Thủ tướng: Tính toán chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội

Chúng ta không được chủ quan, lơ là, lỏng lẻo để dịch bệnh tràn lan, bùng phát, mất kiểm soát. Cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý. Không được tuyên bố giãn cách xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, đặc biệt là khi chưa có ổ dịch, dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế xã hội.
IMG_1865
Thủ tướng kết luận cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này khi kết luận cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc về phòng chống dịch COVID-19 vào chiều 2/8.

Đánh giá cao các ý kiến của các địa phương khi nêu nhiều giải pháp cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh, cần hoàn thiện Chỉ thị mới thay cho Chỉ thị 16, 19 trong bối cảnh giai đoạn 2 của dịch bệnh.

Thủ tướng biểu dương nỗ lực của ngành y tế, của TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước đã khoanh vùng ổ dịch tích cực với biện pháp mạnh mẽ. Dịch COVID-19 được dự báo sẽ phức tạp, lan rộng nếu chúng ta không khoanh vùng, dập dịch quyết liệt, kịp thời.

Phát biểu với các địa phương trên toàn quốc, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần lớn là không được lơ là, chủ quan. Trước hết, hệ thống chính trị phải vào cuộc, đặc biệt là những vùng có dịch, ổ dịch, cần coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo.

Thứ hai, phải khởi động hệ thống, nhất là hệ thống y tế, để sẵn sàng phòng chống dịch. Đồng thời, quản lý chặt chẽ biên giới; sẵn sàng dồn sức và khả năng có thể để phòng chống dịch tốt nhất. Các bệnh nhân nặng ở các bệnh viện cần phải có biện pháp quản lý tốt để hạn chế tử vong.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần thần tốc, cương quyết, dồn mọi nguồn lực và bằng mọi biện pháp xử lý triệt để ổ dịch liên quan đến các khu vực nguy cơ cao là TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam cũng như các ổ dịch khác xuất hiện. Tranh thủ từng giờ, từng phút để truy vết, áp dụng biện pháp cách ly phù hợp, lấy mẫu xét nghiệm rộng, giám sát y tế đối với tất cả các trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ mắc bệnh, tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh và các trường hợp từ ngày 1/7/2020  có đi – về từ TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và qua lại ổ dịch…

Bằng nhiều biện pháp kêu gọi người dân khai báo y tế, theo dõi tình sức khỏe. Trường hợp ho, sốt phải được kiểm tra kịp thời trên phạm vi cả nước.

IMG_1859

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng yêu cầu phải bình tĩnh, chủ động, kiên quyết để ngăn chặn có hiệu quả làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 vào Việt Nam. Tinh thần là không để lây lan trên diện rộng, không để những ổ dịch mới khi phát hiện không được ngăn chặn. Không được chủ quan nhưng không được hoang mang, dao động, bị động.

Trong những địa phương mà chưa giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì vẫn phải bảo đảm sản xuất kinh doanh, không đễ đứt gãy nền kinh tế, nhất là những trung tâm kinh tế lớn cũng như các thành phố và các địa phương trong cả nước.

Lần này dịch ở cấp độ mới, sẽ diễn ra trên diện rộng nếu như không ngăn chặn có hiệu quả, Thủ tướng nêu rõ, vì vậy, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn, bản, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch. “Chúng ta cần phải bảo vệ chính mình, gia đình mình và địa phương mình cư trú”, Thủ tướng lưu ý.

Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe cho đơn vị và cộng đồng, giữ vệ sinh, đeo khẩu trang, giảm tụ tập, giữ khoảng cách, ăn uống lành mạnh, rèn luyện sức khỏe, đặc biệt những vùng có ổ dịch thì càng phải thực hiện nghiêm túc.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch, để nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, Thủ tướng đề nghị người dân thực hiện cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại thông minh để phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì hướng dẫn, phối hợp với Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố triển khai nhanh nhất việc này.

Thủ tướng lưu ý không để xảy ra ổ dịch, nhất là các bệnh viện, cơ sở y tế và bảo vệ nhân viên y tế tốt nhất, đồng thời xử lý nghiêm minh người tung tin đồn, tin giả gây hoang mang dư luận.

Trong chỉ đạo, cần cân bằng giữa an ninh y tế và an ninh kinh tế xã hội, đặc biệt không làm những việc thái quá như ngăn sông cấm chợ; không được tuyên bố cách ly xã hội mà chưa tính toán phương án phù hợp, nhất là chưa có ổ dịch, vì điều này dễ dẫn đến bế tắc các hoạt động kinh tế, xã hội và đây còn là mầm mống gây mất trật tự an ninh.

IMG_1861

Quang cảnh cuộc họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta không chủ quan, lơ là, lỏng lẻo để dịch bệnh tràn lan, bùng phát, mất kiểm soát nhưng cũng cần tính toán rất chặt chẽ trước khi quyết định giãn cách xã hội với phạm vi và quy mô hợp lý. Trừ những ổ dịch chúng ta phải làm kiên quyết, còn không phải ổ dịch thì chúng ta phải để cho hoạt động xã hội diễn ra bình thường.

Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục kiểm soát các trường hợp nhập cảnh trên các tuyến biên giới đường bộ, đường thủy, đường biển, cảng hàng không, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở. Kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở lưu trú, các khu vực, địa điểm tập trung đông người nước ngoài. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp khởi tố các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo phương án cụ thể bảo đảm an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT, có phương án cụ thể đối với các khu vực cách ly, phải căn cứ vào thực tiễn để chỉ đạo các địa phương có phương án đảm bảo an toàn kỳ thi, có phương án chặt chẽ với các địa phương được cách ly.

Nhân dịp này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị nhân dân và các địa phương chỉ đạo một cách chặt chẽ để không hoang mang, lo lắng, tiếp tục tin tưởng của các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế. Do đó, công tác tuyên truyền tập trung vào 2 hướng: Không gây chủ quan nhưng cũng không gây hoang mang dư luận.

Nguồn Chính phủ