Bệnh bạch hầu lan rộng ở Tây Nguyên
Tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu đầu tiên trong khi tỉnh Gia Lai và Đắk Nông tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới.
Tỉnh thứ 4 có ca bệnh
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, ngày 6-7, đơn vị nhận được thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Lắk về trường hợp nghi bệnh bạch hầu nên phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra và lấy mẫu xét nghiệm.
Bệnh nhân tên H.B.J (SN 1968; dân tộc M’Nông; ngụ xã Bông Krang, huyện Lắk). Theo lời bệnh nhân, bệnh khởi phát ngày 4-7 với các triệu chứng sốt, kèm đau họng, khó nuốt… Bệnh nhân tự mua thuốc uống nhưng không giảm. Đến ngày 6-7, bệnh nhân đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Lắk. Ngay sau đó, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm. Đến chiều 7-7, kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân dương tính với vi khuẩn bạch hầu.
Cũng theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, trước và trong thời gian mắc bệnh, bà J. không đi xa, không tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu. Khu vực xung quanh nhà chưa ghi nhận các trường hợp mắc bệnh.
Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã khoanh vùng, thực hiện các biện pháp cách ly, điều trị dự phòng bệnh bạch hầu cho các trường hợp tiếp xúc gần, phun hóa chất khử trùng tất cả hộ dân trong buôn và thực hiện các quy định về phòng chống bệnh bạch hầu.
Theo ông Nay Phi La, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp như tăng cường giám sát dịch không chỉ ở xã có bệnh mà cả những vùng có nguy cơ cao. Tăng cường tập huấn cho y tế tuyến xã, thôn bản tuyên truyền vận động người dân thực hiện tiêm chủng; kiên trì vận động nhiều lần, huy động các thành viên của ban chỉ đạo chống dịch phối hợp tuyên truyền cho tới khi có hiệu quả. Tổ chức ngay việc tiêm vắc-xin Td phòng bạch hầu, uốn ván ở những khu vực có nguy cơ cao; tăng cường hoạt động tiêm chủng mở rộng đạt tỉ lệ trên 95%…
Khám sàng lọc, điều trị dự phòng bệnh bạch hầu cho học sinh Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông)Ảnh: Cao Nguyên
Thêm nhiều ca mắc mới
Tại tỉnh Đắk Nông, đến chiều 7-7, đã ghi nhận 26 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó huyện Krông Nô có 11 ca, huyện Đăk G’long 13 ca, huyện Đắk R’lấp 2 ca. Ngoài 2 trường hợp đã tử vong, các bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông và Trung tâm Y tế huyện Krông Nô. Hiện sức khỏe các bệnh nhân đã ổn định.
Ông Nguyễn Ngọc Quân – Chủ tịch UBND xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp – thông tin ngày 7-7, cơ quan y tế đã khám sàng lọc và điều trị dự phòng cho hơn 600 học sinh tại Trường Tiểu học Phan Đình Phùng để phòng ngừa bệnh bạch hầu. Trước đó, ngành y tế thông báo em Đ.M.K (học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Phan Đình Phùng) dương tính với bệnh bạch hầu. Lớp học của em K. có 40 học sinh, sức khỏe của các cháu hiện bình thường và không đi xa trong 14 ngày qua.
Theo BS Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, qua kiểm tra nhận thấy các điểm bùng phát dịch đều là những vùng trũng về tiêm chủng. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường khám, phát hiện sớm các trường hợp bệnh bạch hầu, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng xử lý triệt để ổ bệnh, không để bệnh lan rộng và kéo dài.
Tại Gia Lai, Sở Y tế tỉnh này xác định có thêm 3 ca mắc bệnh bạch hầu mới, nâng tổng số người mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn lên 16 trường hợp, trong đó 1 ca tử vong. Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, cho biết tất cả ca nhiễm đều đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhi Gia Lai. Sở Y tế tỉnh Gia Lai đã gửi công văn đến Bộ Y tế xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho tỉnh khoảng 100.000 liều vắc-xin Td tiêm phòng ngừa bệnh bạch hầu cho người dân.
Dịch chồng dịch
Ông Nay Phi La đánh giá tình hình bệnh suốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh cũng đang diễn biến phức tạp với 354 bệnh nhân, chưa có trường hợp tử vong. Thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho sự phát triển và gia tăng mật độ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, nguy cơ số mắc không ngừng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch. “Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh sốt xuất huyết” – ông Nay Phi La nói.
63 ca dương tính với bệnh bạch hầu
Chiều 7-7, GS-TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, đã có cuộc họp khẩn với các chuyên gia về phòng chống bệnh bạch hầu. Đến thời điểm này, số ca mắc đã gấp 3 lần năm 2019, tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận 63 ca dương tính với bạch hầu (tăng 10 ca so với ngày 6-7). Trước thực trạng này, ông Nguyễn Thanh Long yêu cầu cần tập trung hết sức phòng chống bệnh bạch hầu như phòng chống dịch Covid-19. Giao Cục Y tế dự phòng phối hợp Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai ngay chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu trên diện rộng cho tất cả đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.