UBND tỉnh đề xuất các giải pháp đưa Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào năm 2025

(THTG) Chiều ngày 13-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 bước vào phần phát biểu tham luận và thảo luận tại hội trường của các đại biểu. Đoàn chủ tịch điều hành Đại hội gồm ông Nguyễn Văn Danh – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Võ Văn Bình – Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang; ông Lê Văn Hưởng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang.

Mở đầu phần phát biểu tham luận và thảo luận, UBND tỉnh Tiền Giang có bài phát biểu quan trọng, thu hút sự quan tâm của đại biểu tại Đại hội, đó là giải pháp phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới, nhằm đạt mục tiêu “tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” vào năm 2025.

vlcsnap-2020-10-13-16h08m53s440

vlcsnap-2020-10-13-16h09m04s658

Ông Lê Văn Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tham luận tại đại hội. Ảnh: Bá Thủy

Theo đó, trong thời gian tới đề đạt được mục tiêu trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, tập trung vào một số công việc trọng tâm sau:

Thứ nhất: Tập trung xây dựng và tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm căn cứ triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Kế hoạch đầu tư công 5 năm và hàng năm. Thực hiện kịp thời công tác tư vấn, nghiên cứu xây dựng Quy hoạch theo cách tiếp cận mới, theo hướng tích hợp các quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong định hướng phát triển…, nhất là phải tìm ra ý tưởng mới nhằm khai thác ngày càng tốt hơn tiềm năng lợi thế của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục rà soát loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở đầu tư phát triển; tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong huy động, tiếp cận cũng như phát huy tối đa các nguồn lực trong hoạt động đầu tư phát triển.

Một góc thành phố bên sông Tiền về đêm

Một góc thành phố bên sông Tiền về đêm. Ảnh: Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang

Thứ hai: Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã. Tập trung triển khai giải pháp để nâng qui mô và chất lượng nhằm hình thành được nhiều doanh nghiệp có qui mô vừa và có một ít doanh nghiệp vươn lên qui mô lớn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời nghiên cứu các giải pháp để động viên, tạo điều kiện nhằm chuyển nhanh một số hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Có kế hoạch xây dựng nhóm hợp tác xã điển hình tiêu biểu để từ đó hỗ trợ, tạo điều kiện nhân rộng, phát triển các hợp tác xã khác gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển doanh nghiệp nông thôn nhằm tạo nên nguồn lực tại chỗ thúc đẩy khu vực nông thôn phát triển.

Thứ ba: Xây dựng nông thôn mới được tỉnh triển khai trên diện rộng và đạt được nhiều kết quả tích cực; quyết tâm phấn đấu đến năm 2025, Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để đạt mục tiêu này, bài học kinh nghiệm từ thực tiễn thời gian qua chính là cần xác định rõ người dân là chủ thể trực tiếp tham gia thực hiện và hưởng thụ, trên cơ sở lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy địa phương và sự chủ động trong điều hành, quản lý, hỗ trợ của chính quyền các cấp.

khenthuong1

Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao quyết định của Thủ tướng chính phủ công nhận huyện Gò Công Đông đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020. Ảnh: Phan Quyền

Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đã có 116/143 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đến cuối năm 2020, tỉnh Tiền Giang sẽ có khoảng 119/143 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy, đối với 24 xã còn lại, UBND tỉnh dự kiến sẽ trình Hội đồng Nhân dân  tỉnh bố trí vốn đầu tư công (13 tỷ đồng/xã) ngay kế hoạch đầu tư công năm 2021, nhằm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các xã này sớm đạt chuẩn. Đối với các huyện còn lại (6/11 đơn vị) sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đầu tư cơ sở vật chất, từng đơn vị có lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới: Dự kiến năm 2021 sẽ là huyện Gò Công Tây, năm 2022 là huyện Cai Lậy, năm 2023 là huyện Châu Thành và huyện Cái Bè, năm 2024 là huyện Tân Phước và năm 2025 sẽ là huyện Tân Phú Đông.

Thứ tư: Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trước hết là hạ tầng giao thông với 3 trọng điểm: đầu tư nâng cấp tải trọng một số tuyến đường trục hiện hữu, phân bổ mạnh kinh phí cho duy tu bảo dưỡng cầu đường và nghiên cứu đầu tư một số tuyến đường mới, tạo động lực cho phát triển.

