Người Myanmar chứng kiến “ngày đẫm máu” nhất trong 1 tháng biểu tình
Ít nhất 38 người thiệt mạng ở Myanmar trong ngày 3-3, ngày mà Liên Hiệp Quốc mô tả là “ngày đẫm máu nhất” kể từ khi cuộc đảo chính diễn ra một tháng trước.
Bà Schraner Burgener cho biết thêm một đoạn clip cho thấy cảnh sát đánh đập một nhân viên y tế tình nguyện không vũ trang. Một đoạn video khác cho thấy một người biểu tình bị bắn và có thể bị giết trên đường phố. Bà Schraner Burgener nói: “Tôi đã hỏi một số chuyên gia vũ khí và họ có thể xác minh cho tôi, không rõ lắm nhưng có vẻ như vũ khí của cảnh sát là súng tiểu liên 9mm và là đạn thật”.
Hiện người phát ngôn của chính quyền quân sự không phản hồi yêu cầu bình luận về vụ bạo lực mới nhất. Tuy nhiên, trước đó, khi các nước trên thế giới nhìn nhận cuộc khủng hoảng của Myanmar với sự bất an ngày càng gia tăng, quân đội nước này cho biết họ sẵn sàng chấp nhận các lệnh trừng phạt và cô lập sau cuộc đảo chính.
Người biểu tình dùng lựu đạn khói để chặn tầm nhìn từ các tay súng bắn tỉa ở TP Yangon ngày 3-3. Ảnh: Reuters
Các nhân chứng kể với đài BBC cảnh sát và binh lính kiệm lời cảnh cáo, bắn đạn cao su và đạn thật vào người biểu tình ở một số thị trấn và thành phố. Nhà hoạt động Thinzar Shunlei Yi cho biết: “Thật kinh khủng, không từ ngữ nào có thể diễn tả được hoàn cảnh và cảm xúc của chúng tôi”.
Một người biểu tình nói với Reuters: “Lực lượng an ninh không phun vòi rồng vào chúng tôi, cũng không có cảnh báo giải tán, họ chỉ xả súng”.
Tại Yangon, các nhân chứng nói rằng ít nhất 8 người thiệt mạng, một người chết vào buổi sáng, và 7 người chết khi lực lượng an ninh sử dụng vũ khí tự động vào đầu giờ tối. Người biểu tình Kaung Pyae Sone Tun, 23 tuổi, kể: “Tôi nghe thấy rất nhiều tiếng súng liên tục. Tôi nằm xuống đất, họ bắn nhiều phát và tôi thấy hai người thiệt mạng tại chỗ”.
Nhiều người thiệt mạng ở Mandalay – thành phố lớn thứ hai Myanmar, thị trấn khai thác mỏ Hpakant ở miền bắc và thị trấn Myingyan ở miền Trung.
Một sinh viên biểu tình ở Mandalay kể với BBC rằng những người biểu tình đã bị giết gần nhà cô ấy. Sinh viên đó nhớ vào khoảng 10 giờ hoặc 10 giờ 30 phút ngày 3-3-, cảnh sát và binh lính đến, sau đó họ bắt đầu bắn vào dân thường mà không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào.
Một trong số những người chết ở Mandalay là cô gái 19 tuổi mặc áo phông in dòng chữ “mọi thứ rồi sẽ ổn thôi”.
Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho biết có 4 trẻ em trong số những người thiệt mạng. Một phóng viên miêu tả một cậu bé 14 tuổi đã bị một binh sĩ trên xe quân sự bắn chết. Các binh sĩ sau đó đưa thi thể cậu bé lên xe tải và rời khỏi hiện trường.
Người biểu tình tránh khi cảnh sát nổ súng ngày 3-3. Ảnh: Reuters
Bạo lực biểu tình mới nhất xảy ra sau khi ngoại trưởng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gồm đại diện quân đội Myanmar Wunna Maung Lwin, thảo luận về cuộc khủng hoảng tại cuộc họp trực tuyến.
Phản ứng trước số người thiệt mạng hôm 3-3, Anh kêu gọi mở một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào ngày 5-3, trong khi Mỹ cho biết đang xem xét hành động tiếp theo chống lại quân đội Myanmar. Singapore, nhà đầu tư lớn nhất của Myanmar, lên án việc chính quyền sử dụng vũ lực gây chết người. Trước đó, các nước láng giềng của Myanmar thúc giục quân đội kiềm chế.
Kể từ sau đảo chính ngày 1-2, hàng trăm nghìn người Myanmar xuống đường biểu tình phản đối chính quyền quân sự. Trước ngày 3-3, hôm 28-2 là “ngày đẫm máu” nhất khi 18 người biểu tình chết và 30 người bị thương.
Những người biểu tình kêu gọi chấm dứt chế độ quân sự và trả tự do cho các lãnh đạo chính phủ được bầu, bao gồm Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, những người đã bị lật đổ và giam giữ sau đảo chính.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.