Trẻ em – nạn nhân thầm lặng trong thị trường lao động

Trong bối cảnh số người tử vong do Covid-19 vẫn tiếp tục tăng, thì cũng có một số lượng lớn trẻ em bỗng chốc bị rơi vào cảnh mồ côi và dễ trở thành đối tượng bị bạo hành hay lạm dụng.

Trong báo cáo công bố nhân Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em (12-6) năm nay, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cảnh báo, đại dịch Covid-19 có nguy cơ làm gia tăng số trẻ em phải lao động kiếm sống, đảo ngược những thành quả đạt được trong nỗ lực chấm dứt tình trạng lao động trẻ em lâu nay.

Lao động trẻ em tăng sau 2 thập kỷ giảm

Khi dịch Covid-19 đẩy nhiều gia đình hơn vào cảnh đói nghèo, đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều trẻ em gia nhập đội quân lao động. Nghiên cứu ở một số quốc gia cho thấy tỷ lệ nghèo đói cứ tăng 1% sẽ dẫn đến gia tăng ít nhất 0,7% số lao động trẻ em.

Thị trường lao động suy giảm do dịch Covid-19, cha mẹ mất cơ hội việc làm dẫn đến khả năng nhiều hộ gia đình buộc phải sử dụng lao động trẻ em như một phương pháp để đối phó với việc bị mất nguồn thu nhập. Khi bị đẩy đi lao động để kiếm tiền cho gia đình, trẻ em có thể bị buộc làm việc nhiều giờ hơn hoặc trong điều kiện và hình thức làm việc tồi tệ hơn, gây nhiều tác hại đối với sức khỏe và an toàn của các em. Bởi vậy, lao động trẻ em không chỉ là thách thức nan giải mà đang trở nên cấp bách do Covid-19.

Cũng theo báo cáo này, có những bằng chứng cho thấy số lao động trẻ em đang gia tăng khi các trường học đóng cửa do dịch Covid-19. Hơn 1,5 tỷ trẻ em ở hơn 130 quốc gia không thể đến trường, do các trường học tạm thời đóng cửa. Kể cả khi các trường học bắt đầu mở lại, nhiều gia đình không còn đủ khả năng cho con đến trường.

Trẻ em - nạn nhân thầm lặng trong thị trường lao động ảnh 1Một lao động trẻ em 12 tuổi đang phân loại rác tại bãi rác ở Dhaka, Bangladesh. Ảnh: UNICEF 
Đối tượng dễ bị tổn thương 

Trong bối cảnh số người tử vong do Covid-19 vẫn tiếp tục tăng, thì cũng có một số lượng lớn trẻ em bỗng chốc bị rơi vào cảnh mồ côi và dễ trở thành đối tượng bị bạo hành hay lạm dụng.

Chính vì vậy, theo Tổng giám đốc ILO Guy Ryder, bảo vệ xã hội là rất quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng này vì hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất. Việc đưa các mối quan tâm đối với lao động trẻ em vào các chính sách về giáo dục, bảo trợ xã hội, công bằng, thị trường lao động, nhân quyền và quyền lao động quốc tế, giúp tạo nên khác biệt.

Trên quy mô toàn cầu, ước tính khoảng 152 triệu trẻ em đã là nạn nhân của tình trạng lao động trẻ em trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trong đó 73 triệu trẻ em làm những công việc nguy hiểm.

Theo các chuyên gia, để triệt tiêu vấn đề này, cần phải có một phương pháp tiếp cận đa chiều, bao gồm cả cải thiện điều kiện kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo lẫn nâng cao nhận thức. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến kinh tế suy thoái và nhiều gia đình mất kế sinh nhai, đầu tư vào an sinh xã hội và giảm nghèo là giải pháp chủ chốt để giảm thiểu lao động trẻ em. Tuy nhiên, đây sẽ là bài toán cần sự vào cuộc của cả cộng đồng quốc tế chứ không chỉ riêng một quốc gia đơn lẻ nào bởi hiện nay “Mạng lưới an sinh xã hội” đã đến được với khoảng 35% số trẻ em trên thế giới, song tỷ lệ này chỉ là 28% ở châu Á và 16% ở châu Phi. Cũng tại “lục địa Đen”, nơi trẻ em chiếm khoảng 40% dân số, chỉ có 0,6% nguồn lực thật sự được phân bổ cho các chương trình bảo trợ xã hội cho trẻ em.

Trong thông điệp nhân Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em 12-6, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động mạnh mẽ xóa bỏ lao động trẻ em cũng như giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với trẻ em. LHQ cũng tuyên bố năm 2021 là năm quốc tế về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, nhằm thúc đẩy biến cam kết thành hành động khẩn cấp toàn cầu để có thể đạt được Mục tiêu phát triển bền vững về chấm dứt lao động trẻ em vào năm 2025.

Hiện ILO và UNICEF đang nghiên cứu mô hình mô phỏng tác động của Covid-19 đối với lao động trẻ em trên thế giới. Dự kiến, những đánh giá mới về lao động trẻ em trên toàn cầu sẽ được công bố vào năm 2021.

Nguồn SGGP