Xung đột Mỹ-Trung gia tăng, Châu Á lo mắc kẹt giữa “hai làn đạn”
Châu Á lo ngại rơi vào tình thế mắc kẹt
Trong bài phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 22/9, Tổng thống Trump yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, đồng thời hối thúc các quốc gia khác đặt lợi ích của họ lên trên hết, còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cáo buộc Mỹ phá hoại chủ nghĩa đa phương. Các nhà lãnh đạo khác kêu gọi cải cách Liên hợp Quốc để đối phó với những nguy cơ về địa chính trị trên toàn cầu.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo: “Chúng ta đang đi theo một định hướng nguy hiểm, giống như bước vào một cuộc chiến tranh Lạnh mới”.
“Thế giới của chúng ta không thể có được tương lai khi mà hai nền kinh tế lớn nhất chia cắt thế giới trong sự rạn nứt lớn, trong khi mỗi bên lại có những quy tắc tài chính, thương mại, có năng lực internet và trí tuệ nhân tạo khác biệt”.
“Sự chia rẽ về kinh tế và kỹ thuật có nguy cơ chuyển thành sự chia rẽ về quân sự và địa – chiến lược. Chúng ta phải tránh kịch bản xấu này bằng mọi giá”, ông Antonio Guterres cho biết thêm.
Tương phản giữa tầm nhìn quản trị toàn cầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump đã cho thấy rạn nứt lớn giữa hai cường quốc. Chính quyền Tổng thống Trump cho rằng Trung Quốc muốn tạo ra một thế giới đối lập với các lợi ích của Mỹ, còn Bắc Kinh lo ngại Washington đang tìm mọi cách kiềm chế sự trỗi dậy của họ.
Chưa dừng lại ở đó, cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc để giành vị trí dẫn đầu và những khác biệt trong hệ thống giá trị của họ đã đẩy căng thẳng lên một nấc thang mới mà giới phân tích cho rằng có thể dẫn đến cuộc chiến tranh Lạnh 2.0.
Các quốc gia nhỏ hơn tại châu Á cố gắng tránh bị cuốn vào vòng xoáy nguy hiểm, nhưng nỗ lực này ngày càng trở nên khó khăn hơn khi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Thời gian gần đây, Washington đã thể hiện lập trường cứng rắn trước tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Biển Đông, hối thúc các nước khác thận trọng trước Sáng kiến Vành đai – Con đường và đưa tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc vào danh sách đen.
Ông Alexander Neill, nhà nghiên cứu cấp cao về an ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu quốc tế chiến lược Singapore nhận xét, mối lo ngại về ảnh hưởng của xung đột Mỹ-Trung đã gia tăng tại Đông Nam Á, ngay cả khi các nước như Singapore cố gắng cân bằng giữa quan hệ kinh tế với Trung Quốc và quan hệ an ninh với Mỹ.
Ông Alexander Neill nói: “Nhiều nước Đông Nam Á có quan hệ kinh tế vô cùng chặt chẽ với Trung Quốc, nhưng họ đã bắt đầu đặt câu hỏi liệu tầm nhìn quản trị mà Bắc Kinh theo đuổi, cũng như cách hành xử của nước này có phù hợp với các lợi ích của họ hay không. Các quốc gia Đông Nam Á có lẽ đã suy xét kỹ lưỡng việc bên nào sẽ tiếp tục mang đến những giá trị cho khu vực trong tương lai gần, bên cạnh vấn đề an ninh. Tôi cho rằng họ vẫn tin Mỹ là nước có thể mang đến những giá trị đó”.
“Chiến tranh Lạnh 2.0 đã bắt đầu”
Tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc ngày 22/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016, theo đó bác bỏ hầu hết yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Duterte cũng viện dẫn sự ủng hộ công khai của Mỹ đối với phán quyết này vào tháng 7 vừa qua.
Aaron Rabena, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Con đường tiến bộ châu Á-Thái Bình Dương có trụ sở tại Manila đánh giá, nhận xét của Tổng thống Duterte cho thấy ông muốn những tuyên bố của Philippines được tôn trọng nhưng không muốn căng thẳng giữa hai cường quốc chuyển thành một “cuộc chiến tranh nóng”.
“Trước hết là bởi khu vực đang có nhiều biến động về mặt kinh tế khi hầu hết các quốc gia đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19. Một nguyên nhân khác là Philippines có thể rơi vào tình thế mắc kẹt vì Manila và Washington đã ký Hiệp ước phòng thủ chung nhằm bảo vệ lẫn nhau trước các cuộc tấn công, cũng như cho phép quân đội Mỹ hiện diện trên lãnh thổ Philippines. Một cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng Mỹ sẽ được xem như cuộc tấn công nhằm vào Philippines và buộc quốc gia này phải có nhiệm vụ hỗ trợ”, ông Aaron Rabena nhận xét.
Tương tự, Ấn Độ cũng gia tăng những lo ngại đối với Trung Quốc. Tại New Dehli, đã có những tiếng nói kêu gọi dần tách rời khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại khu vực biên giới giữa hai nước trên dãy Himalaya đang diễn biến phức tạp.
Madhav Das Nalapat – chuyên gia nghiên cứu về địa chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Manipau cho rằng, Ấn Độ dù chưa sẵn sàng thúc đẩy quan hệ liên minh với Mỹ, nhưng có thể phối hợp với Washington để đối phó Trung Quốc. Ngoài tăng cường hợp tác với Mỹ, New Dehli có thể mở rộng điều phối với Nhật Bản, Australia – các nước nằm trong nhóm Bộ Tứ.
Sự trỗi dậy của Ấn Độ trong khu vực, thế cân bằng giữa nước này với Pakistan và triển vọng hình thành liên minh Mỹ-Ấn đã khiến Trung Quốc phải dè chừng.
“Nếu Ấn Độ gia nhập nhóm các nước đang ở phía đối đầu với Trung Quốc thì đây sẽ là cơ hội lý tưởng để các công ty của Mỹ và Nhật Bản tìm cách chuyển nhà máy, dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ”, ông Nalapat nói.
Theo nhà phân tích Nalapat, sức nóng của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng được cảm nhận rõ rệt hơn tại khu vực châu Á và sự đối đầu giữa hai bên có thể làm gia tăng nguy cơ xung đột quân sự.
“Với quỹ đạo của Trung Quốc như hiện nay và những phản ứng mạnh mẽ từ phía Mỹ nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh, một tình huống như vậy là không thể tránh khỏi. Chiến tranh Lạnh 2.0 đã bắt đầu”.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.