Mời bạn đọc đóng góp ý kiến Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang Khóa X

Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang Khóa X tại Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh

(Dự thảo lần thứ 4 – Bản tóm tắt)

CHỦ ĐỀ ĐẠI HỘI:

1 – Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đổi mới, sáng tạo; nâng cao niềm tin trong Nhân dân; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

2 – Xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện; nâng cao niềm tin của Nhân dân; đổi mới, sáng tạo; đảm bảo quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

3 – Xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện; đổi mới, sáng tạo; nâng cao niềm tin của Nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, xã hội; phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách.

Phần thứ nhất: KẾT QUẢ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI X CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH TIỀN GIANG NHIỆM KỲ 2015-2020

A – PHẦN MỞ ĐẦU

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X và các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của Tỉnh ủy tuy có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, nhưng với sự đoàn kết thống nhất và quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy, cùng với sự quyết liệt trong điều hành của các cấp chính quyền và sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể; sự nỗ lực phấn đấu của từng tổ chức, của các doanh nghiệp, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các ban, bộ, ngành Trung ương và sự đồng tình, ủng hộ của các đồng chí lão thành cách mạng, của Nhân dân nên hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội thực hiện đạt và vượt so với Nghị quyết đại hội đề ra,…

B – KẾT QUẢ LÃNH ĐẠO TRÊN CÁC LĨNH VỰC

I – PHÁT TRIỂN KINH TẾ:

– Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân đạt 7,3%/năm (Nghị quyết 8,5 – 9,5%). GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 58,6 triệu đồng, tương đương 2.488 USD (Nghị quyết 66,3 – 69,3 triệu đồng, tương đương 2.606 – 2.727 USD). Cơ cấu kinh tế năm 2020: Khu vực nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 37,1% (Nghị quyết 31,3% – 32,7%); khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 27,8% (Nghị quyết 32,3 – 33,6%); khu vực dịch vụ chiếm 35,1% (Nghị quyết 34,9 – 35,1%).  Đến năm 2020, diện tích cây ăn trái của tỉnh trên 80 nghìn ha, (tăng 10,5 nghìn ha). Giai đoạn 2016 – 2020 có 108 xã nông thôn mới, là tỉnh có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; có 2 huyện nông thôn mới và 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

– Đến nay, tỉnh có 4 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 71% diện tích. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đến năm 2020 đạt 68 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 9,3%/năm. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, tăng bình quân 11,13%/năm (Nghị quyết 3,4 tỷ USD); kim ngạch nhập khẩu đạt 02 tỷ USD, tăng bình quân là 12,4%/năm (Nghị quyết 2 tỷ USD). Đến năm 2020, đón trên 2,2 triệu lượt khách du lịch. Mật độ điện thoại cố định bình quân đạt 4,52 thuê bao/100 dân; điện thoại di động bình quân đạt 108 thuê bao/100 dân và Internet bình quân đạt 71,3 thuê bao/100 dân.

– Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng nhanh, giai đoạn 2016 – 2020 đạt trên 169,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,2% so tổng GRDP của tỉnh (Nghị quyết 169.790 188.300 tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2016 – 2020 là 3.340 doanh nghiệp, tổng số doanh nghiệp hoạt động là 5.664 doanh nghiệp (vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2020 có 5 ngàn doanh nghiệp), trong đó có 90 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

– Toàn tỉnh có 200 hợp tác xã đang hoạt động và 125/143 xã có hợp tác xã.  Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt 11.665 tỷ đồng (Nghị quyết 9.116 tỷ đồng); giai đoạn 2016 – 2020 là 45.799,2 tỷ đồng (Nghị quyết 36.875 tỷ đồng); tăng bình quân 15,9%/năm (Nghị quyết 11,1%/năm). Tổng chi ngân sách địa phương năm 2020 đạt 13.761,6 tỷ đồng (Nghị quyết 13 nghìn tỷ đồng); giai đoạn 2016 – 2020 đạt 64.983 tỷ đồng (Nghị quyết 58.114 tỷ đồng), tăng bình quân 7,3%/năm, trong đó chi đầu tư phát triển 20.272,8 tỷ đồng (Nghị quyết 17.050 tỷ đồng). Tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn tỉnh đạt 100%,  đảm bảo tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tại đô thị đạt 99%;  tỷ lệ dân số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó có trên 90% sử dụng từ hệ thống cấp nước tập trung, 80% dân số nông thôn sử dụng nước đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.

II – PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Đến năm 2020, số người tập thể dục, thể thao thường xuyên đạt 35% dân số. Hệ thống mạng lưới trường học từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông được đầu tư xây dựng rộng khắp các địa bàn xã, phường, thị trấn đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Các trường đại học, cao đẳng và trung cấp thường xuyên triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm theo đúng kế hoạch. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ từng bước được đổi mới,…

III – CHÍNH SÁCH XÃ HỘI, LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG:

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là 51%, đã kéo giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%; hàng năm tạo việc làm trên 20 nghìn người, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn tiếp cận đa chiều được kéo giảm xuống còn 2,51%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra dưới 3%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90% và 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia y tế xã; tỷ lệ xử lý nước thải y tế đạt 100% .

IV – QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU:

Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất được triển khai thực hiện đúng quy hoạch sử dụng đất và đúng quy định của Nhà nước. Công tác quản lý tài nguyên nước, khoáng sản từng bước đi vào nền nếp. Các chỉ tiêu về môi trường, nhất là tập trung giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, thị trấn, thị tứ và ở các vùng nông thôn đã cơ bản thực hiện đạt.

V – CÔNG TÁC NỘI CHÍNH, CẢI CÁCH TƯ PHÁP:

Các cơ quan tư pháp tích cực, chủ động và nâng cao hiệu quả phối hợp với các cấp, các ngành trong công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm, kịp thời phát hiện, đưa ra xử lý nhanh các vụ án trọng điểm, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm. Đã phát hiện và khởi tố, xử lý 5.301 vụ, 3.975 bị can, đạt 75%. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt kết quả cao, đã tiếp 25.928 lượt với 28.838 người, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đạt 97,1% (752/774). Trong nhiệm kỳ đã phát hiện, khởi tố xử lý 11 vụ/13 bị can tham nhũng.

VI – QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỐI NGOẠI:

Lực lượng vũ trang được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ thực hiện đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, đúng luật, chỉ tiêu hàng năm đạt 100%. Công tác huấn luyện cho các đối tượng đảm bảo quân số, đủ thời gian, nội dung, bám sát phương châm“Cơ bản, thiết thực, vững chắc” và yêu cầu nhanh, mạnh, chính xác. Hoàn thành tốt chỉ tiêu diễn tập hàng năm và diễn tập nhiệm kỳ 2015 – 2020. Công tác biên phòng được củng cố và tăng cường; thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát, quản lý chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên khu vực biên giới biển của tỉnh. Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được phát huy, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy đạt kết quả tốt, có mặt được kiềm chế, kéo giảm, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân. Lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng hiệp đồng chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và nhiệm vụ quốc phòng; phối hợp tổ chức tốt diễn tập khu vực phòng thủ, ứng phó biến đổi khí hậu, tìm kiếm cứu nạn,..Thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại, quan hệ ngoại giao, hợp tác với địa phương các nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi để hợp tác cùng phát triển.

VII – XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN, PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ CÁC ĐOÀN THỂ NHÂN DÂN

Đại biểu Quốc hội tỉnh luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu và tổ chức thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ theo Chương trình công tác đề ra; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp. Tập hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết và phúc đáp kịp thời. Hoạt động giám sát luôn tuân thủ các quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nghị quyết của cấp ủy, của Hội đồng nhân dân. Công tác cải cách hành chính đạt hiệu quả tích cực; đã tổ chức gặp gỡ nhân dân 172/172 xã, phường, thị trấn. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội đã tập trung quán triệt, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận. Tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát cơ sở, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân.

