệnh hạn chế đi lại, và các đối tượng tự kinh doanh cá thể – chiếm tới 30% lực lượng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Chỉ có 123 triệu người lao động di cư từ nông thôn là có khả năng quay trở lại công việc cũ ở đô thị trong quý đầu năm 2020, tức là giảm khoảng 20% so với năm 2019.

Như vậy hơn 50 triệu lao động di cư bị kẹt lại ở nông thôn sau khi về quê ăn Tết Nguyên Đán hồi tháng 1/2020.

Trong số này, một số người chọn công việc nông nghiệp với thu nhập thấp ở nhà, trong khi hơn một nửa công nhân di cư được tuyển dụng làm trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng, bán lẻ, bán sỉ – toàn những ngành nghề tập trung ở khu vực đô thị.

Trong khi đó, 149 triệu người tự kinh doanh đơn lẻ, từ chủ các cửa hàng hoa quả rau củ gia đình tới các hàng bán đồ gia dụng, cũng bị giảm thu nhập trung bình là 7,3% trong quý một, riêng ở khu vực đô thị con số này là 12,6%, theo cơ quan thống kê Trung Quốc.

Do tác động sâu rộng của virus corona lên nền kinh tế Trung Quốc, khả năng người lao động chuyển từ công việc sản xuất sang các vị trí mới trong khu vực dịch vụ đang ngày càng trở nên khó khăn.

Tình cảnh thê thảm trong ngành du lịch, lưu trú và ăn uống

Các ngành dịch vụ chủ chốt như du lịch và lưu trú đang chịu áp lực lớn.

Theo một khảo sát của Hiệp hội Lưu trú Trung Quốc, doanh thu du lịch nội địa đã giảm 60% trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động vào đầu tháng 5 so với một năm trước đó, còn doanh thu các nhà hàng giảm tới một nửa.

Nhiều doanh nghiệp ăn uống bắt đầu cung cấp dịch vụ “ship” hàng để bù lại thiệt hại do thiếu khách đến ăn trực tiếp nhưng hơn 45% đơn vị kinh doanh cho biết các đơn hàng vào tháng 4 vừa qua là thấp hơn cả hồi tháng 2, cho thấy mức chi tiêu của thực khách đang phục hồi chậm chạp.

Nhìn tổng thể, doanh thu các nhà hàng chỉ mới hồi phục lên mức khoảng 60% cấp độ trước đại dịch Covid-19, theo dữ liệu của Hualala – một hệ thống đặt hàng mà nhiều nhà hàng Trung Quốc sử dụng. Theo điều tra của Hiệp hội Lưu trú Trung Quốc, hơn 1/3 chủ nhà hàng đã đóng một số cơ sở của họ và 40% chủ nhà hàng buộc phải sa thải nhân viên.

Một cuộc khảo sát riêng rẽ của Hiệp hội Lưu trú Trung Quốc vào tháng 4/2020 đối với 300 khách sạn cho thấy 1/4 số khách sạn này đã cắt giảm ít nhất 20% nhân viên, khiến tổng đầu người bị giảm 18% so với năm 2019.

Yao Wei, kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng Pháp Societe Generale nói: “Vẫn cần phải xem xem người tiêu dùng Trung Quốc sẽ thích ứng thế nào với trạng thái “bình thường mới” này và sự phục hồi sau cú sốc xuất khẩu sẽ nhanh ở mức nào”.

Yao Wei nói tiếp: “Nếu xuất khẩu không phục hồi được trong nửa đầu năm nay (2020) và người tiêu dùng tiếp tục cảnh giác cao về việc đến các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ và các điểm du lịch, thì tổng số người thất nghiệp có thể cao hơn nhiều, ở mức khoảng 30 triệu người vào cuối năm nay”.

Theo một nghiên cứu do Bộ Thương mại Trung Quốc xuất bản vào năm 2019, gần 112 triệu người được tuyển trực tiếp hoặc gián tiếp trong các chuỗi cung ứng phục vụ xuất khẩu.

Larry Hu, kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie Group, ước tính tỷ lệ thất nghiệp có thể vọt lên mức 9,4% vào cuối năm nay.

Tình hình thất nghiệp ở Trung Quốc sẽ nặng nề thêm khi năm nay nước này sẽ có 8,7 triệu sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng./.

Nguồn vov.vn