Sau bão, người dân trở về trong tan hoang
Bão số 9 được dự báo khá chính xác nên công tác ứng phó được triển khai sớm. Hàng trăm ngàn dân tức tốc được sơ tán đến nơi an toàn trong một thời gian ngắn, trước khi bão ập đến. Trong đêm 27 đến sáng 28-10, các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng dốc sức đến từng nhà để sơ tán dân đến chỗ tránh trú an toàn.
Đến 0 giờ ngày 28-10, bão bắt đầu áp sát đất liền, cả nước hướng về miền Trung với những tin nhắn, cuộc gọi sốt sắng, khẩn cấp. Tại những vùng quê nghèo ven biển Quảng Ngãi, người dân khắp nơi dắt díu nhau co cụm, san sẻ từng nắm cơm, gói mì tôm để qua bữa chạy bão.
“Chúng tôi ứng trực trước gió bão để theo dõi kịp thời xử lý các sự cố trong bão. Đặc biệt, khi có người dân nào mắc kẹt, nhà bị sập chúng tôi sẽ đến ứng cứu”, anh Nguyễn Ngọc Sáu (39 tuổi), thành viên trong tổ cứu bão của làng Liên Trì Đông, chia sẻ.
Tại Đà Nẵng, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ suốt ngày đêm lo sơ tán dân, nhất là người dân vùng ven biển, công nhân, sinh viên đến trụ sở cơ quan nhà nước, trường học… để tránh bão. Lực lượng chức năng của TP Đà Nẵng đến từng chiếc thuyền, bè cá để đưa ngư dân vào bờ trú ẩn. Đoàn Thanh niên, lực lượng dân quân đến tận nhà dân để cõng người già, trẻ con, người tàn tật đến nơi trú bão tập trung.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy tiền phương ứng phó với bão số 9, tính đến 17 giờ ngày 28-10, bão số 9 làm chết 1 người ở Gia Lai và 2 người bị thương ở tỉnh Bình Định. Có 34 nhà bị sập, 56.163 nhà bị tốc mái và 35 điểm trường bị hư hỏng.
Qua cơn bão dữ, bà Phạm Thị Hạnh (65 tuổi, ở làng biển Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) trở về ngồi trước ngôi nhà tan hoang của mình. Bà Hạnh sống neo đơn, nghèo khó, dành dụm và đi vay được 100 triệu để xây ngôi nhà. Nhưng giờ đây ngôi nhà của bà chỉ còn là đống đổ nát.
Trong xóm bà Hạnh, hàng loạt nhà khác cũng bị sóng biển, gió bão tàn phá. Ngồi phờ phạc trước ngôi nhà rách tươm, anh Nguyễn Ga Niêm (38 tuổi, xóm 1, làng biển Phước Thiện) buồn bã: “Trước bão, vợ chồng tôi đưa 2 con nhỏ lên gửi bà ngoại rồi chạy về chằng chống nhà cửa cẩn thận mới đi sơ tán. Trở về, nhà bị gió bão, triều cường đánh phá tan nát”.
Khuôn mặt khắc khổ vẫn còn vẻ kinh hãi, ông Nguyễn Tấn Triều ở làng biển Châu Me (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), kể: “Tôi nay đã gần 60 năm rồi mà chưa bao giờ thấy cơn bão nào mạnh đến như thế. Mặc dù đã được thông báo và chằng chống nhà cửa rồi nhưng bão đã thổi bay mất mái tôn”.
Tại TP Đà Nẵng, từ khoảng 7 giờ 30 ngày 28-10, trước thời điểm bão số 9 đổ bộ, trời mưa rất to kèm theo gió giật với cường độ mạnh tăng dần. Hàng loạt mái tôn nhà cửa của dân, quán hàng, bảng hiệu quảng cáo, cây cối, tường rào công trình bằng tôn bị gió quăng quật khắp nơi nhìn tan hoang như bãi chiến trường. Tổng Công ty Điện lực miền Trung cho biết, bão số 9 đã làm lưới điện 110kV bị sự cố 14 đường dây và 10 trạm biến áp. Lưới điện trung áp mất điện 15.700 trạm hiện đã khôi phục được 2.138 trạm. Đến 22 giờ 30 tối qua, vẫn còn 13.560 trạm chưa khôi phục được, gây mất điện trên diện rộng.
Tại huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk có mưa kèm gió lớn, khiến nhiều căn nhà bị tốc mái, hàng trăm hécta hoa màu bị ảnh hưởng. Gió lớn đã thổi bay một tấm tôn đập vào một người đang đi xe máy khiến người này ngã xuống đường, tử vong.
Tại Kon Tum, mưa bão đã cuốn trôi cầu Đắk Pne (xã Đắk Pne, huyện Kon Rẫy) cô lập 3 thôn với 438 hộ, 1.466 nhân khẩu. Ngoài cầu Đắk Pne thì cầu treo thôn 11, xã Đắk Ruồng, huyện Kon Rẫy cũng bị cuốn trôi.
Tối 28-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện gửi Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Tư lệnh Quân khu 5; UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan cùng lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp tại xã Trà Len, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vào tối cùng ngày.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.