Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà và dự lễ khánh thành cầu tại Tiền Giang
(THTG) Nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2020 – 2021, chiều ngày 04-9, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Bào trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, cùng đại diện các bộ ngành trung ương đã đến dự lễ khánh thành công trình cầu kênh Phụng Thớt ấp Hậu Quới, xã Hậu Mỹ Bắc B và trao học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Cái Bè. Về phía Tiền Giang, tiếp và tham dự cùng đoàn có ông Lê Văn Hưởng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, lãnh đạo các sở ban ngành đoàn thể tỉnh Tiền Giang và huyện Cái Bè.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cắt băng khánh thành cầu Phụng Thớt. Ảnh: Anh Tuấn
Công trình cầu Phụng Thớt được khởi công xây dựng ngày 02/5 có chiều dài 33 mét, rộng 2,9 mét, tải trọng 1,5 tấn, với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng, trong đó Quỹ Bão trợ trẻ em Việt Nam vận động Công ty Grab Việt Nam tài trợ 800 triệu đồng.
Cầu Phụng Thớt được đưa vào sử dụng không chỉ giúp học sinh, người dân trên địa bàn xã Hậu Mỹ Bắc B đi lại thuận tiện, mà qua đây còn tạo điều kiện thông thương, thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Phó Chủ tịch nước tặng quà cho học sinh nghèo huyện Cái Bè. Ảnh: Anh Tuấn
Tại buổi lễ khánh thành công trình cầu Phụng Thớt, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh – Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng đã trao tặng 2.000 quyển tập cho học sinh xã Hậu Mỹ Bắc B, tặng 50 phần học bổng cho 50 em học sinh 2 cấp Tiểu học và Trung học thuộc xã Hậu Mỹ Bắc B có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mỗi phần quà gồm 1 triệu đồng tiền mặt, 1 ba lô học sinh và các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ nhu cầu học tập của các em.
Tại đây Phó Chủ tịch cùng lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng đã ân cần thăm hỏi sức và động viên các em học sinh vượt khó học tốt, trở thành người có ích, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Những phần quà, lời thăm hỏi của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh là nguồn động viên sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với các em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em vùng khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để các em điều kiện sống tốt hơn, hòa nhập và phát triển.
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà gia đình chính sách và học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Thị xã Cai Lậy
Cùng ngày, tại Thị xã Cai Lậy, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh – Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng đã đến tặng quà gia đình chính sách và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tân Phú. Cùng tham dự có ông Nguyễn Văn Danh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và các đồng chí Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh.
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm hỏi và tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng và các gia đình chính sách xã Tân Phú. Ảnh: Anh Tuấn
Sau khi ân cần thăm hỏi sức khỏe, tình hình phát triển kinh tế của người dân và địa phương, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã trao tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Tuôi và 29 phần quà cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, mỗi phần quà trị giá 1,3 triệu đồng, gồm tiền mặt và vật phẩm. Thay mặt Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Phó Chủ tịch nước cùng lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cũng đã trao tặng 50 phần học bổng và 30 xe đạp cho các em có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi trên địa bàn xã Tân Phú.
Lãnh đạo Đảng thắp hương và thăm Khu di tích Ấp Bắc
Trước đó, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh – Phó Chủ tịch nước và ông Nguyễn Văn Danh – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ươngvà tỉnh Tiền Giang đã đến thắp hương và thăm khu di tích Ấp Bắc, Thị xã Cai Lậy.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thắp hương và tham quan Khu di tích Ấp Bắc. Ảnh: Anh Tuấn
Đoàn đã thắp hương và dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ nói chung và 3 chiến sĩ gan thép nói riêng, đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Sau đó đoàn đã đến thăm các khu vực thuộc quần thể Di tích Ấp Bắc như: Nhà trưng bày, khu tái hiện hoạt động của quân và dân Ấp Bắc trong chiến đấu, tượng đồng 3 chiến sĩ gang thép, khu trưng bày những chiến lợi phẩm sau trận đánh; nhà quản trang…
Di tích lịch sử Ấp Bắc đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia vào ngày 07/01/1993. Ấp Bắc là nơi diễn ra trận đánh lớn nhất miền Nam kể từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ. Chiến thắng Ấp Bắc là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Tiền Giang và dân tộc ta, qua đó cho thấy ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam, sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân.
Mạnh Cường
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.