Virus SARS-CoV-2 tồn tại trong tử thi bao lâu?
Virus không nhân lên trong người chết
Vào những tháng cao điểm của đại dịch Covid-19 năm 2020, người chết trên đường phố Ecuador chất thành đống, ở New York nhà xác không còn chỗ và thi thể xếp đầy hành lang bệnh viện. Nhân viên y tế, pháp y, những người xử lý và bảo quản thi thể trong nhà tang lễ, tất cả thực thi công việc mà không hề sợ hãi. Bởi họ hiểu virus không thể nhân lên trong người chết.
SARS-CoV-2 mang vật liệu di truyền là một phân tử RNA dạng sợi, bản thân virus không thể tự sinh trưởng, mà bắt buộc phải dựa vào tế bào cơ thể người tổng hợp giúp cho vật liệu di truyền RNA ấy. Để quá trình sao chép này được diễn ra, thì tế bào phải cung cấp năng lượng gọi là ATP. Năng lượng ATP được tạo ra trong ti thể.
Người chết không hít thở nên không có oxy đến ti thể, vì thế ATP không được sinh ra, quá trình sinh tổng hợp vật liệu di truyền RNA cho virus cũng bị chấm dứt. Như vậy virus không thể nhân lên trong tế bào người chết.
Tiếp theo, SARS-CoV-2 cư trú ở niêm mạc đường hô hấp, virus phát tán ra môi trường qua giọt bắn nước bọt khi bệnh nhân hắt hơi, ho, thậm chí là hơi thở, nói và cười. Người chết không có khả năng này. Vì vậy, khi tiếp xúc với xác chết, nhân viên y tế, nhân viên pháp y và những người làm trong nhà tang lễ không lo sợ.
Nhưng virus tồn tại trong dịch tiết cơ thể!
Xác chết thường tiết ra các chất lỏng như đờm, nước bọt, máu, nước tiểu, dịch nhầy đường sinh dục, phân; đều có thể chứa virus đang hoạt động. Lưu ý người chết tất cả các lỗ tự nhiên đều tiết dịch.
Theo quan niệm cổ xưa, con người có 7 lỗ tự nhiên (thất khiếu) nằm trên khuôn mặt, gồm 2 mắt, 2 tai, 2 lỗ mũi, 1 miệng. Đàn bà có thêm 2 lỗ vú, tổng là 9 lỗ, vì thế mà đàn bà 9 vía trong khi đàn ông chỉ có 7 vía.
Nhật Bản nổi tiếng sạch sẽ, luôn tuân thủ các quy tắc vệ sinh cá nhân, nhưng kể từ khi đại dịch xảy ra, đến nay đã có 73 sĩ quan cảnh sát bị lây nhiễm Covid-19 từ xác chết.
Virus tồn tại bao lâu trong thi thể?
Đến nay chưa có nghiên cứu nào về thời gian SARS-CoV-2 tồn tại trong tử thi có thể gây bệnh. Nhưng dựa vào báo cáo trước đây, như virus corona gây dịch SARS năm 2003, thời gian tồn tại từ 72 – 96 giờ, tùy từng loại virus và tùy theo nhiều yếu tố, ví dụ vỏ virus, môi trường, nhiệt độ, độ ẩm…
Virus trong thi thể không giống như bật công tắc tắt – mở, ngay lập tức virus từ “sống” chuyển sang “chết” hết sạch, mà cần phải có thời gian. Nhưng thời gian bao lâu thì khoa học vẫn chưa có lời giải đáp.
Nạn nhân người Nhật cũng được xét nghiệm Realtime-PCR. Nhưng những xét nghiệm Realtime-PCR là tìm một đoạn vật liệu di truyền RNA của virus chứ không phải xét nghiệm cho biết virus đang hoạt động hay đã bị bất hoạt – không còn khả năng gây bệnh.
Kết quả xét nghiệm Realtime-PCR dương tính mới chỉ phản ánh chuyên gia người Nhật đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2, còn thời điểm nhiễm khi nào, virus còn trong thi thể đang hoạt động hay đó chỉ là mảnh-xác virus, thì chưa thể khẳng định được. Mảnh virus có thể tồn tại hàng ngàn năm.
Song, đứng về mặt dịch bệnh truyền nhiễm, vẫn phải đặt tình huống xấu nhất lên hàng đầu để có biện pháp khoanh vùng đề phòng dịch lây lan mất kiểm soát. Nạn nhân là chuyên gia nên chắc chắn sẽ tiếp xúc với nhiều người, dịch bệnh lại rất phức tạp, nên những ai tiếp xúc với nạn nhân phải hết sức cẩn thận, không chủ quan!./.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.