Khởi nghĩa Nam Kỳ góp phần tô thắm trang sử quật cường của dân tộc
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ với những bài học kinh nghiệm phải trả bằng máu là một trong những bản hùng ca bi tráng nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam bộ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Tuy chưa thành công, nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ là thắng lợi của ý chí kiên cường, bất khuất, lòng dũng cảm, dám chấp nhận hy sinh của đồng bào, các chiến sĩ cộng sản, chứng tỏ lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quật khởi của nhân dân ta. Đó cũng chính là cơ sở thực tiễn để Đảng ta đưa ra những quyết sách đúng đắn, dẫn dắt nhân dân đi đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành lấy độc lập, tự do và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhận định được sự chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước, từ tháng 3-1940 tại Nam Kỳ đã xuất hiện “Đề cương khởi nghĩa Nam Kỳ”. Chủ trương khởi nghĩa chính thức được soạn thảo tại Hội nghị mở rộng của Xứ ủy Nam Kỳ từ ngày 21 đến 27-7-1940 tại Tân Hương (Mỹ Tho). Hội nghị đã nhất trí cử đồng chí Phan Đăng Lưu ra Bắc liên hệ với các đảng bộ miền Trung và miền Bắc để bàn việc phối hợp hành động sao cho thống nhất.
Trong thời gian chờ đợi và để có sự chuẩn bị tốt nhất cho một cuộc khởi nghĩa, Hội nghị đã đề ra những công việc cần kíp trước mắt phải làm. Một tháng sau, Xứ ủy Nam Kỳ tiếp tục ra “Thông cáo ngày 4-9-1940 đối với thời cuộc hiện tại”, Thông cáo nhận định tình hình thế giới và trong nước đồng thời chỉ ra rằng: “trước nguy cơ đó, Đảng Cộng sản chúng ta phải tập trung mọi lực lượng ráo riết chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang để giành lại chính quyền”, ngoài ra Thông cáo còn đề cập đến việc thành lập và huấn luyện các đội tự vệ ở khắp nơi. Từ ngày 21 đến 23-9-1940, đồng chí Tạ Uyên đã triệu tập họp Xứ ủy mở rộng tại Tân Xuân (Hóc Môn, Gia Định). Hội nghị đã vạch rõ đường hướng cho cuộc khởi nghĩa sẽ nổ ra hai tháng sau đó và thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn là vị trí trọng điểm, khởi phát lệnh khởi nghĩa chung cho toàn Nam Kỳ. Hội nghị còn nhận định rằng, tình hình lúc này chưa chín muồi nhưng nếu không khởi nghĩa sẽ khiến quần chúng mất tinh thần, rời xa Đảng, khiến Đảng mất ảnh hưởng và tín nhiệm trong quần chúng, khiến cách mạng tan rã, trái lại nếu tiến hành khởi nghĩa sẽ có lợi vì khi đó ta có thể biểu thị sự hùng hồn của lực lượng đấu tranh giành độc lập, làm cho nhân dân thấy rõ tính ưu việt của chế độ ta, giữ được Mặt trận dân tộc phản đế… Tuy nhiên, lúc này đồng chí Phan Đăng Lưu ra Bắc vẫn chưa về, và quan trọng hơn là công tác chuẩn bị vẫn còn đang tiến hành chưa xong, nhất là tại Sài Gòn.
Quán triệt tinh thần của các cuộc Hội nghị, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy, Thành ủy gấp rút thực hiện những nhiệm vụ mà Xứ ủy giao. Công tác chuẩn bị hết sức khó khăn, có thể gặp bất trắc, hiểm nguy bất cứ lúc nào, nhưng các cán bộ lãnh đạo, những chiến sĩ cách mạng của Thành ủy vẫn luôn giữ vững tinh thần thép, kiên cường, không quản nguy khó để thực hiện các khâu chuẩn bị.
Về công tác tuyên truyền, dù bị địch lùng soát gắt gao nhưng tờ báo Tiến Lên – cơ quan tranh đấu của Mặt trận phản đế vẫn cố gắng ra đều, được in tại Sài Gòn, phát hành rộng tới tất cả các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, sau vụ vỡ cơ quan in báo Tiến Lên ở thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn, các đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Thị Minh Khai bị bắt, cơ quan báo được bí mật chuyển về Vĩnh Long, rồi sau đó là chuyển về Mỹ Tho. Ở Chợ Lớn, Thành ủy chỉ đạo bí mật cho ra thêm các báo Phổ thông, Đời sống… tích cực vận động người dân tham gia Mặt trận, vừa hướng dẫn công tác chuẩn bị khởi nghĩa.