Thực hiện giải pháp này, tỉnh  Tiền Giang sẽ tập trung nâng cấp các tuyến đường trục, đường vành đai và đồng bộ với cầu giao thông có tải trọng cao, trước hết là ở các vùng chuyên canh cây ăn trái, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, nhằm giảm chi phí vận chuyển, giảm hao hụt trong khâu bốc dở, bảo quản sau thu hoạch và trung chuyển, góp phần giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho trái cây của tỉnh, giúp người nông dân trồng cây ăn trái nâng cao thu nhập, tiến tới khá giả và giàu có.

vlcsnap-2020-10-05-14h13m00s069

Những bước chân đầu tiên của đại biểu và người dân  trên cầu Vàm Trà Lọt, bắc qua sông Trà Lọt, trên tỉnh lộ 864 vừa được khánh thành vào ngày 05-10. Ảnh: Minh Trí

Bên cạnh đó, sẽ bổ sung, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông của tỉnh theo hướng dọc trục Đông Tây với 3 trục cơ bản: Trục thứ nhất là Quốc lộ 1A nối với Quốc lộ 50; trục thứ hai là kênh Nguyễn Văn Tiếp cùng với kênh Chợ Gạo; trục thứ ba là Đường tỉnh 864 nối dài, bắt đầu từ Quốc lộ 30 (huyện Cái Bè) và kết thúc tại huyện Gò Công Đông, gắn với đường đê biển Gò Công, đường ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo quy hoạch chi tiết đường ven biển Việt Nam.

Sau khi xây dựng xong Cầu Trà Lọt, Cầu Cái Thia để nối tuyến Đường tỉnh 864 từ Mỹ Tho tới Mỹ Thuận, sẽ đầu tư tuyến đường nối từ Kè Phường 2 về tới Tân Thành, hình thành tỉnh lộ 864 dài nhất tỉnh để khai thác đúng mức tiềm năng, lợi thế vùng đất dọc sông Tiền, gắn với phát triển kinh tế biển, phát triển vùng công nghiệp phía Đông và thúc đẩy liên kết vùng thông qua việc kết nối với Quốc lộ 30 để đi tỉnh Đồng Tháp, tỉnh An Giang…; kết nối với Quốc lộ 1, Quốc lộ 60 để đi tỉnh Bến Tre, tỉnh Trà Vinh…; kết nối với Quốc lộ 50 và đường ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến hình thành trong tương lai.

Thứ năm: Trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất chịu ảnh hưởng bởi tác động của dịch Covid- 19, tỉnh Tiền Giang đã xác định nông nghiệp là một trụ đỡ rất quan trọng, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa góp phần đảm bảo an sinh xã hội và trật tự trị an trên địa bàn tỉnh. Là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng trái cây, với hơn 80.000 hecta và 1,5 triệu tấn/năm, cùng mạng lưới thu mua rộng khắp các vùng chuyên canh và 14 nhà máy chế biến trái cây đang hoạt động với công suất chế biến 47.000 tấn/năm, tỉnh đã xác định 7 chủng loại cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu gồm: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, khóm Tân Phước, thanh long Chợ Gạo và sơ ri Gò Công.

Xoai-cat-Hoa-Loc-700x393vlcsnap-2020-03-12-15h20m38s354-700x393

Xoài cát Hoà Lộc và thanh long Chợ Gạo – 02 trong số 07 chủng loại cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang

Để phát huy tiềm năng sẵn có, thời gian tới Tiền Giang sẽ tập trung phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tăng cường khuyến khích việc hợp tác, chế biến, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là ngành nghề chế biến trái cây. Trong đó, xác định lấy doanh nghiệp làm trung tâm để thúc đẩy sản xuất, chú trọng thu hút đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu với quy mô sản xuất tập trung, thúc đẩy hình thành các liên kết sản xuất như: Câu lạc bộ, tổ liên kết, hợp tác xã, trang trại; hình thành liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp nhằm mở rộng quy mô sản xuất đạt các chứng nhận tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ..), qua đó thúc đẩy chuyển giao khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường, vừa góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, vừa giúp tiêu thụ nhanh hơn, nhiều hơn các loại trái cây của tỉnh, nhất là trái cây từ cấp loại 2 trở xuống; từ đây sẽ góp phần ổn định giá cả các mặt hàng trái cây, tạo động lực để người nông dân tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách căn bản và hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, có thể nhận thấy sau các đợt ứng phó với hạn mặn thì vấn đề nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là hết sức quan trọng, do đó, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cho hạ tầng giao thông thì việc nghiên cứu tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một tuyến ống chính để chuyển tải nước về các huyện phía Đông, thu hút đầu tư nhà máy nước và hệ thống chuyển tải nước thô từ huyện Cái Bè cung cấp cho các nhà máy nước sạch hiện có, kể cả cung cấp nước tưới trong nông nghiệp để phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và phòng ngừa rủi ro là hết sức cấp thiết. Đồng thời, sẽ vận động nhân dân tự đào ao trữ nước ngọt và xây dựng các hồ chứa nước ngọt phân bổ đều khắp những vùng khó khăn về nước ngọt của tỉnh, kết hợp với gia cố, khôi phục các tuyến kênh mương trên địa bàn để tăng lượng nước ngọt dự trữ, đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất trong những mùa khô hàng năm và những năm tiếp theo.

