Quản hay cấm dịch vụ OTT ngoại?
Các dịch vụ OTT xuyên biên giới như Netflix, iflix, Amazon TV, WeTV… đang bị phía Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) kiến nghị Chính phủ không cấp phép hoạt động
Chưa quản, hoãn cấp
Mới đây, VNPayTV gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế trung ương và các bộ, ngành liên quan kiến nghị nên xem xét, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật đủ sức chế tài quản lý và xử phạt các vi phạm về nội dung chương trình, các kênh phát thanh – truyền hình xuyên biên giới. Nếu khối lượng nội dung chương trình từ nước ngoài quá lớn chưa có công cụ quản lý hữu hiệu của nhà nước thì tạm thời chưa cấp phép cung cấp dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới của các đơn vị nước ngoài tại thị trường Việt Nam: Netflix, iflix, Amazon, Facebook (Mỹ), WeTV, iQIYI (Trung Quốc)… VNPayTV thể hiện trong văn bản quan điểm nhất quán là kiến nghị chưa thực hiện cấp phép cho các đơn vị nước ngoài khi chưa hội đủ điều kiện về công tác quản lý, kiểm soát, kiểm duyệt biên dịch, biên tập nội dung chương trình như quy định của Luật Báo chí Việt Nam, nhằm bảo đảm yêu cầu an ninh thông tin truyền thông trên mạng internet và nhất là tạo sự công bằng cho các DN cung cấp dịch vụ OTT trong nước, tránh tình trạng “bảo hộ ngược” (các đơn vị trong nước phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật, còn các đơn vị nước ngoài thì không những không thực hiện các quy định cần thiết mà còn vi phạm…).
Giao diện Netflix, iflix – các dịch vụ OTT xuyên biên giới có thị phần lớn tại Việt Nam. (Ảnh chụp từ màn hình)
Vấn đề quản lý dịch vụ xuyên biên giới trở nên cấp thiết bởi sau giai đoạn đại dịch Covid-19, tỉ lệ người tiêu dùng chọn lựa những nền tảng này tăng lên nhanh chóng, chiếm gần 50% thị phần. Tuy nhiên, quản lý như thế nào lại là đề tài tranh luận nhiều chiều trong vài năm gần đây nhưng vẫn chưa tạo được hành lang pháp lý chung và tìm được giải pháp để thực hiện. Những DN dịch vụ xuyên biên giới có đặc thù riêng, hoạt động hoàn toàn trên mạng và không nhất thiết phải mở văn phòng chi nhánh hoạt động kinh doanh ở một quốc gia, lãnh thổ nào, ngoại trừ thị trường đó cực lớn mang tính chi phối. Netflix đang cung cấp dịch vụ xuyên biên giới theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà Việt Nam là thành viên, cùng tuân thủ Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS). GATS cho phép các ngành dịch vụ được quy định cụ thể cung cấp dịch vụ từ lãnh thổ của một nước thành viên sang lãnh thổ của bất kỳ nước thành viên nào khác. Đây là vấn đề nan giải cho cơ quan quản lý muốn xây dựng hành lang pháp lý để kiểm soát, thu thuế và những yêu cầu khác đối với các dịch vụ xuyên biên giới như thế này.
Vì lợi ích của khán giả
Nếu so sánh về mặt chất lượng, các dịch vụ OTT xuyên biên giới có kho dữ liệu khổng lồ từ phim cho đến các chương trình truyền hình giải trí. Điều này khiến các dịch vụ OTT Việt Nam không đủ sức cạnh tranh từ kho nội dung cung cấp cho khách hàng cho đến các nhu cầu kỹ thuật khác như tốc độ đường truyền, độ phân giải hình ảnh, âm thanh…
Các nền tảng phim thu phí Việt cùng cạnh tranh với Netflix là Danet, Galaxy Play, FPT Play… Trước đây, Netflix chưa đẩy mạnh khai thác thị trường Việt Nam thì thị phần đủ để các nền tảng Việt cùng chia nhau. Tuy nhiên, vào cuối năm 2019, Netflix công bố ra mắt giao diện tiếng Việt và đẩy mạnh thu mua bản quyền phim Việt bổ sung kho phim của mình, đồng thời một số nền tảng ngoại khác như iflix, Amazon… xuất hiện thì thị phần chuyển đổi mạnh. Chưa kể một số dịch vụ xuyên biên giới khác của Trung Quốc âm thầm vào Việt Nam như WeTV, iQIYI. Các phim, chương trình phát trên WeTV, iQIYI đều có phụ đề tiếng Việt và mức thuê bao vô cùng rẻ, 20%-30% so với giá thuê các dịch vụ truyền hình trả tiền, nền tảng phim thu phí của Việt Nam. Kho dữ liệu lớn, đa dạng từ phim đến chương trình truyền hình cho khán giả chọn lựa nhưng giá cả lại rẻ, các dịch vụ này được đánh giá sẽ nhanh chóng lấn chiếm hết thị phần.
