Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt: Càng sửa càng rối
Bộ Công Thương vừa đưa ra Dự thảo Quyết định của Chính phủ “Quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” để sửa đổi, thay thế cho Quyết định số 28 đã ban hành được hơn 6 năm (từ ngày 07/4/2014).
Mặc dù khẳng định các phương án này đã được lấy ý kiến rộng rãi nhiều đối tượng liên quan, thế nhưng, ngay sau khi Dự thảo được công bố, rất nhiều chuyên gia cho rằng, các phương án này không những chưa giải quyết được tình trạng búc xúc của nhiều hộ sử dụng điện sinh hoạt khi hóa đơn tiền điện “tăng sốc” ở một số thời điểm mà còn làm tăng thêm mối nghi ngờ về cách tính giá điện – vốn đang tồn tại nhiều bất cập thời gian qua.
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt: Càng sửa càng rối. (Ảnh minh họa)
Sự khác biệt căn bản của lần sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện lần này đó là: thay vì chỉ có một phương án biểu giá bán lẻ điện theo lũy tiến các bậc còn có thêm phương án “giá bán lẻ điện một giá” để cho khách hàng lựa chọn.
Tuy nhiên, theo tính toán, cả 3 phương án biểu giá điện được Bộ Công Thương đưa ra, phần lớn các hộ tiêu dùng điện sẽ phải trả tiền điện nhiều hơn so với biểu giá bán lẻ điện hiện hành. Đáng lưu ý, sẽ có khoảng 4 triệu khách hàng (đang sử dụng mức 200-300kWh/tháng ở thang bậc 4 trong biểu giá bậc lũy tiến 6 bậc hiện nay) sẽ bị trả tiền điện tăng cao hơn (3%) do biểu giá bán lẻ điện mới đã gộp 2 bậc thang 4 và 5 thành 1 bậc (cụ thể, theo biểu giá mới – đây là thang bậc 3 – cho số hộ sử dụng từ 200-400kWh/tháng).
Còn với phương án “điện một giá”, các chuyên gia khẳng định: chỉ những hộ tiêu dùng từ 700kWh điện một tháng trở lên (tương ứng mỗi tháng đang phải trả trên 2 triệu đồng tiền điện) thì mới nên cân nhắc lựa chọn, bởi mức giá bán điện một giá không hề “dễ chịu” chút nào. Nếu áp theo mức giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT) thì một kWh “điện một giá” người tiêu dùng sẽ phải trả khoảng 3000 đồng/kWh, thậm chí là cao hơn mức này!
Và, với phương án khác (2B), để giảm áp lực cho những hộ sử dụng hơn 700kWh lựa chọn phương án giá điện theo bậc thang có được mức 3.800 đồng/kWh (bằng 185% mức giá bán lẻ điện bình quân) thì số tiền phải trả cho mỗi kWh “điện 1 giá” cũng lên tới gần 3.200 đồng/kWh (bằng 155% mức giá bán lẻ điện bình quân).
Câu hỏi đặt ra là Bộ Công Thương đã dựa trên những cơ sở nào để đưa ra mức tham chiếu cũng như quy định giá bán lẻ điện theo các bậc thang như Dự thảo?
Sở dĩ có các phương án như vậy là bởi cơ quan quản lý đang tính toán các phương án trên cơ sở phải đảm bảo cho doanh thu của hoạt động sản xuất, kinh doanh điện cộng với lợi nhuận mà Bộ quản lý ngành yêu cầu không bị hụt đi, nghĩa là cho dù có là phương án 1 bậc, hay 5 bậc, hay bao gồm cả 5 bậc và 1 bậc thì tổng doanh thu của ngành điện là không đổi.
Tại Dự thảo lần này, chính sách an sinh xã hội đã thể hiện khá rõ – khi biểu giá 5 bậc thang đã đề xuất gộp 2 bậc đầu tiên của biểu giá hiện hành thành 1 bậc mới (từ 0-100kWh), đồng thời giữ nguyên số kWh từ 101-200 và đề xuất giữ nguyên, thậm chí giảm hơn so với mức giá hiện hành. Điều này đồng nghĩa với việc phải co/kéo ở các bậc thang cao hơn sao cho đủ, chỗ này bớt đi, ắt chỗ khác phải tăng cao để bù vào.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, giá điện bình quân hiện nay đang được tính dựa trên tổng doanh thu của ngành điện chia cho tổng lượng điện thương phẩm/tiêu dùng trong năm. Liệu doanh thu bán điện theo các phương án trên có bằng với mức giá bán lẻ điện bình quân đã được phê duyệt và bằng với tổng chi phí thực hay không? Cần phải công khai tổng doanh thu bán điện và doanh thu của từng bậc thang đối với nhóm khách hàng sinh hoạt.
Bộ Công Thương cũng cần phải làm rõ căn cứ pháp lý của việc đề xuất giá bán lẻ điện với tỷ lệ lên tới 274% so với giá bán lẻ điện bình quân trong phương án biểu giá điện mới đang đề xuất, không thể đưa ra những phương án “đánh đố” người tiêu dùng như Dự thảo đưa ra!
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.