ĐBSCL: Gia tăng diện tích lúa hay giữ “túi chứa nước”

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào thu hoạch lúa hè thu. Năm nay lúa được mùa, bán được giá. Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang có những “gam sáng” khi Chính phủ cho xuất khẩu gạo lại bình thường và nhu cầu của thế giới tăng, giá gạo Việt Nam cũng tăng cao nhất trong 8 năm qua, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu.
j6c_cpmx
Thu hoạch lúa tại ĐBSCL

“Vừa thu hoạch xong, thương lái đến tận ruộng mua với giá 5.400 đồng/kg lúa giống OM 5451, ngang bằng với giá vụ đông xuân rồi”, ông Điền Văn Út ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết. Hiện nay nông dân Hậu Giang đã thu hoạch gần 5.000 hecta lúa hè thu, năng suất đạt gần 6,5 tấn/hecta. “Lúa hè thu được thương lái mua tại ruộng với giá 5.400 – 5.800 đồng/kg, lúa khô 6.100 – 7.100 đồng/kg. Hiện nhiều thương lái đang canh mua lúa của nông dân ngay khi thu hoạch”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, nhận định. Được biết vụ hè thu, nông dân ĐBSCL xuống giống trên 1,5 triệu hecta.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam trong tháng 5-2020 được xem là cao nhất trong 8 năm qua khi cán mốc 527 USD/tấn, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2019. Sang tháng 6-2020, giá gạo xuất khẩu Việt Nam loại 5% tấm đạt 473 – 477 USD/tấn, thấp hơn Thái Lan 30 USD/tấn, nhưng cao hơn Ấn Độ 100 USD/tấn. Theo Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể đạt 3,7 triệu tấn, cao hơn nhiều so với lượng hàng dành cho xuất khẩu là 3 triệu tấn. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới hết sức quan tâm đến an ninh lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành. Bộ Công thương nhận định với mức giá cạnh tranh và xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại sau khi gỡ bỏ hạn ngạch, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt Thái Lan về xuất khẩu gạo toàn cầu ngay trong năm nay.

Theo đó, Bộ NN-PTNT đang tính đến chuyện gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu gạo đang gia tăng của thế giới. Theo kế hoạch, vụ thu đông năm 2020, ĐBSCL sẽ duy trì diện tích 750.000 hecta lúa. Tuy nhiên, theo dự báo, sản lượng lúa thế giới năm 2020 có thể giảm khoảng 2,7 triệu tấn, nhu cầu tăng 3,7 triệu tấn. “Bộ NN-PTNT sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để có thể điều chỉnh tăng diện tích lúa thu đông lên khoảng 800.000 hecta nếu có thể. Trước mắt, sẽ tập trung chỉ đạo xác định khung thời vụ, vùng xả lũ, cơ cấu giống cây trồng và các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho vụ thu đông”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Tuy nhiên, việc gia tăng diện tích lúa thu đông cũng khiến nông dân và nhà khoa học lo lắng bởi với việc gia tăng này, vùng hạ nguồn Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau sẽ chịu ảnh hưởng trong mùa hạn mặn ra sao? Trước đây, nông dân cả vùng ĐBSCL chỉ sản xuất 200.000 – 300.000 hecta lúa thu đông. Vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười thường để mưa lũ tràn và không làm lúa thu đông. Hai vùng này trở thành “hai túi chứa nước mùa mưa lũ” khoảng 1,2 triệu hecta để điều hòa nước cho ĐBSCL. Mùa lũ thì cất giữ bớt nước làm mưa lũ hiền hòa hơn để rồi từ từ nhả nước ra, bổ sung cho dòng sông Tiền, sông Hậu giúp đẩy mặn vùng ven biển trong mùa khô. Vì vậy, nông dân vùng hạ nguồn ĐBSCL và các nhà khoa học cho rằng, Bộ NN-PTNT cần cân nhắc và đánh giá rõ giữa cái được và cái mất khi gia tăng diện tích lúa hè thu. Vì thực tế, những tác động của hạn mặn năm 2020 là rất lớn, từ cây ăn trái, hoa màu, lúa bị thiệt hại đến tình trạng thiếu nước ngọt tràn lan và kéo dài ở vùng ven biển.

Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên sản xuất ở mức 300.000 – 500.000 hecta lúa thu đông và tập trung vào trồng các giống lúa chất lượng cao. Đây là điều hoàn toàn có thể. Vì những năm gần đây, tỷ lệ gạo thơm, đặc sản, chất lượng cao của Việt Nam chiếm trên 80% số lượng xuất khẩu. Nhiều viện, trường và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt hiện cũng đang tập trung nghiên cứu, lai tạo các giống lúa chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường. Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thâm nhập vào thị trường EU khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sắp có hiệu lực. Dù hạn ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường này chỉ khoảng 80.000 tấn nhưng đây được xem là phân khúc gạo chất lượng cao. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị vùng nguyên liệu trong vài năm qua để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường này gắn với các quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Đây là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa các phân khúc xuất khẩu gạo thơm, chất lượng cao vào các thị trường khó tính.

Nguồn SGGP