VIII – CÔNG TÁC XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG:

Các cấp ủy, tổ chức đảng đã triển khai, quán triệt kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy và xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện sát hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, cơ quan, đơn vị; trọng tâm là triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác tư tưởng được xem là nhiệm vụ trọng yếu và thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, là giải pháp quan trọng ngăn ngừa và “chống” biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Công tác nắm bắt tư tưởng, tâm trạng và dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được thực hiện thường xuyên; tổ chức tốt điều tra xã hội học để phục vụ công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và lực lượng cộng tác viên nghiên cứu dư luận xã hội luôn được kiện toàn và hoạt động hiệu quả.

Các cấp ủy đổi mới về nội dung và phương thức lãnh đạo; phân định rõ nhiệm vụ của tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Quán triệt Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp, các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định lộ trình thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng ngày càng đi vào nền nếp, thực hiện nhất quán, đồng bộ, tập trung vào những vấn đề trọng tâm như xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế làm việc; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về xây dựng nông thôn mới; trách nhiệm nêu gương; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kê khai và minh bạch tài sản,…

– ĐÁNH GIÁ CHUNG:

1. Kết quả đạt được và nguyên nhân

1.1. Kết quả nổi bật: Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ đã lãnh đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội X của tỉnh đạt được nhiều thành quả quan trọng, có 15/18 chỉ tiêu hoàn thành và vượt mục tiêu Nghị quyết. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội không ngừng đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy. Năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp được cải tiến, nâng lên; quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng; năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao,… góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

1.2. Nguyên nhân: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh thành chương trình, kế hoạch phù hợp, khả thi để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gắn với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội luôn đoàn kết, trách nhiệm và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

2. Những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân

2.1. Khó khăn, hạn chế: Tình hình hạn, mặn xâm thực khu vực đê biển, sạt lở bờ sông, kênh rạch xảy ra nghiêm trọng ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ; bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi; dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân. Tình hình an ninh, trật tự có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế dẫn đến người dân bức xúc, khiếu nại kéo dài, vượt cấp. Một số cơ quan, tổ chức chưa đổi mới mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hành công tác dân vận; các phong trào, cuộc vận động có nơi, có lĩnh vực còn dàn trải hình thức, thiếu sức thuyết phục. Công tác xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên còn những hạn chế nhất định. Công tác kiểm tra có lúc có nơi thiếu trọng tâm, trọng điểm,…

2.2. Nguyên nhân hạn chế: Khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp; tần suất thiên tai ngày càng dày đã gây thiệt hại cho sản xuất và thu nhập của nông dân; Tình hình chính trị, an ninh thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy, biên chế chậm được sửa đổi, bổ sung nên còn khó khăn trong việc xác định số lượng đầu mối bên trong, biên chế của các cơ quan, đơn vị. Việc quy hoạch, thu hút khai thác hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn khó khăn, vướng mắc. Phát triển du lịch của tỉnh còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, của người dân chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương thiếu quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự gắn với phát triển kinh tế, xã hội. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát, chậm phát hiện, xử lý tổ chức đảng, đảng viên sai phạm. Một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng, rèn luyện để xảy ra vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

3. Một số kinh nghiệm: Các cấp, các ngành và các địa phương luôn phát huy tốt tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm đổi mới, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Triển khai, quán triệt kịp thời, nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Phần thứ hai: MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NHIỆM KỲ 2020 – 2025

I – DỰ BÁO TÌNH HÌNH:

Trong những năm tới, tình hình chính trị, an ninh thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, sẽ tác động, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Các mối đe dọa từ an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm buôn người và tội phạm ma túy diễn biến ngày càng khó lường,… Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngầm diễn ra trên nhiều lĩnh vực cản trở việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường.

1. Thuận lợi: Tiền Giang với những thế mạnh và tiềm năng của tỉnh, cùng với những thành tựu, kinh nghiệm được đúc kết qua quá trình lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh là cơ sở, niềm tin và là yếu tố quan trọng để tiếp tục phát triển nhanh trong thời gian tới.

