Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch: Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Theo Chính phủ, Việt Nam có đường biên giới đất liền khoảng 5.036,471 km, bờ biển dài 3.260 km với 44 tỉnh, thành phố có biên giới quốc gia (BGQG), gồm: 239 huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh với 1.109 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới (KVBG).
Biên giới đất liền tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia, gồm: 25 tỉnh, 103 huyện, thị xã biên giới với 435 xã, phường, thị trấn. Có 203 cửa khẩu biên giới đất liền và cửa khẩu cảng; trong đó có 25 cửa khẩu quốc tế, 24 cửa khẩu chính, 68 cửa khẩu phụ, 34 cửa khẩu cảng, 2 cảng nội địa, 282 bến cảng, 14 cảng dầu khí ngoài khơi.
Tuyến biển, đảo với 28 tỉnh, thành phố ven biển (136 huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh với 675 xã, phường, thị trấn KVBG biển); có 189 cảng biển, 15 khu kinh tế ven biển. Vùng biển Việt Nam rộng trên 1 triệu km2 (vùng nội thủy, lãnh hải chiếm 37%).
Dân cư KVBG khoảng 2,3 triệu hộ/9,5 triệu khẩu, gồm 51 dân tộc, 6 tôn giáo khác nhau (nhân dân KVBG đất liền chủ yếu là dân tộc thiểu số, có mối quan hệ thân tộc, dòng họ lâu đời hai bên biên giới); đời sống nhân dân KVBG còn nhiều khó khăn: Có 256.528 hộ nghèo (chiếm 11%); 164.944 hộ cận nghèo (chiếm 7,07%); 5.833 hộ đói (chiếm 0,25%).
Hiện nay, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển là xu thế chung, tuy nhiên tình hình chính trị – an ninh thế giới và khu vực đang diễn biến khá phức tạp, khó lường, nhất là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai… Sự điều chỉnh chiến lược, can dự, chi phối, cạnh tranh, phân chia lợi ích, củng cố quyền lực của các nước lớn đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương làm cho môi trường an ninh, chính trị ngày càng phức tạp. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam; vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm ma túy và các loại tội phạm có tính chất xuyên biên giới, di cư tự do diễn biến phức tạp….
“Tình hình trên đặt ra nhiều yêu cầu đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển và tư duy mới về hoạt động biên phòng để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”- Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói.
Trình bày lí do cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ra đời cách đây hơn 20 năm trong điều kiện, bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác với hiện nay.
Bên cạnh đó, thực tiễn hơn 60 năm qua, Bộ đội Biên phòng đã và đang áp dụng có hiệu quả các hình thức, biện pháp công tác biên phòng nhưng chưa được luật hóa; việc tổ chức xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia chưa được quy định cụ thể nên thiếu cơ sở pháp lý để các cơ quan, lực lượng chức năng và Bộ đội Biên phòng trong thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới.
“Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đang đặt ra cần thiết phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết; đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới”- đại tướng Ngô Xuân Lịch nêu.
Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam gồm 7 chương, 33 điều. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật là xác định rõ nhiệm vụ biên phòng; (Luật hóa quy định về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP; Chuẩn hóa, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.