Trước những kiến nghị của VNPayTV, người quan tâm đưa ra nhiều ý kiến khác nhau nhưng tập trung vẫn mong muốn giải quyết vấn đề dựa trên lợi ích người tiêu dùng. “Việc kiểm soát của nhà nước nhằm tránh những thủ đoạn lợi dụng các dịch vụ xuyên biên giới để phá hoại là cần thiết nhưng việc cấm đoán lại gây khó cho khán giả. Ví dụ, Netflix có nhiều phim hay, chương trình thú vị lại thuận tiện sử dụng thì khán giả tìm đến nhiều. Cơ quan quản lý cần phải có biện pháp toàn vẹn để vừa bảo đảm nội dung không vi phạm an toàn an ninh vừa không khiến khán giả thiếu những dịch vụ giải trí chất lượng” – nhà báo Cát Vũ nêu ý kiến.
Khán giả Trúc Đào (TP HCM) cho rằng: “Những dịch vụ OTT xuyên biên giới có thiện chí, muốn hoạt động lâu dài ở thị trường Việt Nam như Netflix, iFlix, HBO… đều sẽ phải cân nhắc nội dung. Nhà nước nên kiểm soát thông qua các văn phòng đại diện của họ tại Việt Nam. Những dịch vụ xuyên biên giới nào đặt văn phòng để chịu sự quản lý thì cấp phép và ngược lại. Việc kiểm soát chỉ nên dừng lại ở có hay không vi phạm an ninh quốc gia chứ không nên can thiệp quá nhiều hay tác động vào sự cạnh tranh giữa các dịch vụ trong và ngoài nước. Khán giả chỉ muốn được thưởng thức những dịch vụ chất lượng nhất, đơn vị nào đáp ứng được sẽ được chọn lựa”.
Khán giả Huệ Bình (TP HCM) cho rằng quản lý theo cách cấm hoạt động là không nên vì vô cùng thiệt thòi cho khán giả ở thời thế giới phẳng. Dịch vụ xuyên biên giới như Netflix đã đến 190 quốc gia với hơn 151 triệu thuê bao có trả phí, ở Việt Nam ước lượng hiện có khoảng 300.000 thuê bao.
Việc quản hay không và quản như thế nào đối với dịch vụ OTT xuyên biên giới được người trong giới cho rằng là vấn đề cấp thiết phải được cơ quan quản lý xem xét, bởi hiện tại, số lượng người sử dụng OTT có xu hướng tăng mạnh, được đánh giá là hướng phát triển của tương lai. Kiểm soát được là tốt nhưng kiểm soát thế nào, giới hạn đến đâu để không thiệt hại lợi ích người dùng đang là bài toán khó cho nhà quản lý.
Nước khác quản thế nào?
Chính quyền Indonesia năm 2019 buộc các dịch vụ OTT xuyên biên giới: Amazon, Google, Netflix, Spotify phải đóng 10% thuế GTGT trên tổng doanh số. Thời điểm đó, đại diện Netflix chia sẻ với Reuters là tôn trọng quy định của Indonesia. Tại Singapore, Netflix phải bắt tay với Singtel, nhà mạng lớn nhất Singapore, để đủ điều kiện kinh doanh. Nước này áp thuế 7% với Netflix, Spotify, Amazon Prime.
Tại Thái Lan, tháng 4-2017, Ủy ban Truyền hình và Truyền thông nước này đã công bố kế hoạch đưa các dịch vụ OTT vào một khung quản lý dạng cấp phép, từ đó có thể đánh thuế các dịch vụ này theo cơ chế thuế của Thái Lan.
Năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiếp ông Kuek Yu-chuang, Giám đốc điều hành Netflix khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông Kuek Yu-chuang cũng khẳng định Netflix thực sự mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Đại diện Netflix khi đó cũng đề xuất Netflix ký kết Biên bản ghi nhớ với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc mua các bộ phim Việt Nam để chiếu trên nền tảng Netflix, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác cùng xuất khẩu phim Việt Nam ra các thị trường nước ngoài. Cùng năm, 4 hãng sản xuất tivi: Samsung, LG, Sony, TCL đã cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ loại bỏ tính năng truy cập dịch vụ Netflix trên điều khiển từ xa, gỡ bỏ Netflix khỏi kho ứng dụng Smart TV sau buổi làm việc.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.