2. Khó khăn, thách thức: Kinh tế, xã hội của tỉnh tuy có chuyển biến tích cực, theo hướng tăng dần tỷ lệ công nghiệp, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế nhưng nông nghiệp vẫn là chủ đạo nên tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng gây tổn thất lớn đến sản xuất, tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh do hội nhập, năng lực cạnh tranh còn thấp; nhu cầu đầu tư cho phát triển, nhất là kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu rất lớn; vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường; sự chống phá của các thế lực thù địch,… sẽ là yếu tố gây tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh thời gian tới.

II – MỤC TIÊU: 

1. Mục tiêu tổng quát: Tiếp tục kế thừa những thành quả đạt được, tăng cường xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đoàn kết, dân chủ, năng động, sáng tạo; huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và chuyển dịch mạnh mẽ. Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, chú trọng tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục tăng cường, mở rộng các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

3. Các chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020 – 2025:

– Tăng trưởng kinh tế (GRDP giá so sánh năm 2010) bình quân 7,5-8,0%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 92,0 – 94,0 triệu đồng.

– Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 29,2% và khu vực phi nông nghiệp chiếm 70,8%.

– Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 5,0 tỷ USD.

– Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025 đạt 77.000 tỷ đồng; trong đó, năm 2025 đạt 18.700 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021 – 2025 đạt 82.700 tỷ đồng; trong đó, năm 2025 đạt 19.425 tỷ đồng.

– Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 – 2025 đạt 251.700 tỷ đồng, chiếm 35,9%/GRDP (năm 2025 đạt 60.800 tỷ đồng).

– Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2025 là 57%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 25%.

– Số lao động được tạo việc làm giai đoạn 2021 – 2025 là 80.000 lao động, bình quân mỗi năm tạo việc làm cho 16.000 lao động.

– Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1% vào năm 2025 theo chuẩn giai đoạn 2016-2020.

– Xây dựng nông thôn mới, đến năm 2025: có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8/8 đạt huyện nông thôn mới và 3/3 đô thị (thành phố, thị xã) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Có từ 20 – 30% xã nông thôn mới nâng cao và 10% xã nông thôn mới kiểu mẫu.

– Đến năm 2025, đạt 08 bác sĩ/vạn dân; 25 giường bệnh/vạn dân; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn 12,1%; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 100%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 92%.

– Đến năm 2025, tỷ lệ huy động học sinh đi nhà trẻ đạt 18%, mẫu giáo đạt 88%, bậc tiểu học đạt 100%, cấp trung học cơ sở là 99%, trung học phổ thông và tương đương đạt 85%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia ở các bậc học mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông là 70% và bậc tiểu học là 80%.

– Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung năm 2025 đạt 99%.

– Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý đến năm 2025 đạt 98,5%.

– Cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường đến năm 2025 trên 90%.

– Tuyển quân hàng năm đạt chỉ tiêu, đảm bảo chất lượng, đúng quy định.

– Tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm đạt trên 85%; đảng viên hoàn thành nhiệm vụ trở lên đạt 98%.

– Kết nạp 6.500 đảng viên mới.

4. Các khâu đột phá:

4.1. Tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng dụng khoa học và công nghệ vào khâu sản xuất – chế biến – tiêu thụ trái cây. Khai thác, phát triển có hiệu quả vùng động lực khu vực Gò Công và Đông Nam Tân Phước về công nghiệp. Tập trung phát triển đô thị gắn với phát triển thị trường bất động sản vùng Trung tâm.

4.2. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn, tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi đồng bộ thông suốt giữa các vùng trong tỉnh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long,… đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh. Trong đó, ưu tiên xây dựng hoàn thành các tuyến đường chính theo hướng Bắc – Nam, Đông – Tây của tỉnh, khai thác tối đa hiệu quả đầu tư công trình giao thông ven biển, ven các tuyến đường thủy chính như sông Tiền, sông Vàm Cỏ.

III – NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP:

1. Phát triển kinh tế: Tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế; tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 05/4/2017 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế – đô thị 3 vùng tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

2. Phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông: Tiếp tục xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; phát huy sức mạnh, giá trị văn hoá, con người Việt Nam. Phát triển và quản lý xã hội bền vững; thực hiện có hiệu quả tiến bộ, công bằng xã hội; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao các đề tài, nghiên cứu ứng dụng đến người dân, doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, dịch vụ, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học,… Tập trung phát triển hạ tầng, dịch vụ, nguồn nhân lực thông tin và truyền thông; từng bước hoàn chỉnh cơ chế, chính sách quản lý phát triển thông tin và truyền thông.

3. Đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt chính sách xã hội, lao động, tiền lương: Đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý tốt các bệnh lý, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công và tư. Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số theo hướng ổn định và phát triển. Nâng cao năng lực hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm. Bảo đảm đầy đủ kịp thời các chế độ đối với người có công, gắn với hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, nâng cao mức sống cho gia đình chính sách.

4. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu: Quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, biển, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường; thực hiện công khai, minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

5. Công tác nội chính, cải cách tư pháp: Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nội chính, tư pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm các chủ trương về cải cách tư pháp trong tình hình mới. Lãnh đạo thực hiện tốt công tác xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, nổi cộm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm theo đúng quy định; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực; xử lý nghiêm vụ việc tham nhũng, lãng phí gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Triển khai thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Đảng và Nhà nước; chủ động nắm bắt, hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng ngay từ cơ sở.

6. Quốc phòng, an ninh và đối ngoại: Tập trung đầu tư, củng cố, nâng cao chất lượng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Thực hiện tốt công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự; xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ có chất lượng cao, số lượng phù hợp; giữ vững tỷ lệ 100% xã, phường, thị trấn đạt vững mạnh về quân sự, quốc phòng, có trên 60% vững mạnh toàn diện. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự; thực hiện tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình, luôn giữ thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ, phát hiện ngăn chặn không để xảy ra khủng bố, gây rối, biểu tình, bạo loạn, lật đổ. Quán triệt, triển khai hiệu quả và đồng bộ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Nhân dân trên các lĩnh vực; chủ động hội nhập, giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực và thế giới.

7. Xây dựng chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội: Tiếp tục nghiên cứu, thực hiện sát thực tế cơ chế vận hành của hệ thống chính trị Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; tập trung xây dựng chỉnh đốn Đảng, đồng thời lãnh đạo xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, kiện toàn tổ chức, phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội; chủ động phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh; tăng cường phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; khơi dậy đồng bộ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong giai đoạn mới. Tập trung kiện toàn tổ chức, tăng cường tính chủ động và nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp. Đồng thời, tập trung lãnh đạo kiện toàn cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân các cấp theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; đảm bảo thực hiện lộ trình sắp xếp lại tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện (tương đương) và các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập.

8. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Tập trung nâng cao chất lượng học tập, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII); Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định sự lãnh đạo của Đảng và đường lối đổi mới; thường xuyên củng cố, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng, coi đó là nền tảng để nâng cao ý chí, năng lực lãnh đạo của mỗi cấp ủy và toàn Đảng bộ tỉnh để xây dựng Đảng thật sự trong sạch – vững mạnh. Kiên trì lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, khóa XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; đấu tranh, phòng chống, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đề cao cảnh giác đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, bệnh cơ hội, thực dụng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Phấn đấu trong nhiệm kỳ kết nạp 6.500 đảng viên. Tăng cường đổi mới công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện tinh giản biên chế, quản lý chặt chẽ việc sử dụng biên chế của các cơ quan, đơn vị gắn với vị trí việc làm.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; thực hiện có hiệu quả công tác hướng dẫn, chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra cấp trên với cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Tập trung thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, phải tuân thủ phương châm, phương pháp và quan điểm kiểm tra của Đảng, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đưa nghị quyết, chỉ thị của Đảng đi vào cuộc sống.

Đảng bộ và Nhân dân Tiền Giang quyết tâm giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết, tiếp tục nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, nâng cao bản lĩnh chính trị, ra sức phát huy thuận lợi, tranh thủ nắm lấy thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra để xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp.

(THTG) Các ý kiến đóng góp của nhân dân đối với dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền  Giang khóa X, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển nhiệm kỳ 2020-2025 xin vui lòng gửi về Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang, 125 Lê Thị Hồng Gấm, phường 4, Tp. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; Email: banbientap@thtg.vn. Xin trân trọng cảm ơn.