Nhiều cuộc mít tinh được tổ chức khắp nơi để giải thích đường lối chính sách của Đảng, của Mặt trận, vạch tội ác của bọn phát xít. Hình thức truyền đơn cũng xuất hiện mọi nơi và liên tục. Cùng với truyền đơn là sự xuất hiện của băng rôn, cờ hiệu, biểu ngữ, cờ đỏ búa liềm ngập cả một trời.
Thành ủy còn thành lập được một Ban chấp hành Thanh niên thành phố, đảm nhiệm công tác in ấn, rải truyền đơn. Mặc dù, chính quyền thực dân đã ra sức đàn áp, bắt bớ, giam cầm, tra tấn và đàn áp thẳng tay, nhưng khắp nơi trên Sài Gòn – Chợ Lớn đều xuất hiện những tờ truyền đơn với những lời lẽ thống thiết gây xúc động lòng người, thổi bùng lên ngọn lửa và ý chí quyết tâm chống giặc ngoại xâm của mỗi người dân Sài Gòn – Chợ Lớn. Bên cạnh việc tuyên truyền bằng sách báo, truyền đơn, biểu ngữ, treo cờ, Thành ủy còn tổ chức ra những đội tuyên truyền có mặt khắp các cơ sở. Đây là phương pháp thu được nhiều kết quả tích cực, kích thích quần chúng, gây xôn xao dư luận xã hội, lôi kéo được một số lượng lớn người dân ngả về phía cách mạng.
Nhờ vào sức ảnh hưởng của các hoạt động tuyên truyền mà phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo lan rộng tới cả học sinh – sinh viên, tại một số trường đã có nhiều chi bộ được thành lập, viên chức các công, tư sở như bệnh viện Lalung Bonnaire (nay là bệnh viện Chợ Rẫy) cũng phần nào ngả về phía cách mạng, nhờ vậy cán bộ bị ốm đau được bí mật đưa đến đây để chữa trị.
Một số trí thức cũng ngả về phía cách mạng, như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Trần Vọng Kim, bác vật Lưu Văn Lang, Giang Văn Khánh, luật sư Trịnh Đình Thảo, giáo sư Lê Văn Huấn, kỹ sư Kha Vạng Cân, Phước George… Các văn nghệ sĩ nổi tiếng như Năm Châu, Phùng Há, Tư Chơi, Tám Danh… cũng tỏ thái độ tình cảm và ủng hộ cách mạng. Thậm chí một bộ phận tổng lý đã có thiện cảm với cách mạng hoặc đứng trung lập.
Về củng cố tổ chức Đảng, Thành ủy đã hoàn thành tốt công tác kiện toàn tổ chức từ cơ quan lãnh đạo đảng cấp thành đến cấp cơ sở, sau Nghị quyết của Hội nghị Tân Hương, chỉ một tháng sau đó, lãnh đạo Thành ủy được củng cố bao gồm các đồng chí: Nguyễn Như Hạnh (Bí thư Thành ủy), Nguyễn Văn Hớn, Phan Nhung, Trần Văn Sớ, Nguyễn Oanh, Trần Văn Út, Hoàng Xanh, sau này có thêm đồng chí Xuyên, chuyên phụ trách công vận. Cuối tháng 9-1940, Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn lại mở cuộc họp mở rộng, nhất trí thành lập thêm các Ủy ban khởi nghĩa cấp thành – quận, đồng chí Tạ Uyên (Bí thư Xứ ủy) làm Trưởng Ủy ban khởi nghĩa của thành phố… Bên cạnh công tác củng cố nhân sự, Thường vụ Thành ủy còn quan tâm xúc tiến việc củng cố, phát triển cơ sở đảng. Tính đến tháng 10-1940, Đảng bộ thành phố có trên 50 chi bộ, số lượng đảng viên trên dưới 300 người.
