Hai cuộc khủng hoảng của Mỹ

Cuối cùng thì Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải thông báo sẵn sàng triển khai quân đội tới TP Minneapolis, bang Minnesota, trong bối cảnh nhiều TP và bang của Mỹ đang chìm trong biểu tình và bạo động sau vụ việc một viên cảnh sát địa phương gây ra cái chết của George Floyd, một người Mỹ gốc Phi, trong tuần rồi.

Lực lượng Vệ binh Quốc gia trên đường phố bang Minnesota

Lực lượng Vệ binh Quốc gia trên đường phố bang Minnesota

Giới nghiêm hàng loạt

Minneapolis đã trải qua đêm biểu tình thứ 5 trong phong trào phản đối cái mà những người tham gia gọi là sự đối xử sai trái có hệ thống của lực lượng hành pháp. Thống đốc bang Minnesota Tim Walz đã điều động thêm Vệ binh Quốc gia hôm 30-5 và cảnh báo sẽ trấn áp những người tham gia bạo động. Động thái trên sẽ chuyển các quân nhân từ xung quanh Minneapolis sang trạng thái sẵn sàng cơ động để triển khai đến TP này nếu Thống đốc bang Minnesota quyết định sử dụng các lực lượng này. Bên cạnh 700 binh sĩ của lực lượng Vệ binh Quốc gia đã có mặt trong thành phố, 1.000 binh sĩ khác cũng sẽ có mặt tại Minneapolis. Ông Walz nhấn mạnh đó là “một hành động chưa từng được thực hiện trong lịch sử 164 năm của lực lượng Vệ binh Quốc gia Minnesota”, đồng thời cho biết các TP Minneapolis và St. Paul đang bị tấn công.

Trong bối cảnh bạo loạn đang lan ra hàng loạt TP và dường như tất cả các nguồn lực thực thi pháp luật và phản ứng khẩn cấp tiểu bang và TP đều tập trung vào việc giải quyết các cuộc biểu tình, hàng loạt TP như Los Angeles, Atlanta, Seattle, Portland, Denver, Cleveland, Columbus, Pittsburgh và Philadelphia đã ban hành lệnh giới nghiêm vào ban đêm để kiểm soát tình hình.

Bạo loạn đè lên nỗ lực chống dịch Covid-19

Các cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra những ngày qua đang khiến giới chức địa phương quan ngại sâu sắc và châm ngòi cho nỗi sợ hãi rằng đám đông khổng lồ sẽ lan truyền mầm bệnh Covid-19, làm bùng lên một làn sóng lây nhiễm tiếp theo. Mỹ đang là vùng dịch lớn nhất toàn cầu với hơn 1,7 triệu ca bệnh và trên 103.000 người chết. Ngay tại tâm cuộc khủng hoảng sắc tộc, Thống đốc Minnesota Tim Walz đã cảnh báo nguy cơ các bệnh viện tại bang bị quá tải trong bối cảnh họ đã có 1.000 ca tử vong vào lúc này.

Hàng loạt vụ bạo lực của cảnh sát da trắng nhằm vào người da màu đã làm chao đảo nước Mỹ vài năm trở lại đây, từng dẫn đến làn sóng biểu tình lớn chống phân biệt chủng tộc trên quy mô toàn nước Mỹ. Cuộc khủng hoảng sắc tộc lần này bùng phát trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang khởi động lại chiến dịch tranh cử.

Trong một nỗ lực mới nhất nhằm tiếp cận cử tri da màu, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ra mắt liên minh người Mỹ gốc Á – Thái Bình Dương. Chiến dịch đã thúc đẩy kế hoạch có tên “Người Mỹ gốc Á – Thái Bình Dương ủng hộ Tổng thống Donald Trump”, với mục đích tìm cách gia tăng sức hấp dẫn đối với các cử tri người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương (AAPI) trước cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 11-2020.

Các cố vấn của tổng thống Mỹ hy vọng rằng những lợi ích giữa các cử tri AAPI và các vấn đề về nhân khẩu học khác có thể làm thay đổi kết quả ủng hộ ở các bang chủ chốt trên toàn quốc. Chiến dịch được triển khai để gia tăng tiếp cận và thu hút sự chú ý của các cử tri AAPI về các nỗ lực kinh tế của Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Trong khi cường quốc hàng đầu thế giới phải đương đầu với 2 cuộc khủng hoảng kép, trên khắp nước Mỹ, người biểu tình nhắc nhau câu nói nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ” của mục sư người Mỹ gốc Phi Martin Luther King trong bài diễn văn bất hủ tại Đài tưởng niệm Lincoln ngày 28-8-1963.

Nguồn SGGP