Gánh nặng và thách thức trong 4 năm tới của chính quyền Tổng thống Joe Biden

Ông Joe Biden đã chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, chính quyền của ông Biden sẽ phải đối mặt với một loạt các thách thức cả về đối nội và đối ngoại.

Về đối nội, thách thức trước tiên và trên hết của Chính quyền Biden-Harris chính là xử lý đại dịch Covid-19 và những hệ lụy, đặc biệt là về kinh tế-xã hội mà dịch bệnh gây ra. Dữ liệu của Đại học John Hopkins cho thấy, cuộc khủng hoảng y tế công cộng tồi tệ nhất trong gần một thế kỷ qua đã khiến hơn 24 triệu người bị nhiễm bệnh và cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 người ở Mỹ.

Các chuyên gia y tế công cộng hàng đầu của Mỹ đều cảnh báo rằng dịch bệnh sẽ còn tồi tệ hơn nữa, ít nhất là đến giữa tháng 2 tới, cho đến khi tình hình có thể dần được cải thiện. Dự báo ​​số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ sẽ lên tới 500.000 người vào giữa tháng sau. Bản thân Tổng thống Biden mới đây đã phải thừa nhận rằng nước Mỹ vẫn đang ở trong một “mùa Đông rất đen tối” khi đề cập tới diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

16_16_0

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Getty)

Thách thức thứ hai, đó là nhanh chóng hoàn thiện bộ máy nhân sự để điều hành công việc của Chính phủ. Đáng chú ý, một ngày trước lễ nhậm chức tổng thống, các ủy ban liên quan của Thượng viện Mỹ mới tổ chức điều trần chuẩn thuận cho năm ứng viên được ông Biden đề xuất, trong đó có những ứng viên vào các vị trí rất quan trọng như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Giám đốc tình báo quốc gia và Bộ trưởng Quốc phòng. Hơn nữa, việc đảng Dân chủ chỉ nắm đa số ghế mong manh (50/100) tại Thượng viện, bắt đầu từ ngày 22/01 tới, sẽ khiến những người được ông Biden lựa chọn và phải được Thượng viện phê chuẩn có thể gặp không ít khó khăn mới có thể giành đủ số phiếu ủng hộ cần thiết.

Thách thức thứ ba, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, đó là hàn gắn những chia rẽ sâu sắc trong đời sống chính-trị xã hội và đoàn kết nước Mỹ, sau một mùa vận động tranh cử 2020 gây tranh cãi và kéo dài nhất trong lịch sử hiện đại. Cùng với đó là những nguy cơ thường trực bất ổn an ninh và xung đột do chính các nhân tố bên trong gây ra, trong bối cảnh xung đột đảng phái và sắc tộc tại Mỹ hiện ở mức cao hơn bao giờ hết.

Về đối ngoại, thông điệp xuyên suốt mà ông Joe Biden nêu lên trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, đó là “nước Mỹ đã trở lại” để sẵn sàng lãnh đạo thế giới chứ không thoái lui. Tân Tổng thống Biden cũng cam kết sẽ đảo ngược chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Chính quyền Tổng thống vừa mãn nhiệm Donald Trump, mà ông Biden gọi là “Nước Mỹ một mình”.

Theo đó, Mỹ sẽ không nắn gân đồng minh, không tôn vinh chủ nghĩa dân túy và sẽ không rút khỏi các cam kết quốc tế. Thay vào đó, nước Mỹ sẽ quay trở lại chính sách truyền thống kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đó là củng cố các mối quan hệ đồng minh và chủ nghĩa đa phương, lấy giá trị dân chủ làm nguyên tắc cốt lõi để tập hợp lực lượng. Tuy vậy, cần phải lưu ý rằng, sau bốn năm dưới thời Chính quyền Donald Trump, cả ba trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ, gồm chủ nghĩa đa phương, quan hệ đồng minh và giá trị dân chủ, đã bị mai một tới mức mà nhiều chuyên gia cho rằng không thể khôi phục được.

Có lẽ hồ sơ nổi cộm nhất, cấp bách nhất và cũng sẽ kéo dài nhất trên mặt trận đối ngoại của Chính quyền Tổng thống Biden đó là ứng xử và giải quyết các mối quan hệ với Trung Quốc. Quan hệ Mỹ-Trung hiện đang ở trạng thái đối đầu toàn diện và việc chính quyền tiền nhiệm thực thi chính sách rất cứng rắn đối với Trung Quốc cho đến tận giờ phút cuối đã nhận được sự đồng thuận của cả hai đảng trong Quốc hội và đa số người dân Mỹ.

Trong thông điệp gửi gắm cuối cùng, Phó Tổng thống vừa mãn nhiệm Mike Pence kêu gọi chính quyền sắp tới đi đúng hướng, làm những gì mà chính quyền tiền nhiệm đã làm nhằm chống lại sự hung hăng và lạm dụng thương mại của Trung Quốc, giữ vững lập trường mạnh mẽ của Mỹ vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở.

 Một hồ sơ đối ngoại khác có thể khiến chính quyền của Tổng thống Biden “đau đầu” đó chính là xử lý vấn đề hạt nhân Iran. Việc đưa Mỹ tham gia trở lại Thỏa thuận Hạt nhân Iran năm 2015, còn được biết đến dưới tên gọi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) được coi là điều kiện tiên quyết ngăn ngừa tình trạng “già néo đứt dây” trong quan hệ Mỹ-Iran đồng thời là nhân tố tác động đến uy tín và vị thế của Mỹ ở khu vực Trung Đông, trong bối cảnh Hoà bình Trung Đông lâm vào bế tắc.

Tất nhiên, sẽ còn có rất nhiều các thách thức khác đòi hỏi Chính quyền Tổng thống Biden phải nỗ lực giải quyết. Nhưng 100 ngày lãnh đạo nước Mỹ đầu tiên, Tổng thống Biden sẽ tập trung giải quyết các thách thức nào, cùng với những ưu tiên đối nội… vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.

Trong bản ghi nhớ gửi tới các nhân viên hôm 16/1, Chánh Văn phòng Nhà Trắng sắp nhậm chức Ron Klain thừa nhận rằng, chính quyền mới sẽ phải đương đầu với bốn cuộc khủng hoảng kép, bao gồm cuộc khủng hoảng Covid-19, cuộc khủng hoảng kinh tế, cuộc khủng hoảng khí hậu và cuộc khủng hoảng về công bằng chủng tộc.

Khó khăn chồng chất, nhưng vượt lên tất cả, người dân Mỹ vẫn mong đợi một niềm hy vọng về tinh thần hoà giải, đoàn kết đưa nước Mỹ tiến lên. Và thời khắc chuyển giao quyền lực đêm qua, có lẽ hàng triệu người dân Mỹ đã lặng lẽ nguyện cầu những điều tốt lành nhất đến với họ và nước Mỹ.

Nguồn vov.vn