Về xây dựng và củng cố lực lượng đấu tranh, Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn được chủ trương thành lập các tổ chức như: Thanh niên phản đế, Phụ nữ phản đế, Binh sĩ phản chiến, Nông hội phản đế… Nhiều nơi, dưới sự quan tâm sâu sát của Thành ủy đã chủ động xây dựng các đội cảm tử, tự vệ, du kích… Những cá nhân hăng hái của tổ chức quần chúng được tập hợp từ 3 đến 9 người làm một đội du kích, một số đội du kích được tập hợp lại thành một đơn vị, đến tháng 11-1940 ở Sài Gòn đã có hơn 34 đơn vị du kích. Từ tháng 7-1940, tại nhiều nhà máy, trường học, đường phố ngoài tổ chức tự vệ còn hình thành thêm các tổ, tiểu đội du kích. Ở nông thôn, các xã tổ chức được từ một tiểu đội đến một đội du kích. Trong một số khu lao động, đường phố, các trường học đã tổ chức những đơn vị tự vệ vũ trang. Đồng bào người Hoa cũng thành lập nên tổ chức Hoa kiều kháng Nhật cứu quốc hội Sài Gòn – Chợ Lớn. Nhiều cán bộ đảng viên, đồng bào người Hoa đã hoạt động rất tích cực.
Ngày 15-10-1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp nghe báo cáo tình hình chuẩn bị từ các địa phương. Hội nghị đã bàn các phương án, mục tiêu cân nhắc lần cuối cùng về những điều kiện của cuộc khởi nghĩa và đi đến quyết định giao cho Ban Thường vụ Xứ ủy quy định cụ thể ngày giờ nổi dậy. Ngày 20-11-1940, đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn chưa về, nhưng trước tình thế cấp bách, Ban Thường vụ Xứ ủy họp khẩn cấp, hạ lệnh cho tất cả các nơi nổi dậy vào 24 giờ ngày 22-11-1940. Lệnh được phát đi từ thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn.
Tuy nhiên, thông tin khởi nghĩa bị lộ ra ngoài, thực dân Pháp biết trước kế hoạch và thời gian khởi nghĩa của Xứ ủy Nam Kỳ. Cuộc họp phổ biến lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy của Ban khởi nghĩa Thành không có, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã bị bắt, khiến cho cuộc khởi nghĩa ở Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn chưa kịp nổ phát súng đầu tiên đã tê liệt, mặc dù các tổ vũ trang đã được xây dựng và chuẩn bị sẵn ở những nơi cơ sở mạnh như Ba Son, F.A.C.I., Nhà đèn, Trường Bá nghệ và các khu xóm lao động. Điều này có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào nổi dậy của các tỉnh khác, bởi ai nấy đều trông mong tin tức thắng lợi từ phía trung tâm Thành phố.
Nội thành Sài Gòn không nổ súng được nhưng ở Gia Định, Chợ Lớn và các tỉnh khác của Nam Kỳ đều nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh Xứ ủy ban hành. Họ đồng loạt nổi dậy. Trước tình thế đó địch phải huy động một lực lượng lớn quân lính để đàn áp cuộc khởi nghĩa, dìm cuộc khởi nghĩa trong biển lửa. Tại Khám Lớn, chỉ căn cứ vào các báo cáo chính thức của địch còn sót lại, ta có thể thấy được nhiều chiến sĩ tham gia khởi nghĩa bị bắt giam, bị chúng đối xử man rợ, bị đánh đập tra tấn, không còn được đối xử như những con người, khiến nhiều chiến sĩ cách mạng phải hy sinh ngay trong tù, số lượng không đếm xuể.
Gương hy sinh của các chiến sĩ cộng sản cũng như của những đồng bào yêu nước trong Nam Kỳ khởi nghĩa không những không làm quần chúng nhân dân sợ hãi chùn bước mà còn khiến dân ta nung nấu ý chí, lòng căm thù giặc sâu sắc hơn, biến thành sức mạnh để họ tiếp tục đứng lên đấu tranh, chuẩn bị lực lượng đánh đổ chúng… Từ Nam Kỳ khởi nghĩa, bài học về giữ vững niềm tin vào thắng lợi, giữ vững được lý tưởng của Đảng là bài học vô cùng quý giá của Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn nói riêng, Đảng ta nói chung trong hoạt động xây dựng Đảng. Sức mạnh của Đảng là ở Nhân dân, vì thế trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải luôn giữ vững mối liên hệ giữa Đảng với Nhân dân, không ngừng xây dựng lực lượng cách mạng trong quần chúng nhân dân.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.