Philippines “không chấp nhận” để Trung Quốc đẩy Mỹ ra khỏi biển Đông
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Lopez Locsin Jr. hôm 21-9 khẳng định với các nhà lập pháp rằng “các cường quốc phương Tây phải hiện diện ở biển Đông với tư cách là một bên cân bằng”.
Trước Quốc hội, ông Locsin tuyên bố: “Tôi có thể cam kết rằng các cường quốc phương Tây sẽ ở biển Đông. Chúng tôi tin tưởng vào cán cân quyền lực, rằng quyền tự do của người dân Philippines phụ thuộc vào cán cân quyền lực ở biển Đông”
Nhà ngoại giao hàng đầu của Philippines cũng đảm bảo với các nhà lập pháp tại Manila rằng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) đang được đàm phán giữa các quốc gia Đông Nam Á và Bắc Kinh sẽ không ngăn các cường quốc phương Tây hiện diện ở biển Đông như đòi hỏi của Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Lopez Locsin Jr. khẳng định: “Các cường quốc phương Tây phải hiện diện ở biển Đông với tư cách là một bên cân bằng”. Ảnh: Manila Bulletin
Ông Locsin nhắc lại tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế khi thúc đẩy hoàn thành COC. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines khẳng định COC ở biển Đông là mong muốn của Philippines nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
“Thông qua luật pháp quốc tế, chúng ta mới có thể hy vọng gặt hái được những thành quả chính đáng. Đó là điều không thể thương lượng của chúng tôi” – ông Locsin nói.
Đã có lúc các bế tắc trong đàm phán COC xuất phát từ phía Trung Quốc. Hồi tháng 9-2019, Philippines thông báo một bản dự thảo COC chỉ đạt được sau khi Bắc Kinh “bớt quyết tâm theo đuổi các điều khoản gây tranh cãi”.
Thông điệp của ông Locsin là lời bác bỏ lời kêu gọi của Trung Quốc vào tuần trước khi Bắc Kinh kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á chống lại ảnh hưởng của Mỹ.
Cụ thể, ngày 17-9, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila tuyên bố: “Một số quốc gia bên ngoài khu vực có ý định can thiệp vào các tranh chấp ở biển Đông và quá trình tham vấn COC để phục vụ chương trình nghị sự địa chính trị của riêng mình. Chống lại sự can thiệp đó là rất quan trọng để thúc đẩy các cuộc tham vấn COC trong tương lai”. Thông cáo này được cho là nhắm vào Mỹ dù không nêu đích danh.
Đáp lời, trong một tuyên bố trên Twitter, ông Locsin cho rằng COC đang được xúc tiến là văn kiện mà mọi người đều nhất trí.
Philippines tham gia Hội nghị ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc diễn ra trực tuyến ngày 9-9. Ảnh: Bộ Ngoại giao Philippines
Trước đó, Washington chỉ trích các cuộc tập trận của Bắc Kinh tại khu vực tranh chấp cùng các hành động “cưỡng ép, đe dọa” nước khác trong khu vực. Mỹ nhiều lần kêu gọi ASEAN nên đặt câu hỏi về mức độ chân thành của Bắc Kinh sau các động thái trên biển.
Ông Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cao cấp thuộc Trung tâm nghiên cứu RAND Corporation (Mỹ), nói rằng Philippines có tầm quan trọng thực sự đối với Mỹ không phải chỉ vì Manila là nơi đặt căn cứ hải quân ở nước ngoài lớn nhất của Washington, mà còn vì Manila là một đồng minh hiệp ước có liên quan trực tiếp vào các tranh chấp trên biển Đông.
Mối quan hệ đó đem lại cho Mỹ lợi thế về vị trí địa lý đối với biển Đông trong trường hợp xảy ra xung đột trong tương lai. Theo ông Grossman,”Mỹ vẫn có thể xoay sở mà không cần tiếp cận các căn cứ ở Philippines, nhưng khi đó phản ứng sẽ trở nên kém mạnh và chậm hơn.
Theo ông Lâm Sĩ, một nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Hải Nam (Trung Quốc), mối quan hệ lâu nay giữa Manila và Washington khiến Bắc Kinh cũng rất muốn “chăm sóc” mối quan hệ với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.