Thứ sáu: Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án lớn trên địa bàn tỉnh, kết hợp với công tác chỉnh trang đô thị, nâng cấp vỉa hè, hệ thống thoát nước, mở rộng hẻm, hệ thống giao thông… ở các khu thị trấn, thị tứ xung quanh các đô thị trung tâm, gắn kết công tác này với xây dựng nông thôn mới nhằm tạo sức lan tỏa, từng bước nâng vị thế của khu vực nông thôn, tạo điều kiện để hình thành và phát triển thêm các đô thị mới, qua đó vừa chuyển động mạnh thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh, vừa giải quyết thực trạng phát triển đô thị còn chậm trong thời gian qua.

vlcsnap-2019-02-12-14h57m37s938

 

vlcsnap-2019-02-12-15h03m16s057

vlcsnap-2019-02-12-15h01m56s231

Cảng Mỹ Tho đón đoàn khách quốc tế đầu tiên năm 2019. Ảnh: Trần Liêm

Tiếp sau dự án Khu phức hợp tại khu đất Nhà thiếu nhi của tỉnh (cũ) sẽ là Dự án Khách sạn Central Plaza và Cảng Du thuyền đang triển khai. Đồng thời tập trung phát triển khu đô thị phía Bắc Quốc lộ 50 gắn kết với Quảng trường Trung tâm tỉnh, dự án Khu dân cư An Hòa, Đường Hùng Vương nối dài và khu dân cư hai bên đường, dự án đường Trần Hưng Đạo nối dài và khu dân cư 2 bên đường ở khu vực xã Đạo Thạnh. Triển khai các dự án tại khu dân cư dọc sông Tiền như: Khách sạn, Phố đi bộ, Phố ẩm thực, Trung tâm thương mại dịch vụ phức hợp; các dự án gắn với khai thác khu quy hoạch dự án Công viên Trái cây Cái Bè… Tập trung thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao tại các khu đất công: Khu 65 ha đất công tại xã Tam Hiệp;  Khu 200 ha tại xã Mỹ Phước; Khu 200 ha quy hoạch phát triển chăn nuôi tại xã Thạnh Hòa; Khu 352 ha quy hoạch nuôi thủy sản tại xã Phú Tân…; đồng thời nghiên cứu triển khai dự án Kè kết hợp với đường dọc kênh Bảo Định khởi đầu từ phía cống Bảo Định vào nội thị Mỹ Tho, đầu tư chỉnh trang và nâng cấp Công viên Tết Mậu Thân xứng tầm đô thị Mỹ Tho. Tập trung phát triển vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước và Gò Công, trước mắt là KCN Soài Rạp, KCN Bình Đông, CCN Mỹ Lợi, CCN Gia Thuận 1, CCN Gia Thuận 2, CCN Thạnh Tân…

