Hội nghị khoa học về công nghệ sản xuất nghêu bền vững
(THTG) Tại Tiền Giang vừa diễn ra “Hội nghị khoa học công nghệ sản xuất nghêu bền vững tại Việt Nam”. Hội nghị nằm trong khuôn khổ dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu tại Việt Nam” do Trung tâm ICAFIS phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản tổ chức.
Tại hội nghị các diễn giả, nhà khoa học và các cơ quan chức năng đã chỉ ra các giải pháp sản xuất nghêu bền vững tại Việt Nam, đặc biệt là đối với tỉnh Tiền Giang và các tỉnh đang phối hợp với Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững theo tiêu chuẩn MSC và ASC.
Quang cảnh “Hội nghị khoa học công nghệ sản xuất nghêu bền vững tại Việt Nam”. Ảnh: Trần Liêm
Theo đó, các giải pháp được nêu ra từ thực trạng nuôi nghêu của Việt Nam hiện nay như: Thoái hoá giống trong sản xuất nghêu nhân tạo và các công nghệ áp dụng sản xuất nghêu thương phẩm thành công ở một số nước; Ứng dụng công nghệ nuôi nghêu của Đài Loan, bảo tồn và phát triển nguồn lợi nghêu bố mẹ và nghêu giống tự nhiên quá trình 10 năm MSC tỉnh Bến Tre; Tiềm năng thị trường sản phẩm nghêu Việt, nghiên cứu hiện tượng nghêu chết hàng loạt và các giải pháp hạn chế thiệt hại, mô hình nghêu thương phẩm và nghêu giống HTX Đồng Tiến, Bạc Liêu; Sự hợp tác và chung tay từ phía Cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp và người nuôi nghêu…
Nghề nuôi nghêu hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn như nguồn lợi suy giảm, tác động của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu,… Điển hình là trong tháng 2 năm 2020, đã xảy ra hiện tượng nghêu chết hàng loạt với tỷ lệ 60 – 90% tại tỉnh Bến Tre và Tiền Giang.
Trong tình hình thị trường xuất khẩu gặp nhiều trở ngại về rào cản thương mại như hiện nay, ASC, MSC CoC là một cứu cánh giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam cơ hội thâm nhập và mở rộng vào các thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường châu Âu.
Tiêu chuẩn ASC
– ASC là chữ viết tắt của Aquaculture Stewardship Council (Hội Đồng Quản Lý Nuôi Trồng Thủy Sản). Đây là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, được thành lập vào năm 2009 bởi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Sáng Kiến Thương Mại Bền Vững Hà Lan (IDH) nhằm quản lý các tiêu chuẩn toàn cầu đối với việc nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm. ASC xây dựng bộ tiêu chuẩn ASC dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.
– Chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động.
Tiêu chuẩn Chuỗi hành trình sản phẩm MSC CoC
– MSC là chữ viết tắt của Marine Stewardship Council – Hội đồng quản lý biển. Đây là một tổ chức quốc tế phi chính phủ được thành lập để khuyến khích các vùng khai thác thủy sản bền vững và thực hành nghề cá có trách nhiệm trên toàn thế giới thông qua các giải pháp thị trường dài hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu và mục tiêu cả về môi trường và thương mại.
– Sản phẩm thủy sản sử dụng nhãn hiệu của MSC đảm bảo được khai thác từ một ngư trường bền vững, được quản lý tốt và được khai thác một cách có trách nhiệm. Hiện nay, MSC là một trong số các loại nhãn hiệu sinh thái được chú trọng trên thế giới, nó giúp chứng nhận các ngành ngư nghiệp bền vững. MSC có giá trị như một giấy thông hành, đảm bảo phát triển thủy sản an toàn và là thương hiệu bảo hộ cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam.
– Tiêu chuẩn MSC CoC bao gồm các yêu cầu đối với hệ thống kiểm soát bằng tài liệu, khả năng nhận biết và truy tìm nguồn gốc sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa và lưu trữ hồ sơ.
Thanh Thảo
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.