Ấn tượng chương trình Côn Đảo – Hồn thiêng Tổ quốc
Chương trình nghệ thuật Côn Đảo – Hồn thiêng Tổ quốc chinh phục người nghe bởi cách tiếp cận đặc biệt của nhạc truyền thống cách mạng với thế hệ khán giả trẻ
Chương trình để lại ấn tượng đặc biệt với phần dàn dựng đặc sắc
Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 73 năm ngày thương binh liệt sĩ (27.7.1947- 27.7.2020) với chủ đề “Côn Đảo- Hồn thiêng Tổ quốc”, vừa diễn ra vào tối 18-7 tại sân khấu trước trụ sở UBND huyện Côn Đảo – Cầu tàu 914, Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương, thu hút sự chú ý của hơn 2.000 khán giả ở huyện đảo tham dự. Không chỉ thu hút người xem, chương trình còn gây ấn tượng bởi chất nghệ thuật được xây dựng ở mỗi tiết mục trong tổng thể chương trình.
Chương trình được xây dựng thành 3 chương, lần lượt với tên gọi: “Việt Nam – những tượng đài bất tử”, “Côn Đảo – khúc tráng ca oai hùng”, “Côn Đảo – Địa chỉ đỏ và khát vọng xanh”, khắc họa rõ nét cả một hành trình anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, với những hi sinh, mất mát không gì đo đếm nổi của biết bao thế hệ cha ông.
Suốt chiều dài lịch sử, đất nước còn là hình ảnh những người mẹ Việt Nam tần tảo, hi sinh cả cuộc đời, “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”, hiến dâng cho Tổ quốc những người thân yêu nhất, những biểu tượng đầy tự hào của ý chí anh hùng, bất khuất, kiên trung, góp phần viết nên những trang sử vàng chói lọi của lịch sử dân tộc.
Những tiết mục gây xúc động mạnh với người nghe
Tất cả những điều đó, tinh thần đó, hình ảnh đó được vẽ lên đậm nét trong chương trình bằng những khúc ca, những hồi ức của những người từng là một phần của cuộc chiến, tham dự chương trình. Chính điều đó khiến cho chương trình thêm phần cảm xúc, chạm vào tận đáy sâu trái tim người yêu nhạc. Người xem không thể cầm lòng với những hình ảnh được tái dựng trong chương trình, những người chưa từng có trải nghiệm với cuộc chiến gian khổ ấy cũng thấy bùi ngùi với sự hi sinh của hàng ngàn vị anh hùng liệt sĩ vì tình yêu đất nước.
Bên cạnh ý nghĩa thiêng liêng của chương trình, những tiết mục biểu diễn, xét ở khía cạnh nghệ thuật, thực sự là một cú đột phá bất ngờ cho người xem. Khán giả không khỏi bất ngờ với giọng hát của NSUT Tạ Minh Tấm, Thế Vĩ, Anh Bằng, Quốc Đại, Võ Hạ Trâm, Thanh Nguyên,… Đó là những giọng ca quá đỗi đặc biệt và dù họ có là những giọng ca bị mặc định “nhạc đỏ”, “nhạc cổ điển” kén khán giả,…nhưng lần này, họ chinh phục khán giả một cách tuyệt đối. Những ca khúc “Đất nước”, “Côn Đảo”, “Kể chuyện người cộng sản”, “Lời ghi trên vách đá”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Bài ca hi vọng”, “Giải phóng miền Nam- Đất nước trọn niềm vui”, “Linh thiêng Việt Nam”, “Tự nguyện”, “Người là niềm tin chiến thắng”, “Bình minh Côn Sơn”, …vẫn vẹn nguyên tính hào hùng nhưng cũng nhẹ nhàng như một bản tình ca, thấm sâu lòng người.
Cặp nghệ sĩ Thanh Ngân – Trọng Phúc thu hút sự chú ý của công chúng
Nhạc trưởng Trần Nhật Minh có công lớn trong việc tạo nên sự khác biệt, khoác một chiếc áo mới cho những khúc ca quen thuộc khiến những ca khúc vừa gần gũi quen thuộc, vừa mới lạ hứng khởi. Điều này phần nào chứng minh, những chương trình nghệ thuật đặc biệt về một chủ đề nào đó sẽ không bao giờ khô cứng, đóng khung, chỉ cần người làm chịu đặt tâm sức của mình vào chương trình.
Đơn vị thực hiện chương trình, Trung tâm ca nhạc nhẹ TP HCM, với sự chỉ đạo của Sở Văn hóa – Thể thao TP HCM, đã thực sự tạo nên những điểm nhấn cho chính mình khi tham gia xây dựng những chương trình nghệ thuật đặc biệt này: Chuyển tải trọn vẹn ý nghĩa của chủ đề chương trình nhưng vẫn tiếp cận với thị hiếu thưởng thức âm nhạc hiện đại của khán giả trẻ. Chính điều đó đã góp phần kéo khán giả trẻ hôm nay đến gần hơn với dòng nhạc truyền thống, cách mạng.
NSƯT Tạ Minh Tâm
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.