Cục Trồng trọt xác định nguyên nhân sầu riêng chết sau hạn mặn
(THTG) Sau khi tìm hiểu thực tế tại các vườn sầu riêng ở Thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy, ngày 28-7, đoàn công tác Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ Thực vật có cuộc họp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đánh giá nguyên nhân sầu riêng bị chết do hạn, mặn mùa khô 2020.
Quang cảnh buổi làm việc của Cục trồng trọt tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh có hơn 14.800 hecta sầu riêng, cho tổng sản lượng mỗi năm khoảng 277.000 tấn. Sau đợt hạn mặn năm 2020, các vườn sầu riêng xuất hiện tình trạng suy kiệt, rụng lá và đến thời điểm này có khoảng 4.500 hecta bị chết, với tỷ lệ từ 30 đến 70%. Từ kết quả phỏng vấn nông dân, lấy mẫu đất, nước, rễ, thân, lá cây để nghiên cứu, đoàn công tác bước đầu kết luận các nguyên nhân chủ yếu làm cho sầu riêng bị chết sau hạn mặn là: lượng nước tưới chưa đầy đủ; nắng nóng gây sốc nhiệt: rò rỉ mặn vào mương vườn; tưới nước nhiễm mặn; cây mang trái trong thời gian hạn, mặn. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: đất bị xì phèn hoặc tưới nước giếng khoan bị nhiễm phèn 2,0%, ảnh hưởng của mưa trái mùa 2,0%, không dự trữ được nước trong mương vườn 1,5% và nguyên nhân bị sâu bệnh, hệ thống rễ bị tổn thương chiếm 2,7%.
Cây sầu riêng chết sau hạn mặn. Ảnh: Minh Trí
Đoàn công tác đề nghị tỉnh rà soát lại quy hoạch thủy lợi, đáp ứng yêu cầu phòng, chống xâm nhập mặn; người dân phải chủ động ngăn mặn, trữ ngọt kịp thời kết hợp với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và xử lý tốt tất cả các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến cây sầu riêng vì sầu riêng rất mẫn cảm với nước mặn.
Kim Nữ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.