Thứ bảy: Tập trung khai thác hiệu quả khu quần thể Bệnh viện Đa khoa tỉnh  Tiền  Giang (trên Quốc lộ 1), qua đó thu hút nguồn nhân lực cho ngành Y tế tỉnh; đồng thời, tiến hành mời gọi các đơn vị chuyên ngành của Bộ Y tế và Tp. Hồ Chí Minh cùng hợp tác khai thác khu đất theo qui hoạch xây dựng bệnh viện đã được phê duyệt theo hướng đầu tư cho công tác khám chữa bệnh và phục vụ cho công tác khám chữa bệnh như khu thương mại phục vụ, nhà nghỉ cho người nuôi bệnh và các dịch vụ phục vụ khác theo qui định. Nghiên cứu qui hoạch thêm xung quanh khu vực này các trung tâm nghiên cứu y khoa kỹ thuật cao và trung tâm thương mại để khi đủ điều kiện sẽ hình thành quần thể khám chữa bệnh có vị trí tốt của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó sẽ có điều kiện liên kết sâu hơn trong lĩnh vực Y tế với Tp. Hồ Chí Minh, giúp thu hút thêm nhân lực Y tế chất lượng cao đến làm việc tại tỉnh, góp phần phục vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và người dân Tiền Giang.

Thứ tám: Tăng cường tiến độ đầu tư Trường Đại học Tiền Giang, tập trung nâng cao chất lượng quản trị và trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên, xây dựng phương án khai thác hiệu quả gắn với việc liên kết các viện, trường có uy tín nhằm thúc đẩy việc xây dựng, phát triển thương hiệu nhưng không để bị phụ thuộc và làm mất lợi thế của trường. Theo định hướng này, sẽ dành quỹ đất theo quy hoạch ở khu vực này cho đào tạo đại học và phục vụ đào tạo, tiến tới xác lập vị thế của Trường trong khu vực.

Thứ chín: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công. Hướng tới sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp các trụ sở tiếp công dân, trụ sở giải quyết các thủ tục hành chính ở cấp huyện và cơ sở. Hiện tại tỉnh Tiền Giang đang tiếp tục triển khai xây dựng trụ sở làm việc của 8 sở, ngành tỉnh còn lại hợp khối Trung tâm Phục vụ hành chính công và trụ sở 4 sở đã xây dựng xong để người dân, doanh nghiệp thuận tiện, dễ dàng đi lại khi đến quan hệ giao dịch. Bên cạnh đó, sẽ đề xuất đầu tư Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Cơ quan kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại khu vực xung quanh Trung tâm Phục vụ hành chính công, nhằm kết nối tốt hơn việc giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân. Việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kết hợp với tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, thi đua thực hiện văn hóa công sở, nâng cao trách nhiệm của công chức khi thực thi công vụ chắc chắc sẽ nâng cao được chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân trong thời gian tới.

Trung tam hanh chinh cong 9

Công tác phục vụ hành chính công được cải cách và nâng cao hiệu quả. Ảnh: Việt Bình

Thứ mười: Tập trung xử lý vấn đề môi trường, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Tăng cường hơn nữa vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến rõ nét và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội của mỗi người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường. Khởi đầu từ các xã nông thôn mới, các xã đang xây dựng nông thôn mới, sau đó lan tỏa ra nhiều địa phương khác, sẽ tập trung tuyên truyền, vận động người dân xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp và an toàn thông qua các phong trào, hành động thiết thực cụ thể, như: định kỳ tổ chức dọn dẹp, thu gom, xử lý rác thải và bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, đảm bảo thông thoáng lòng sông, kênh rạch; tăng cường bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, trồng trọt; hạn chế việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa, thủy tinh; chủ động trồng thêm hoa kiểng, cắt tỉa cây xanh, chỉnh trang sạch đẹp các tuyến đường giao thông nông thôn.

vlcsnap-2020-10-13-16h10m32s673

vlcsnap-2020-10-13-16h10m18s725

vlcsnap-2020-10-13-16h11m16s891

Ông Nguyễn Văn Mẫn – Giám đốc Sở NN&PTNN trình bày tham luận về tình hình nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Bá Thủy

Bên cạnh các giải pháp tổng thể, nhằm cụ thể hoá mục tiêu đưa tỉnh Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào năm 2025, một trong những vấn đề cũng được đại biểu quan tâm đó là giải pháp chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Giải pháp này được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tập trung vào các nội dung gồm:

– Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, bền vững có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh cao, trong đó trọng tâm làphát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

– Thứ hai, cùng với các ngành, địa phương định hướng nhân dân trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở từng vùng phù hợp với biến đổi khí hậu, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế rủi ro, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người nông dân.

– Thứ ba,duy trì và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến.

– Thứ tư, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biển đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai.

Ngày mai (14-10) Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025  tiếp tục chương trình làm việc với phần bầu cử, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc nội dung và diễn biến của Đại hội trong các bản tin tiếp theo…

Phúc Huy